Đó là vấn đề được nhiều đại biểu đưa ra tại Hội nghị Quy hoạch phát triển nhân lực các tỉnh vùng Đông Nam bộ diễn ra tại Bình Dương ngày 27-12.
Đào tạo chưa "tự cung, tự cấp"
|
Đào tạo nhân lực phải đi đôi với chỗ ở mới phát triển bền vững. Trong ảnh: Công nhân Công ty gỗ Sao Nam (KCN Nam Tân Uyên, Bình Dương). |
Các đại biểu chỉ ra rằng, việc thiếu nguồn nhân lực bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó do thiếu chiến lược đầu tư cơ sở hạ tầng, thiếu quy hoạch lâu dài và chưa đưa ra dự báo tốt về tỉ lệ cung và cầu để định hướng đào tạo. Nhiều tỉnh vẫn chưa thể tự đào tạo, tự cung, tự cấp nguồn nhân lực, vẫn còn "chạy vạy" tuyển mộ lao động dôi dư từ các tỉnh khác, tạo thêm áp lực về chỗ ở cho người nhập cư.
“Chỉ tính riêng Bình Dương mỗi năm có đến 50-60% lao động nhập cư. Tình trạng thiếu lao động tại vùng Đông Nam bộ sẽ còn kéo dài nhiều năm nữa” - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Ngọc Phi, trình bày tại hội nghị.
Ông Bùi Văn Ga - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng: "Cần phải tính toán chiến lược đào tạo nhân lực đáp ứng cung và cầu. Ưu tiên đào tạo lao động chất lượng cao. Làm tốt công tác dự báo, tổng hợp nhu cầu sử dụng lao động theo ngành nghề, cấp trình độ, địa bàn làm cơ sở định hướng để phát triển đào tạo, dạy nghề phù hợp trong từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội...”.
Ưu tiên đào tạo theo đơn đặt hàng
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: "Nhân lực là yếu tố nền tảng, then chốt của sự phát triển. Việc quy hoạch và phát triển nhân lực phải được tính toán, nghiên cứu và thực thi trên cơ sở trả lời câu hỏi: Nhân lực cần bao nhiêu và ở đâu mà ra? Bài toán nhân lực có thể giải quyết tốt nếu liên kết được 4 nhà: Nhà nước, người cầu, người cung và người học.
Tới đây, phải tạo điều kiện để cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động tham gia đào tạo nguồn nhân lực, doanh nghiệp phải đăng ký việc sử dụng lao động ở cấp độ nào để các nhà đào tạo cùng xắn tay đào tạo theo nhu cầu”.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ KH-ĐT và các Sở KH-ĐT phải là đơn vị chịu trách nhiệm tham mưu đào tạo để tính toán đào tạo theo đơn đặt hàng, có địa chỉ, theo nghề nghiệp mà doanh nghiệp cần. Chính Sở KH-ĐT mới biết doanh nghiệp cần bao nhiêu lao động, loại hình lao động gì, cần ngành gì, trình độ kỹ thuật nào mới đáp ứng cho các dự án đầu tư của doanh nghiệp.
Nếu không coi trọng chỗ ở thì có đào tạo, trả lương cao chưa chắc người lao động chịu "đầu quân" lâu dài tại địa phương. Bằng chứng là sức ép nguồn lao động nhập cư khiến Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh luôn đặt trong tình trạng căng thẳng về chỗ ở, nơi gửi con người lao động. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân kết luận: "Đào tạo nguồn nhân lực phải gắn với hạ tầng, chỗ ở, mức lương cho người lao động. Đây là chiến lược về lâu dài cần phải thực hiện và đưa vào quy hoạch sớm thực thi có hiệu quả”.
PGS-TS Dương Đức Lân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, tính đến tháng 11-2010, vùng Đông Nam bộ có 173 cơ sở dạy nghề. Trong đó nhiều nhất là TP.HCM với 79 cơ sở, ít nhất là Bình Phước với 7 cơ sở. Các cơ sở dạy nghề trong vùng vốn đã thiếu lại còn yếu. Theo quy hoạch đến năm 2015 vùng Đông Nam bộ sẽ có 308 cơ sở dạy nghề, năm 2020 là 365 cơ sở.
Lộc Hưng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.