Đào rãnh trong vườn nuôi ốc bươu đen, trên nuôi loài gà cũng đen, nông dân Sóc Trăng có thu nhập "đỏ"

Xuân Nguyên Thứ ba, ngày 20/12/2022 05:04 AM (GMT+7)
Thực hiện hiệu quả các mô hình sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu, nhiều hộ dân tại các xã: An Mỹ, Kế Thành, Thới An Hội thuộc huyện Kế Sách (Sóc Trăng) đã cải thiện thu nhập, vượt khó thoát nghèo, hướng đến một cuộc sống ổn định, trong đó có mô hình nuôi ốc bươu đen, nuôi gà đen...
Bình luận 0

Tín hiệu tích cực từ mô hình nuôi ốc bươu đen và gà đen-gà H’Mông

Cuối năm 2021, sau khi tìm hiểu kỹ thuật nuôi ốc bươu đen, anh Lê Trường Giang, ở ấp Thạnh Lộc, xã An Mỹ, huyện Kế Sách quyết định thả nuôi 20.000 con ốc giống. 

Hơn 5 tháng chăm sóc, ốc lớn nhanh, đến lúc xuất bán, sản lượng ốc đạt yêu cầu kích thước 20 - 30 con/kg, thịt dai ngon, dễ bán, giúp cho anh Giang có động lực tiếp tục nghề nuôi ốc. 

Hiện tại, với 2 ao nuôi lớn, có diện tích 500m²/ao và 6 ao nhỏ, có diện tích hơn 200m²/ao, hàng tháng anh Giang thu lợi từ việc bán ốc thương phẩm hơn 3 triệu đồng.

“Trước đây, vợ chồng tôi làm thuê, làm mướn, thu nhập bấp bênh, nhưng từ khi nuôi ốc đạt hiệu quả, có thu nhập thường xuyên thì cuộc sống gia đình tôi thoải mái hơn xưa. 

Nuôi ốc bươu đen không mất thời gian chăm sóc, không tốn chi phí thức ăn do mình tận dụng bèo, rau xanh, trái cây bỏ đi trong vườn nhà để cho ốc ăn; đặc biệt, ốc có thể thu hoạch nhiều đợt và lâu dài. Hiện tại, mỗi tháng tôi ấp được trên 10.000 ốc giống. 

Cuối năm nay, tôi sẽ mở rộng thêm 2 ao, vừa nuôi ốc thương phẩm vừa ấp ốc giống để cung cấp cho bà con trong vùng” - anh Giang phấn khởi kể về dự định sắp tới.

Đào rãnh trong vườn nuôi ốc bươu đen, trên nuôi loài gà cũng đen, nông dân Sóc Trăng có thu nhập "đỏ" - Ảnh 2.

Ông Trần Văn Liel, ở ấp Trường Thọ, xã An Mỹ, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) là một trong những hộ dân nuôi gà đen-gà H'Mông có hiệu quả. Ảnh: XUÂN NGUYÊN

Sau 1 năm thử nghiệm mô hình nuôi ốc bươu đen, lợi nhuận từ việc bán ốc thương phẩm đã góp phần giúp cho kinh tế gia đình anh Trần Thanh Phong, ở ấp Thạnh Lộc ổn định hơn.

Trao đổi về kinh nghiệm nuôi ốc, anh Phong cởi mở chia sẻ: “Nuôi ốc bươu đen không tốn công lại cho thu nhập tốt, chỉ cần tranh thủ thời gian cho ốc ăn, theo dõi, kiểm tra ốc sinh trưởng để thu hoạch, thời gian còn lại có thể làm công việc khác nên nhiều bà con trong vùng rất tâm đắc với mô hình này”.

Hiện anh Phong có 3 ao nuôi, diện tích khoảng 300m², trong đợt xuất bán ốc thương phẩm mới đây, anh Phong thu về hơn 8 triệu đồng cho hơn 200kg ốc.

Chia tay các hộ gia đình nuôi ốc bươu đen, chúng tôi đến tham quan các mô hình nuôi gà H’Mông hiện đang triển khai rộng rãi trên địa bàn 3 xã: An Mỹ, Kế Thành và Thới An Hội. Hơn 2 tháng kể từ khi nhận 100 con giống, đàn gà của ông Trần Văn Liel, ở ấp Trường Thọ, xã An Mỹ hiện đã đạt trọng lượng hơn 1kg/con. 

Ông Liel vui mừng cho biết: “Gia đình tôi thuộc hộ cận nghèo, tuổi tác của tôi cũng đã cao nên không lao động nặng nhọc được. Khi bắt đầu nuôi giống gà này tôi cũng lo lắng, sợ hao hụt. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, đàn gà vẫn khỏe mạnh, lớn nhanh, ít hao hụt, khoảng 1 tháng nữa có thể xuất chuồng. 

Đây sẽ là nguồn thu nhập mới của gia đình chúng tôi”. Theo quan sát của chúng tôi, khu vực chuồng nuôi gà của ông Leil ở sau nhà, tận dụng chuồng nuôi heo trước đó. 

Theo ông Liel, gà H’Mông dễ nuôi, sức đề kháng tốt, tuy nhiên phải tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh, chuồng nuôi bao lưới, nền trải một lớp trấu, vệ sinh sạch sẽ. Ngoài thức ăn, đàn gà còn ăn được rau cải, củ quả, cỏ tự nhiên.

Cũng khởi đầu mô hình nuôi gà H’Mông với 100 con gà giống, chị Lê Thị Mười Em, ở ấp Kinh Giữa 1, xã Kế Thành được khen “mát tay” vì đến hiện tại đàn gà không hao hụt, lớn nhanh, chắc thịt. 

Theo thị trường, giá gà H’Mông bán thịt dao động từ 120.000 - 140.000 đồng/kg, đến giáp tết Nguyên đán đàn gà sẽ xuất bán, lợi nhuận từ đàn gà hứa hẹn sẽ mang lại một cái Tết đủ đầy cho gia đình chị Mười.

Tiếp sức cho người dân vượt khó, thoát nghèo

Theo Ban Quản lý Chương trình Hỗ trợ phát triển huyện Kế Sách, Dự án “Xây dựng năng lực cho cộng đồng nhằm ứng phó với thiên tai” giai đoạn 2 (2020 - 2022) do Tổ chức Bánh mỳ cho thế giới (BfdW) và Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt nam (AAV) tài trợ do Quỹ hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) thực hiện.

Chương trình hướng tới mục tiêu giúp các cộng đồng dễ bị tổn thương ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long có khả năng ứng phó tốt hơn với các mối nguy hại môi trường khó lường. 

Một trong những hoạt động nổi bật của dự án là hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn thực hiện các mô hình sinh kế, như: nuôi ếch kết hợp nuôi cá, sản xuất lúa giống chịu mặn, trồng nấm rơm trong nhà, nuôi ốc bươu đen, nuôi gà H’Mông. 

Theo đó, mô hình nuôi ốc bươu đen được triển khai vào cuối năm 2021, tập trung ở xã An Mỹ với 7 hộ nuôi, còn mô hình nuôi gà H’Mông triển khai vào đầu tháng 10 năm nay đến các xã: An Mỹ, Kế Thành và Thới An Hội với 70 hộ nuôi.

Đào rãnh trong vườn nuôi ốc bươu đen, trên nuôi loài gà cũng đen, nông dân Sóc Trăng có thu nhập "đỏ" - Ảnh 5.

Thực hiện hiệu quả mô hình nuôi ốc bươu đen, nhiều hộ dân ở xã An Mỹ, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) từng bước vượt khó, thoát nghèo. Ảnh: XUÂN NGUYÊN

Qua khảo sát các hộ nuôi ốc bươu đen, được biết hiệu quả của mô hình là do có sự chuẩn bị căn bản trước vụ nuôi. Theo chương trình, mỗi hộ sẽ được hỗ trợ 20.000 con ốc giống, vôi xử lý ao, khoáng phòng trị bệnh, vèo dưỡng ốc. 

Nguồn ốc giống đảm bảo chất lượng, trước khi thả ốc, các hộ nuôi được hướng dẫn cải tạo ao, xử lý đáy ao định kỳ, tham dự các khóa tập huấn. Đối với mô hình nuôi gà H’Mông, mỗi hộ được hỗ trợ 100 con gà con giống, 1 máy ấp trứng. 

Các hộ nuôi gắn kết với nhau qua việc thành lập nhóm zalo để chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi khó khăn trong quá trình nuôi.

Phó Chủ tịch UBND huyện Kế Sách, Trưởng Ban Quản lý Chương trình Hỗ trợ phát triển huyện Kế Sách Lê Hoàng Phong cho biết: “Các mô hình nuôi gà H’Mông, ốc bươu đen giúp cải thiện thu nhập, tạo sinh kế bền vững cho các hộ nghèo, cận nghèo ở địa phương. 

Thời gian qua, Ban Quản lý Chương trình cũng thường xuyên theo dõi, đánh giá hiệu quả thực hiện để kịp thời hỗ trợ cho các hộ dân. Chúng tôi rất vui khi các mô hình triển khai hiệu quả, không có hộ nào bỏ cuộc, thậm chí còn mở rộng diện tích nuôi, tăng số lượng đàn".

Qua hiệu quả bước đầu thực hiện các mô hình nêu trên cho thấy, dự án này đã mở ra một hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh cho người dân địa phương. Tới đây, mong rằng các hộ dân sẽ tiếp tục duy trì, nhân rộng mô hình nuôi gà và ốc, cùng giúp nhau làm kinh tế để có cuộc sống no ấm, ổn định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem