Đào con này trên rừng về nuôi, nhiều hộ dân ở huyện vùng cao tỉnh TT-Huế bất ngờ đổi đời vì thu lãi cao

Văn Hòa- Chí Công Thứ hai, ngày 09/08/2021 05:45 AM (GMT+7)
Việc thuần hóa dúi rừng để nuôi đã giúp nhiều hộ dân ở huyện miền núi Nam Đông (Thừa Thiên Huế) đổi đời vì thu lãi cao hơn nhiều so với các vật nuôi truyền thống.
Bình luận 0

Xuất thân từ vùng đồng bào dân tộc nghèo khó, anh Lê Minh Chàng Cuối (27 tuổi, trú thôn Bha Bhar, xã Hương Sơn, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế) từng mưu sinh bằng nhiều nghề. 

Đào con này trên rừng về nuôi, nhiều hộ dân ở TT-Huế bất ngờ đổi đời vì thu lãi cao  - Ảnh 1.

Với hơn 20 cặp dúi bố mẹ, mỗi năm chị Nguyễn Thị Nam, thị trấn Khe Tre, huyện Nam Đông (tỉnh TT-Huế) thu lãi số tiền hơn 80 triệu đồng. Ảnh: Văn Hòa.

Tuy nhiên, dù làm nhiều nghề, cuộc sống gia đình Chàng vẫn khó khăn. Năm 2013, anh Cuối đi bộ đội, sau đó xuất ngũ về quê tham gia công tác đoàn.

Cuối năm 2018, trong một lần đi rừng, người anh của anh Cuối đào được một cặp dúi. Nhận thấy loài vật này bán được giá cao vì thịt thơm ngon, nhiều người ưa chuộng, anh Cuối bắt đầu tìm tòi, học hỏi cách nuôi dúi.

 Năm đầu tiên thử nghiệm nuôi dúi rừng, do chưa hiểu hết đặc tính của dúi nên trong quá trình nuôi nhiều con bị chết. 

Thời gian đó anh Cuối hầu như không thu được lợi nhuận gì từ việc nuôi loài vật này. Nhưng hai năm trở lại đây, mô hình nuôi dúi rừng của anh ngày càng phát triển và đem lại nguồn thu đáng kể. 

Hiện nay anh Cuối là người cung cấp dúi giống cho các hộ dân địa phương và xuất giống đi các huyện Nam Đông và tỉnh Thừa Thiên Huế cũng như các tỉnh, thành phố lân cận. Trung bình mỗi mùa dúi sinh sản anh Cuối thu về từ 30-50 triệu đồng.

Anh Cuối cho biết: "Vì là giống dúi rừng nên nó rất ít khi bị bệnh. So với gà vịt thì dúi dễ nuôi hơn nhiều. Trung bình mỗi năm dúi cái sinh sản 3 lần, mỗi lần đẻ trung bình 3-5 con. Con dúi giống nuôi tầm 1-2 tháng là có thể bán được. Mỗi cặp dúi giống có giá giao động từ 800 ngàn đến 1,5 triệu đồng, tùy vào trọng lượng".

Đào con này trên rừng về nuôi, nhiều hộ dân ở TT-Huế bất ngờ đổi đời vì thu lãi cao  - Ảnh 2.

Mô hình nuôi dúi đang ngày càng được nhân rộng ở huyện miền núi Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: NVCC.

Anh Cuối chia sẻ: "Nuôi dúi nói dễ nhưng cũng có những điểm khó. Quá trình nuôi chuồng trại phải sạch sẽ, thoáng mát, thức ăn cho dúi phải đầy đủ can xi. Đặc biệt, vào mùa sinh sản cần phải tránh những tiếng động lạ vì nếu bị stress hay giật mình thì những con dúi bố mẹ sẽ ăn những con dúi con".

Nhận thấy mô hình nuôi dúi của anh Cuối mang lại hiểu quả kinh tế cao, hàng chục hô dân ở địa phương cũng học hỏi, mở chuồng trại nuôi dúi để làm giàu.

Anh Hồ Xuân Góc (41 tuổi, trú thôn Bha Bhar) là một trong nhiều người xây dựng chuồng trại và mua giống từ anh Cuối về nuôi. 

Anh Góc kể: "Nuôi dúi là một mô hình mới lạ, đem lại hiểu quả kinh tế cao mà lại tốn ít chi phí. Với nguồn thức ăn sẵn có từ địa phương, cộng với đặc tính dễ nuôi của dúi thì rất dễ cho việc chăm sóc, phát triển đàn".

Anh Góc cho biết thêm, nguồn thức ăn chính của dúi chủ yếu lấy từ núi rừng như rễ cây chít, lồ ô, cỏ voi, ngô…Mua 5 cặp giống với số tiền gần 7 triệu đồng, hiện tại số dúi giống anh Góc nuôi đang bước vào giai đoạn sinh sản.

Chị Nguyễn Thị Nam (trú xã Thượng Lộ, giáo dạy Mỹ Thuật tại Trường THCS thị trấn Khe Tre, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế) cũng là một trong những người tiên phong trong việc nuôi dúi ở huyện Nam Đông. 

Năm 2015 chồng chị Nam đưa về 2 cặp dúi. Thấy dúi là loài động vật hiền lành, dễ nuôi, chị Nam quyết định nuôi thử. Trong quá trình nuôi dúi sinh trưởng tốt, từ 2 cặp giống sinh sản ban đầu chỉ sau thời gian ngắn chỉ đã sở hữu nhiều con giống.

Đào con này trên rừng về nuôi, nhiều hộ dân ở TT-Huế bất ngờ đổi đời vì thu lãi cao  - Ảnh 3.

Chị Nguyễn Thị Nam thường quảng bá việc nuôi dúi trên mạng xã hội và thu hút nhiều người đến mua con giống, học hỏi kinh nghiệm nuôi loài vật vốn có nguồn gốc hoang dã này. Ảnh: NVCC.

Từ năm 2017, chị Nam đăng tải hình ảnh mô hình nuôi dúi lên các trang mạng xã hội, nhiều người bắt đầu tìm đến chị mua con giống và học hỏi mô hình nuôi dúi. Với hơn 20 cặp dúi bố mẹ, mỗi năm chị Nam thu lãi số tiền hơn 80 triệu đồng.

 "Nuôi dúi khó khăn nhất là mùa sinh sản. Dúi kị nhất là tiếng động, hơi người lạ, nếu không kiêng những thứ đó, dúi bố mẹ sẽ hay bị tình trạng ăn nhầm con non", chị Nam kể.  

Theo kinh nghiệm của chị Nam, khi nuôi dúi cần chú ý một số một số vấn đề như: Không cho dúi ăn đồ lạ vì nó sẽ dễ bị tiêu chảy.

Nếu răng dúi bị mọc dài thì nên bổ sung một số thức ăn cứng như xương động vật, thân cây. Có những thời điểm dúi hay bị đau mắt đỏ, lúc này cần chú ý nhỏ thuốc bổ mắt cho dúi. 

Nếu thời tiết thay đổi khiến dúi bị sốc nhiệt thì cần phải đảm bảo trang trại thoáng mát, sạch sẽ…

"Phân dúi cũng có thể tận dụng để làm phân bón hữu cơ. Khác với phân của các loại động vật khác, phân dúi có độ khô, xốp và không có mùi hôi, nên có thể tận dụng để chăm bón cho cây trồng rất hiệu quả", chị Nam chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem