Đào tạo nghề tại ruộng vườn, nông dân Bình Định thu hiệu quả thiết thực

Đào Minh Trung Chủ nhật, ngày 05/11/2023 19:40 PM (GMT+7)
Những ngày cuối tháng 10/2023, tại nhiều đám ruộng, khu vườn ở xã Bình Tân, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định sôi nổi các cuộc thảo luận của học viên lớp sơ cấp nghề Quản lý dịch hại tổng hợp do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Tây Sơn phối hợp với Hội Nông dân huyện Tây Sơn tổ chức ở xã Bình Tân.
Bình luận 0

Trong canh tác, nông dân thường xuyên xử lý côn trùng, bệnh hại, cỏ dại, ốc bươu vàng… để hạn chế thiệt hại, và đến nay hình thức phổ biến nhất là sử dụng các hóa chất bảo vệ thực vật vô cơ. Nhưng để vừa bảo vệ mùa màng, đảm bảo năng suất, chất lượng, vừa ổn định sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường thì các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM) hết sức cần thiết.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, một học viên lớp sơ cấp nghề Quản lý dịch hại tổng hợp xã Bình Tân cho biết: Gia đình tôi đang canh tác 3 sào dưa leo. Không biết vì sao, một khoảnh vườn dưa phát sinh đốm vàng trên lá. Được giảng viên trực tiếp tới đám dưa xem xét, giải thích đó là bệnh sương mai và hướng dẫn xử lý cụ thể; hướng dẫn cách lặt lá chân và làm cỏ để giảm độ nóng trong vườn dưa, hạn chế sâu bệnh hại phát sinh.

Đào tạo nghề tại ruộng vườn, nông dân Bình Định thu hiệu quả thiết thực - Ảnh 1.

Ông Trần Ngọc Sỹ, cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NNPTNT Bình Định ) - người đứng đầu tiên - giải thích hiện tượng bệnh sương mai ngay tại ruộng dưa của ông Nguyễn Thanh Hùng - học viên ở xã Bình Tân, huyện Tây Sơn.

Tương tự, ông Hồ Đức Nam chia sẻ: Tôi được hướng dẫn cách phục hồi 1 sào hành hương và cách nhận biết những dấu hiệu thiếu các nguyên tố trung lượng như canxi, magie.

Ông Trần Ngọc Sỹ, cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NNPTNT Bình Định), giảng viên lớp dạy nghề quản lý dịch hại tổng hợp ở xã Bình Tân, huyện Tây Sơn cho hay: Chúng tôi truyền đạt cho học viên hiểu rõ về sâu bệnh hại trên cây trồng cũng như lường trước được hệ quả kinh tế và sinh thái của các biện pháp kỹ thuật dùng trong IPM, hướng dẫn cho họ thực hiện đúng quy trình theo hướng dễ hiểu, dễ nhớ và dễ làm.

Không những học lý thuyết mà còn thực hành nhiều hơn trên cây hoa màu ở địa phương như dưa leo, hành hương, đậu phụng và cây lúa. Khi thầy trò chúng tôi xuống tận ruộng vườn thao tác thực hành, rất nhiều bà con ngoài lớp học nghề cũng tới xem và nhờ tôi hướng dẫn. Không khí học tập và trao đổi kỹ thuật giữa học viên và bà con địa phương rất sôi nổi.

Việc dạy nghề nông cho nông dân như đang diễn ra ở xã Bình Tân, huyện Tây Sơn không phải là mới mẻ, nhưng ban đầu nhiều người vẫn cứ băn khoăn, nông dân mà học làm ruộng nghe lạ quá!

Đào tạo nghề tại ruộng vườn, nông dân Bình Định thu hiệu quả thiết thực - Ảnh 2.

Ông Trần Ngọc Sỹ, cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT Bình Định ) - người ngồi - được hướng dẫn học viên Hồ Đức Nam cách phục hồi cây hành hương và cách nhận biết những dấu hiệu thiếu các nguyên tố trung lượng như canxi, magie ở cây trồng.

Ông Lê Văn Quá - Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện Tây Sơn, chia sẻ: Đến khi vừa tiếp nhận kiến thức, kỹ năng mới vừa thực hành ngay tại ruộng vườn thì bà con rất sôi nổi; càng học càng thấy hấp dẫn. Cái hay của lớp nghề này là phổ cập, cập nhật phương pháp dự báo, nhận diện được mức độ sâu bệnh hại trên cây trồng, biết lúc nào thì dùng thuốc bảo vệ thực vật, thời điểm nào thì áp dụng kỹ thuật IPM để sản xuất đạt hiệu quả cao nhất.

Nhận thức rõ vai trò của nông dân trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nên Hội Nông dân huyện Tây Sơn xác định trước tiên phải định hướng, tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, từ đó, phát huy vai trò của chủ thể, đóng góp thực hiện các tiêu chí khác.

Ông Trần Văn Lượng - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tây Sơn bộc bạch: Ngoài việc tổ chức các lớp nghề phi nông nghiệp, năm 2023 chúng tôi tập trung phối hợp Trung tâm GDNN - GDTX huyện Tây Sơn mở các lớp nghề nông nghiệp, trong đó có 2 lớp sơ cấp nghề Quản lý dịch hại tổng hợp ở xã Bình Tân và xã Bình Hòa. Các xã này đang tích cực xây dựng nông thôn mới giai đoạn nâng cao.

Bà Lê Thị Thanh Hương - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Định khẳng định : Trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, các cấp Hội Nông dân Bình Định đã trực tiếp đào tạo nghề cho 110 hội viên, nông dân trong tỉnh. Ngoài ra, các cấp Hội Nông dân Bình Định còn phối hợp đào tạo nghề cho hơn 14.000 hội viên, nông dân nữa.

Sau khi học nghề, đã có hơn 11.000 học viên có việc làm và thu nhập ổn định. Nhiều học viên đã đầu tư vốn, mở mang ngành nghề mới, củng cố các nghề truyền thống, đẩy mạnh phát triển sản xuất, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, cánh đồng lớn.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem