Đập tan dư luận xấu về cuộc đấu tranh chống "giặc nội xâm"
Đập tan dư luận xấu về cuộc đấu tranh chống "giặc nội xâm" (Kỳ 1)
Hoàng Thành An
Thứ hai, ngày 03/07/2023 14:57 PM (GMT+7)
Với bản tính tò mò, muốn tìm kiếm thông tin khác lạ của nhiều người, trong đó có đảng viên đã bị phân tâm, thiếu tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Để công chúng nhận biết được những luận điệu sai trái về cuộc đấu tranh chống "giặc nội xâm" xin gửi đến bài viết "Đập tan dư luận xấu về cuộc đấu tranh chống 'giặc nội xâm'".
Lời tòa soạn:Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, phòng, chống tham nhũng là "chống giặc nội xâm". Vì vậy, "đây là nhiệm vụ rất quan trọng, nhưng cũng vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi chúng ta phải tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, "không nghỉ", "không ngừng" ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực.
Có thể nói, thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng đã có bước tiến mạnh, đột phá, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình, ủng hộ, được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị luôn tìm mọi cách xuyên tạc cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam với mục đích gây rối loạn đời sống chính trị, hạ thấp uy tín của Đảng ta, nhằm xóa bỏ vai trò của Đảng, xóa bỏ chế độ chính trị của nước ta hiện nay.
Với tâm lý, bản tính tò mò, muốn tìm kiếm thông tin khác lạ của công chúng nhiều người, trong đó có cả đảng viên đã bị phân tâm, có tâm lý hoang mang, dao động, bán tín, bán nghi, thiếu tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Để công chúng ở khắp cả nước nhận biết được những luận điệu sai trái về cuộc đấu tranh chống "giặc nội xâm" của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội. Xin gửi đến quý độc giả bài viết: "Đập tan dư luận xấu về cuộc đấu tranh chống 'giặc nội xâm'", cụ thể: Đập tan dư luận xấu về cuộc đấu tranh chống "giặc nội xâm" (Kỳ 1): Tham nhũng là kẻ thù, là "giặc nội xâm"; Đập tan dư luận xấu về cuộc đấu tranh chống "giặc nội xâm" (Kỳ 2): Những luận điệu sai trái về cuộc đấu tranh chống "giặc nội xâm"; Đập tan dư luận xấu về cuộc đấu tranh chống "giặc nội xâm" (Kỳ 3): Phải có "nhạc trưởng" để đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch.
Đập tan dư luận xấu về cuộc đấu tranh chống "giặc nội xâm" (Kỳ 1): Tham nhũng là kẻ thù, là "giặc nội xâm"
Ở Việt Nam, tham nhũng được Đảng ta coi là kẻ thù, giặc "nội xâm", một trong bốn nguy cơ lớn của sự nghiệp cách mạng, của chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN); công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được xác định là cuộc đấu tranh lâu dài, khó khăn và phức tạp.
Sáng 20/11/2018, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Kết quả 452/465 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 93,2%). Trong ảnh: Quang cảnh phiên họp Quốc hội năm 2018.
Tham nhũng, tiêu cực nhìn từ lịch sử
Theo Luật Phòng, chống tham nhũng Việt Nam (năm 2018), tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn, lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để vụ lợi. Người có chức vụ, quyền hạn ở đây là những người làm việc trong cơ quan, tổ chức và các đơn vị trong hệ thống chính trị sử dụng vốn và tài sản, ngân sách nhà nước.
Các hành vi tham nhũng là: Tham ô tài sản, nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi sai trái; dùng tài sản đưa hối lộ; sử dụng trái phép tài sản, lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản; lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ; giả mạo trong công tác để vụ lợi; lạm dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đến người khác; nhũng nhiễu vì vụ lợi…
Hậu quả của tham nhũng là vô cùng nghiêm trọng, mang đến những mối nguy hại lớn. Tham nhũng gây thất thoát nguồn lực của quốc gia, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế và ổn định chính trị – xã hội.
Về mặt chính trị, tình trạng tham nhũng trong cơ quan nhà nước sẽ khiến nhân dân mất lòng tin với Đảng và hệ thống chính trị, gây cản trở đất nước tiến lên CNXH.
Về mặt kinh tế, tham nhũng làm chậm nhịp độ phát triển, phá vỡ chiến lược phát triển, hạn chế nguồn lực đầu tư, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước và người dân, doanh nghiệp.
Về mặt văn hóa – xã hội, tham nhũng là nguyên nhân phá hoại những giá trị đạo đức tốt đẹp, làm tha hóa đạo đức cán bộ, gây bất bình trong xã hội, làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo.
Một buổi xử án thời phong kiến. Ảnh chỉ có tính chất minh họa.
Vì vậy, ngay từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới thành lập, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên quyết phòng, chống tham ô, tham nhũng. Người từng nhắc nhở: "Quan liêu, tham ô, lãng phí là tội ác. Phải tẩy sạch nó, phải thực hiện cần kiệm liêm chính, để đẩy mạnh thi đua sản xuất và tiết kiệm, để đưa kháng chiến đến thắng lợi, kiến quốc đến thành công, để xây dựng thuần phong mỹ tục trong toàn dân, toàn quốc".
Xa hơn nữa, nhìn lại lịch sử chúng ta thấy rằng, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí không phải bây giờ mới có, mà đây là căn bệnh xấu đã có từ lâu trong xã hội. Ở đâu có quyền lực, ở đó có tham nhũng. Ngay từ rất sớm, các triều đại phong kiến đã xác định tham nhũng là hành vi xâm hại trật tự pháp luật, đạo đức và sự tồn vong của triều đại, phải bị lên án và trừng trị nghiêm khắc. Thí dụ, phòng, chống tham nhũng trở thành một nhiệm vụ cấp bách trong chính sách cai trị của nhà Lê sơ (1428-1527), đặc biệt dưới triều vua Lê Thánh Tông. Cụ thể, năm 1483, Lê Thánh Tông cho ban hành Quốc triều hình luật (hay Lê triều hình luật/Luật Hồng Đức) – bộ luật quan trọng và chính thống nhất dưới triều Lê sơ, cũng là bộ luật tiến bộ và hoàn chỉnh nhất ở Việt Nam thời phong kiến. Một trong những nội dung chủ yếu trong bộ luật là phòng, chống tham ô, tham nhũng.
Như vậy, việc chống tham nhũng không phải bây giờ chúng ta mới làm, mà đã làm từ lâu, làm thường xuyên và hiện nay đang được Đảng, Nhà nước ta lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt. Mới đây, Đại hội XIII của Đảng cũng đã chỉ rõ: "Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng"; "kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, triệt để hơn và hiệu quả hơn".
Đặc biệt, quyết tâm chống "giặc nội xâm" của Đảng thể hiện rất rõ ở chỗ: Dù đã có Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI và XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhưng tại Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII, 100% Ủy viên Trung ương Đảng dự Hội nghị Trung ương đã đồng loạt đưa tay biểu quyết thông qua và ban hành Kết luận 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; với tinh thần đặt ra là: Đã kiên quyết rồi, phải kiên quyết hơn nữa, quyết liệt rồi quyết liệt hơn nữa, làm kiên trì, không có ngoại lệ, không có vùng cấm. Điều đó cho thấy, quyết tâm chính trị của Đảng ta là xuyên suốt, đặt ra những yêu cầu ngày càng cao hơn về tính chất, mức độ và mục đích cần đạt được; đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực bằng tinh thần "một mất-một còn" để bảo vệ Đảng, hệ thống chính trị và sự tồn vong của chế độ.
"Không có vùng cấm, không có ngoại lệ"
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn khẳng định, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn không ngừng, không nghỉ, thậm chí ngày càng quyết liệt hơn, ngày càng có hiệu quả hơn và thêm nhiều bài học quý, kinh nghiệm tốt hơn… Thời gian tới phải làm mạnh hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa. Đây là vì sự nghiệp chung, không thể không làm, cắt một vài cành sâu để cứu cả cây, làm rất quyết liệt nhưng rất nhân văn, nhân đạo, rất có lý, có tình, tâm phục, khẩu phục… Nhiệm vụ sắp tới còn nặng nề, khó khăn, không được chủ quan và mong mỏi của nhân dân vẫn là phải tiếp tục cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng không được dừng.
Với tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai", theo báo cáo tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Bộ Chính trị (2012 – 2022) cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng.
Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Qua công tác thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân sai phạm; kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 975.000 tỷ đồng, gần 76.000 ha đất; chuyển cơ quan điều tra gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Những đối tượng đã bị cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố trong vụ án Việt Á. Ảnh: Bộ Công an.
Bên cạnh đó, các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 19.546 vụ/33.868 bị can, truy tố 16.699 vụ/33.037 bị can, xét xử sơ thẩm 15.857 vụ/30.355 bị cáo về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế; trong đó tội phạm về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 2.657 vụ/5.841 bị can, truy tố 2.628 vụ/6.199 bị can, xét xử sơ thẩm 2.439 vụ/5.647 bị cáo. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã khởi tố, điều tra gần 4.200 vụ/7.572 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế (trong đó, các tội về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 455 vụ/1.054 bị can).
Đặc biệt thời gian gần đây, công cuộc phòng, chống tham nhũng càng trở nên "nóng" hơn với khởi nguồn từ vi phạm pháp luật của Công ty Việt Á. Chỉ sau 6 tháng điều tra hàng loạt sai phạm liên quan đến công ty này đã có hơn 60 cá nhân đã bị khởi tố. Trong đó có cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh cùng hàng loạt giám đốc CDC, cán bộ Sở Y tế các tỉnh, thành phố. Điều này cho thấy, quyết tâm rất lớn của Đảng, của các cơ quan tư pháp trong phòng, chống tham nhũng với một tinh thần không khoan nhượng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Có thể nói, chống tham nhũng là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, phức tạp. Trong lĩnh vực này dù "không có tiếng súng" nhưng cũng đầy những nguy hiểm. Nhưng chúng ta tin rằng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, "trên - dưới đồng lòng", "dọc ngang thông suốt", cùng với việc hoàn thiện khung khổ pháp luật, nạn tham nhũng chắc chắn sẽ được ngăn chặn, đẩy lùi, niềm tin của Nhân dân với Đảng chắc chắn sẽ được củng cố, nâng cao.
Tham nhũng ở các nước tư bản ra sao?
Qua nghiên cứu, các chuyên gia chính trị cho biết, ở các nước tư bản, ngay cả một số nước tư bản phát triển, vẫn có tình trạng tham nhũng và thậm chí ở cấp cao nhất. Thí dụ, vụ Watergate – vụ bê bối về quyền lực chính trị để trục lợi từ năm 1972 – 1974 của Tổng thống Mỹ Richard Nixơn. Trước nguy cơ bị Quốc hội phế truất ngày 9/8/1974, Tổng thống Mỹ Richard Nixơn buộc phải từ chức.
Đây là tổng thống đầu tiên và duy nhất trong lịch sử nước Mỹ phải từ chức khi đang là tổng thống nhiệm kỳ thứ hai. Cựu Tổng thống Philippin Joseph Estrad phạm tội tham nhũng, phải ngồi tù chung thân. Cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye bị Quốc hội Hàn Quốc phế truất chức tổng thống vào tháng 12/2016 do bị buộc tội tham nhũng, dính líu đến vụ bê bối chính trị dùng quan hệ cá nhân để tăng ảnh hưởng và trục lợi tài chính.
Như vậy, luận điểm "chỉ có ở các nước tư bản thì nạn tham nhũng mới được dẹp bỏ" đã trở nên vô giá trị ngay trên chính thực tiễn của nó. Tham nhũng xuất hiện và tồn tại ở tất cả các hình thức, các kiểu nhà nước đã từng tồn tại và đang tồn tại trong lịch sử nhân loại. Tất cả các hình thức, các kiểu nhà nước muốn tồn tại và phát triển đều phải đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng. Đó là lý do vì sao ở các quốc gia đều có luật phòng, chống tham nhũng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.