Đào tạo nghề gắn với việc làm

Chủ nhật, ngày 12/02/2012 14:40 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngày 9.2, Hội Nông dân tỉnh Hải Dương phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm tỉnh triển khai kế hoạch dạy và đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2012.
Bình luận 0

Dạy theo nhu cầu

Hải Dương là một trong những tỉnh triển khai kế hoạch dạy nghề nông dân hết sức bài bản. Năm 2011, Hải Dương đã khảo sát và chốt lại số lớp học, nghề học và số lượng học viên như: Dạy nghề chăn nuôi thú y và chăn nuôi gia cầm với 4 lớp cho 140 học viên; nghề nuôi thủy sản 9 lớp cho 315 học viên; trồng trọt 2 lớp cho 70 học viên; chăn nuôi – trồng trọt 5 lớp cho 175 học viên; may công nghiệp 4 lớp cho 140 học viên; nghề tin học 1 lớp cho 35 học viên. Sau khóa học, Hải Dương đều có đánh giá lại số lao động có việc làm sau đào tạo.

img
Mô hình đào tạo nghề hàn công nghệ 6G tại Trường Cao đẳng Nghề kỹ thuật công nghệ LOD.

Ông Nguyễn Ngọc Tuyến - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm tỉnh Hải Dương cho biết: “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 thời gian qua chủ yếu tập trung vào các mô hình thí điểm, việc đào tạo mở rộng ở các cơ sở còn có những hạn chế. Vẫn còn tình trạng nghề đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người học, chưa gắn chặt với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Do vậy, năm 2012, chúng tôi sẽ thực hiện quyết liệt việc dạy nghề gắn với nhu cầu”.

Bà Trần Thị Triển - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kinh Môn cho biết: “Việc đào tạo nghề để phát triển sản xuất nông nghiệp cũng như chuyển đổi cơ cấu cây trồng là việc làm cần thiết, nhưng đào tạo phải gắn với nhu cầu, xây dựng mô hình tại cơ sở để sau các buổi học lý thuyết, nông dân có điều kiện ứng dụng và thực hành”.

Hỗ trợ “hậu lớp học”

Theo kế hoạch, năm 2012, Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm tỉnh Hải Dương tiếp tục đào tạo 30 lớp nghề cho 1.050 lao động nông thôn. Trong đó, đào tạo nghề may công nghiệp với 4 lớp cho 140 lao động; nghề nông nghiệp 26 lớp cho 910 lao động nông thôn, gồm các nghề nuôi thủy sản, chăn nuôi, trồng trọt.

Trong năm 2011, Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm tỉnh Hải Dương đã tổ chức thực hiện đào tạo được 25 lớp nghề cho hơn 875 học viên. Trong đó có 85 học viên thuộc hộ nghèo, 63 học viên thuộc hộ giao đất nông nghiệp và 19 học viên gia đình chính sách.

Bà Phạm Thị Thu Bình - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hải Dương nhấn mạnh: Nông dân thường quan niệm học nghề phải thiết thực, thu nhập ổn định và dễ áp dụng thực tiễn. Muốn làm được điều đó cần phải tăng sự gắn kết giữa cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp. Đặt ra tiêu chí về việc làm trước khi mở lớp. “Chúng tôi yêu cầu các cơ sở mở lớp đào tạo phải có trách nhiệm cho tới khi khóa học kết thúc, không tổ chức thực hiện đào tạo nghề ở những cơ sở không có điều kiện về diện tích, đào tạo không phù hợp với nhu cầu lao động địa phương...”- bà Bình nói.

Về phía Hội Nông dân, bà Bình khẳng định sẽ triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ “hậu lớp học” như dành một nguồn kinh phí hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình tại cơ sở để học viên sau khi học ứng dụng vào thực tế. Đồng thời tư vấn, hỗ trợ cho nông dân, đặc biệt là các đối tượng chính sách trước và sau học nghề tránh tình trạng học nghề xong không có việc làm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem