Dây đủng đỉnh mùa tháng Chạp, se duyên mối tình quê

Bài và ảnh: Hoàng Lê Thứ hai, ngày 26/01/2015 09:09 AM (GMT+7)
Trong đám cưới, nhiều thứ có thể xa hoa, cầu kì nhưng cái cổng cưới nhất định phải quấn bằng đủng đỉnh. Cổng cưới được xem như cái cổng bước vào đời sống hôn nhân, dây đủng đỉnh quấn chặt thể hiện 1 tình yêu bền chặt không thể tách rời.
Bình luận 0
Không biết tự bao giờ người dân Vũng Liêm (Vĩnh Long) quê tôi có thói quen dùng dây đủng đỉnh để trang trí cho cổng cưới. Theo nhận xét của những khách đến ăn cưới ở quê tôi, dù cho cổng cưới được trang trí bằng lá đủng đỉnh không cao xa lộng lẫy như các cổng cưới nơi chốn thị thành, nhưng nó toát lên vẻ đẹp bình dị, thanh tao như chính người dân quê hiền lành, chất phát.

Đủng đỉnh là loài cây “tự sinh”, dáng vươn thẳng đứng, thường có trong các khu vườn tạp, chưa được khai phá để trồng thành cây đặc sản. Ngày xưa, quê tôi đủng đỉnh rất nhiều, dạo quanh bờ đê là nhìn thấy hàng đủng đỉnh xanh tươi, quanh năm tươi tốt. Nhưng mấy năm trở lại đây, dân quê đốn bỏ đủng đỉnh để trồng cây ăn trái nên vì thế mà  đủng đỉnh trở nên hiếm dần.
img
Cây đủng đỉnh (Ảnh: Hoàng Lê)
Nghe lời ba tôi kể, thân cây đủng đỉnh có thể làm được cột nhà, đặc biệt là nhà chôn. Vì khi chôn xuống đất, đủng đỉnh sẽ không bị mối ăn, thân cây xanh tươi dường như là còn đang sống “tự nhiên”. Cũng chính vì thế mà đủng đỉnh thường “góp mặt” để dựng nhà, làm cột cho các đôi vợ chồng trẻ mới “ra riêng”.

Đủng đỉnh thường xanh tươi, ra hoa, đậu trái vào tầm tháng Chạp, cũng đúng thời điểm mà người dân quê tôi tổ chức tiệc tùng, đặc biệt là lễ cưới. Trước ngày cưới, trai làng tụ tập lại để làm cái cổng cưới thật đẹp, vì theo quan niệm của người dân quê, cổng cưới có vai trò đặc biệt, góp phần đem lại cuộc sống hạnh phúc của đôi trẻ sau này.

Cổng cưới quê tôi được thiết kế rất công phu, sáng tạo, nguyên liệu bằng cây lá hoang dã nên cũng dễ tìm. Trồng 2 cây chuối xiêm 2 bên để làm cột, thanh thì làm bằng tàu lá; khi đã xong bộ khung cổng là đến phần trang trí với dây đủng đỉnh làm chủ đạo. Cổng cưới trang trí bằng dây đủng đỉnh không tốn tiền mà lại đẹp theo kiểu đậm chất sông nước miền Tây.
img
Độc đáo cổng cưới bằng dây đủng đỉnh (Ảnh: Hoàng Lê)
Trước ngày cưới của tôi, ba tôi cũng chuẩn bị cổng cưới bằng dây đủng đỉnh. Theo lời ba tôi nói, mọi thứ trong đám cưới có thể xa hoa, cầu kì nhưng cái cổng cưới nhất định phải quấn bằng đủng đỉnh. Dù không phải là tục lệ nhưng cổng cưới được xem như cái cổng bước vào đời sống hôn nhân, dây đủng đỉnh quấn chặt thể hiện 1 tình yêu bền chặt không thể tách rời.

Giờ đây nơi phố thị, đám cưới thường được tổ chức xa hoa trong các nhà hàng, được trang trí cờ hoa bắt mắt, tôi lại nhớ về cái cổng cưới ở quê được quấn bằng dây đủng đỉnh. Nó bình dị, mộc mạc nhưng không kém phần độc đáo. Những tàu lá dừa kết bím đan xen dây đủng đỉnh thành thử cổng cưới quê tôi có màu xanh. Màu xanh ấy tiêu biểu cho màu nước sông, cây lá mang đậm chất sông nước tự nhiên hoang dã ở đồng bằng.

Theo quan niệm của người dân quê tôi, đủng đỉnh còn tượng trung cho sự thủy chung, son sắc trong tình yêu đôi lứa. Vì vậy, vô hình đủng đỉnh đã đi vào thơ vào nhạc:

Em đi theo chồng xa thôn làng cách biệt dòng sông
Em đi theo chồng anh nơi này mỏi mòn đợi trông
Như dây đủng đỉnh nuôi trái tình bao tháng ngày qua
Tình đã trong xanh rồi người nỡ đem đi hái cho đành…

Nhớ quê, nhớ cái cổng cưới quê được quấn bằng dây đủng đỉnh tôi lại hồi ức về ngày cưới của mình ngày ấy. Nhớ lại lời của ba, tôi đinh ninh rằng, dây đủng đỉnh quê nhà là tượng trưng cho 1 tình yêu đẹp, chung thủy, sắc son.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem