Ông Đỗ Văn Đông - Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế)
Xin ông cho biết tình hình đấu thầu thuốc tập trung cấp tỉnh hiện nay?
- Hiện tại, trên cả nước đã có 53 tỉnh, thành phố thực hiện đấu thầu tập trung. Căn cứ Điều 77 Nghị định 63/2014/NĐ-CP, Bộ Y tế có trách nhiệm ban hành danh mục thuốc đấu thầu tập trung và hướng dẫn mua thuốc tập trung ở cấp quốc gia, cấp địa phương, bảo đảm từ năm 2016 thực hiện trên phạm vi toàn quốc. Hiện Bộ Y tế đã hoàn thiện và chuẩn bị ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện.
Việc áp dụng các quy định mới nêu trên, đặc biệt với đấu thầu tập trung cấp quốc gia có nhiều ưu điểm trong việc tiết kiệm thời gian, chi phí đấu thầu so với đấu thầu riêng lẻ, đồng thời đảm bảo được sự thống nhất về giá thuốc trúng thầu và tăng cường hiệu quả kinh tế của gói thầu do gói thầu lớn và thời hạn hợp đồng dài hơn.
Hiện đã có 53/63 tỉnh, thành thực hiện đấu thầu thuốc tập trung. Ảnh: I.T
Việc đấu thầu thuốc tập trung có những ưu điểm gì, tại sao không trao quyền tự chủ cho các bệnh viện.
- Trước hết chúng ta phải làm theo luật. Phương thức đấu thầu tập trung có các ưu điểm rõ ràng đã được Luật Đấu thầu nêu rõ tại Điều 44: “Mua sắm tập trung là cách tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà thầu thông qua đơn vị mua sắm tập trung nhằm giảm chi phí, thời gian, đầu mối tổ chức đấu thầu, tăng cường tính chuyên nghiệp trong đấu thầu, góp phần tăng hiệu quả kinh tế”. Thực tế cũng cho thấy chúng ta đã tiết kiệm được chi phí so với phương thức mua sắm cũ.
Xin ông cho biết những nhóm thuốc nào sẽ được lựa chọn để đấu thầu quốc gia?
- Do đây là phương thức mới, có tầm ảnh hưởng lớn tới hệ thống khám chữa bệnh trên toàn quốc nên Bộ Y tế xác định việc triển khai cần thận trọng, chắc chắn với mục tiêu đảm bảo đủ, liên tục nguồn cung ứng thuốc phục vụ công tác khám chữa bệnh nên trước mắt sẽ lựa chọn các mặt hàng thuộc nhóm bệnh không lây nhiễm (NCD), chủ yếu là các bệnh mãn tính, phải sử dụng thuốc dài ngày, có chi phí điều trị cao (nhóm thuốc ung thư, tiểu đường, tim mạch).
Đối với các thuốc không tổ chức đấu thầu quốc gia sẽ áp dụng biện pháp nào để thuốc vào bệnh viện với giá hợp lý, thưa ông?
- Đối với các thuốc ngoài danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia, nếu thuộc danh mục thuốc đàm phán giá sẽ do Hội đồng đàm phán giá thực hiện, nếu thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương sẽ do các tỉnh, thành tổ chức, ngoài ra các đơn vị sẽ thực hiện đấu thầu theo đúng các quy định hiện hành về đấu thầu mua thuốc theo Luật Đấu thầu, Nghị định 63/2014/NĐ-CP và các thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế.
Trước mắt đối với đấu thầu tập trung cấp quốc gia sẽ lựa chọn các mặt hàng thuộc nhóm bệnh không lây nhiễm (NCD), chủ yếu là các bệnh mãn tính, phải sử dụng thuốc dài ngày, có chi phí điều trị cao (nhóm thuốc ung thư, tiểu đường, tim mạch)”.
Ông Đỗ Văn Đông
|
Với phương thức đấu thầu mới, liệu thuốc sản xuất trong nước có bị “lép vế” so với thuốc ngoại nhập không, thưa ông?
- Đối với thuốc sản xuất trong nước, Luật Đấu thầu 2013 đã bổ sung những quy định rõ ràng trong việc ưu tiên cho thuốc sản xuất trong nước, cụ thể:
Thứ nhất, nhà thầu cung ứng thuốc sẽ được hưởng ưu đãi nếu thuốc có chi phí sản xuất trong nước chiếm từ 25% trở lên. Nếu áp dụng phương pháp giá đánh giá hoặc giá thấp nhất, nhà thầu được hưởng ưu đãi 7,5% giá dự thầu; trong trường hợp áp dụng phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá sẽ được hưởng ưu đãi 7,5% điểm tổng hợp để đánh giá lựa chọn nhà thầu.
Thứ hai, đối với thuốc sản xuất trong nước được Bộ Y tế công bố đáp ứng yêu cầu về điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp thì trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu phải quy định nhà thầu không được chào thuốc nhập khẩu.
Với việc bổ sung các quy định trên, thuốc trong nước sẽ có nhiều cơ hội trúng thầu cung ứng cho các cơ sở y tế, qua đó sẽ thúc đẩy sản xuất thuốc trong nước.
Xin cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.