Dấu ấn 30 năm hình thành "trái tim" của vùng núi lửa Krông Nô
Dấu ấn 30 năm hình thành "trái tim" của vùng núi lửa Krông Nô
Ngọc Giàu
Thứ ba, ngày 07/11/2023 09:21 AM (GMT+7)
Núi xanh nhấp nhô, cánh đồng xanh ngát, tiết trời ôn hòa như Đà Lạt thứ hai là những cảm nhận của nhiều người khi đặt chân đến Đắk Mâm - thị trấn được ví như "trái tim" của vùng núi lửa Krông Nô (Đắk Nông).
Cách đây tròn 30 năm, ngày 30/10/1993, thị trấn Đắk Mâm (Krông Nô, Đắk Nông) được thành lập theo Nghị định số 77 của Chính phủ, với tổng diện tích đất tự nhiên hơn 2.500 ha, trên 2.300 nhân khẩu.
Một góc Trung tâm thị trấn Đắk Mâm (Krông Nô, Đắk Nông) nhìn từ trên cao.
Đắk Mâm khi ấy là thị trấn nghèo, đất đai không quá phì nhiêu, màu mỡ như nhiều vùng đất đỏ bazan khác, bà con quanh năm trồng củ khoai, cây ngô và ruộng lúa để lót cho no cái bụng. Dẫu "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" nhưng cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn, "ráo mồ hôi là lại hết tiền".
Những con đường đất nắng bụi, mưa lầy là phần ký ức quen thuộc của người dân. Khó khăn bủa vây là vậy nhưng bà con nơi đây rất chăm lo đến tương lai của con trẻ. Nhiều gia đình đông con, nghèo đến nỗi "không có giậu mùng tơi" để rớt nhưng vẫn cố gắng cho con đến trường tìm cái chữ.
Nhưng sau 30 năm thành lập, Đảng bộ và nhân dân thị trấn Đắk Mâm đã không ngừng nỗ lực, khắc phục khó khăn, tận dụng, khai thác mọi tiềm năng, lợi thế đưa nền kinh tế địa phương phát triển ổn định; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội được đầu tư, nâng cấp.
Đến nay, nhân dân trên địa bàn thị trấn đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi có sản lượng thấp sang nuôi trồng cây, con có giá trị kinh tế cao, phát triển mô hình đa canh đa con, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.
Chuyển đổi ngành nghề kinh doanh để nâng cao thu nhập và đảm bảo đời sống; ngành công nghiệp, dịch vụ được chú trọng, nhất là phát triển du lịch gắn với Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sau luôn cao hơn năm trước. Tốc độ tăng bình quân hàng năm tăng từ 8% lên 15% trở lên.
Nỗ lực vươn xa
Một trong những dấu ấn rõ rệt khiến thị trấn Đắk Mâm bừng sáng chính là hệ thống giao thông đã và đang được đầu tư bài bản, các tuyến đường huyết mạch hình thành, phục vụ nhu cầu giao thương và di chuyển của người dân.
Theo lãnh đạo địa phương, trên địa bàn thị trấn Đắk Mâm hiện nay có 2 trục đường giao thông chính là Quốc lộ 28 và Tỉnh lộ 683. Quốc lộ 28, đoạn qua địa bàn thị trấn Đắk Mâm dài 1,8km, đã được trải thảm nhựa lòng đường rộng 13m, hệ thống cống thoát nước, đèn chiếu sáng, đèn trang trí được đầu tư cơ bản đáp ứng được nhu cầu của địa phương. Tuyến tỉnh lộ 683 đã được trải thảm nhựa với 4 làn đường và giải phân cách cứng.
Địa phương hiện đang được đầu tư xây dựng 2 công trình là Đường giao thông phát triển khu đô thị mới thị trấn Đắk Mâm với lộ giới 25m và đường vành đai kết nối các xã trong huyện (D10) với lộ giới quy hoạch là 24m. Dự kiến, hai tuyến đường này sẽ được Ban quản lý dự án và Phát triển quỹ đất hoàn thiện khâu giải phóng mặt bằng và tiến hành triển khai thi công trong năm 2024.
Hai tuyến đường trên khi hoàn thiện sẽ được coi là sức bật của địa phương trong việc mở rộng đô thị phía Tây Nam và Đông Nam thị trấn, tạo đà giúp phát triển kinh tế - xã hội của thị trấn hướng đến mục tiêu trở thành đô thị loại IV đến năm2030.
Cùng với đó, công tác giáo dục đào tạo luôn được địa phương quan tâm, chú trọng và ghi nhận nhiều tiến bộ về quy mô, mạng lưới trường lớp, cấp học, bậc học luôn được mở rộng và nâng cao.
Hiện, thị trấn có 3/3 trường liên tục giữ vững trường chuẩn Quốc gia mức độ 1; 1 trường tiếp tục giữ vững danh hiệu trường chuẩn Quốc gia mức độ 2 (Trường tiểu học Lê Thị Hồng Gấm); tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường đạt 100%. Không chỉ vậy, thị trấn Đắk Mâm đã thành lập Trung tâm học tập cộng đồng và Hội khuyến học với hơn 2.174 hội viên.
Bên cạnh đó, việc thực hiện các chính sách dân tộc, tôn giáo đã được chú trọng, thông qua việc thực hiện tốt các chương trình trọng điểm của Chính phủ như: Chương trình 102; chương trình 132, 134, 135 để giải quyết về nhà ở, đất ở, đất sản xuất cho nhân dân; chương trình hỗ trợ lãi suất cho đồng bào DTTS; chương trình nước sinh hoạt tập trung cũng được đầu tư xây dựng.
Ngoài ra, hàng năm còn hỗ trợ vốn, các loại cây, con giống để giúp đỡ cho hộ nghèo, đặc biệt là hộ nghèo là đồng bào DTTS phát triển kinh tế bền vững; tạo điều kiện cho đồng bào có đạo thực hiện quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng theo đúng pháp luật.
Trong những năm qua, Đảng ủy, chính quyền đã thể hiện được vai trò tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân. Trong đó, chú trọng xây dựng thế trận lòng dân vững chắc; giáo dục truyền thống cách mạng, nâng cao ý thức bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới cho cán bộ, Đảng viên và nhân dân. Các kế hoạch tác chiến, kế hoạch chiếu đấu trong khu vực phòng thủ đều được điều chỉnh bổ sung hàng năm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ.
Công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội được đẩy mạnh, đã phát hiện và xử lý nghiêm nhiều vụ tội phạm nguy hiểm và các loại tội phạm khác như ma tuý, trộm cắp, lừa đảo, cờ bạc … Công tác bảo vệ an ninh nội bộ, bảo vệ bí mật nhà nước, giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân luôn kịp thời, đúng quy định; công tác quản lý nhân hộ khẩu đảm bảo chặt chẽ.
Nhìn lại chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển, thị trấn Đắk Mâm đã có bước phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, trở thành một trong những địa phương phát triển nhanh của tỉnh. Để có được thành quả đó chính là nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành và những quyết sách đúng đắn của Đảng bộ thị trấn Đắk Mâm qua các thời kỳ, cùng với đó là sự đồng lòng, quyết tâm của người dân xây dựng địa phương ngày càng giàu mạnh...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.