Đây là các cây cổ thụ nghìn năm tuổi ở các khu rừng rậm Hòa Bình, có cây dân coi như "cây thần"

Hoài Lâm Thứ năm, ngày 30/01/2025 05:24 AM (GMT+7)
La liệt các cây cổ thụ có tuổi thọ nghìn năm tại các Khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canh (huyện Đà Bắc) và Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông (thuộc 2 huyện Tân Lạc, huyện Lạc Sơn) của tỉnh Hòa Bình.
Bình luận 0

Rừng nghiến, toàn cây cổ thụ nghìn năm tuổi

Đường lên các xã vùng cao Ngọc Sơn, Tự Do (huyện Lạc Sơn), Ngổ Luông (huyện Tân Lạc) không còn cảnh núi cách núi. Con đường bê tông rộng rãi xuyên qua núi rừng dẫn đến các xóm. 

Sống ở nóc nhà của xứ Mường nên bao đời nay, bà con nơi đây luôn có ý thức giữ rừng và bảo vệ rừng. Cuộc sống của người dân gắn bó với rừng không thể tách rời. Ở sâu trong các xóm, bản vẫn còn lưu giữ những câu chuyện đầy huyền bí về những "cụ cây", "cây thần".

Những ngày cuối Đông, đầu Xuân, xóm Bo Trẳm, xã Ngổ Luông bao phủ bởi lớp sương mù dày đặc. Ngồi bên bếp lửa nghe kể chuyện, nhiều cụ trong xóm hiểu tường tận từng lối mòn, khe nước, từng cây cổ thụ trong rừng Ngổ Luông. 

Các cụ quan niệm mình sống được ở đây là nhờ rừng. Gỗ để làm nhà, củi làm chất đốt. Nước từ mạch nguồn dẫn về, rau từ rừng, cây thuốc chữa bệnh từ trong rừng. Trước mỗi lần vào rừng thầy mo phải làm lễ để xin thần rừng cho mấy cây gỗ dựng nhà. Sống nhờ rừng nên bà con luôn biết cách khai thác một cách hợp lý. 

Đây là các cây cổ thụ nghìn năm tuổi ở các khu rừng rậm Hòa Bình, có cây dân coi như "cây thần"- Ảnh 1.

Quần thể rừng nghiến nghìn năm tuổi nằm trong phân khu phục hồi sinh thái Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông. Ảnh: Hoài Lâm.

Trong đó, những cây cổ thụ là quần thể rừng nghiến không một ai được phép vào lấy củi và khai thác gỗ. Những "cụ" nghiến thân to bằng mấy người ôm tựa như những cột chống trời hiện lên giữa bốn bề mây núi. Từ xa xưa các cụ đã coi cây cổ thụ có thần linh trú ngụ, nên không ai dám xâm phạm. 

Con cháu sau này lớn lên cũng vậy, cứ theo cái nếp các cụ truyền lại mà thực hiện. Nhờ vậy mà rừng nghiến cổ thụ Ngổ Luông đến nay vẫn còn tồn tại. Bà con người Mường coi đó là vật báu cần phải bảo vệ, gìn giữ.

Ông Bùi Văn Hùng, Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông cho biết: Khu rừng nghiến cổ thụ nằm trong phân khu phục hồi sinh thái Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông, nằm trên địa giới hành chính xóm Bo Trẳm, xã Ngổ Luông. 

Khu vực có diện tích khoảng 140ha, độ cao trung bình 800m so với mực nước biển, địa hình có đồi núi trung bình, núi đá tai mèo. 

Theo số liệu điều tra, khảo sát của chúng tôi có 35 cây, trong đó có 11 cây nghiến cổ thụ đường kính từ 1m trở lên, tuổi đời từ 663 - 1.433 năm, cây to nhất có chu vi 11,10m, vị trí cây ở độ cao 750m so với mực nước biển.

 Cây cổ thụ là "Cụ phay thần" ở vùng cao Đà Bắc của Hòa Bình

Tại Khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canh, huyện Đà Bắc còn quần thể 5 cây chò xanh được công nhận là Cây di sản Việt Nam ở khu vực Bưa Phay, tiểu khu 15, giáp ranh giữa 2 xã Đoàn Kết, Đồng Chum. 

Trước đây, khi giao thông còn khó khăn, khu vực này là tuyến đường đi lại giữa các xóm Thầm Luông, Lăm, Cang của xã Đoàn Kết, xóm Nhạp của xã Đồng Chum, xóm Nhạp Ngoài, xóm Thượng của xã Đồng Ruộng. 

Những cây chò xanh (bà con người Dao gọi là phay thần) được chính quyền địa phương quan tâm, bảo vệ.
Theo truyền thống và quan niệm của người dân khu vực này, những cây gỗ lớn tồn tại hàng trăm năm tuổi trong rừng được cho là nơi trú ngụ của thần linh và những người đã khuất. Việc tác động hay chặt hạ những cây cổ thụ rất kiêng kỵ và không được phép xâm hại.

Đây là các cây cổ thụ nghìn năm tuổi ở các khu rừng rậm Hòa Bình, có cây dân coi như "cây thần"- Ảnh 2.

Những cây chò xanh (bà con người Dao gọi là phay thần) được chính quyền địa phương quan tâm, bảo vệ. Ảnh: Hoài Lâm.

Giữa màu xanh bạt ngàn của khu bảo tồn, "cụ phay thần" đứng sừng sững bên triền núi. Trải qua bao nắng mưa, bao biến thiên của trời đất, "cụ" vẫn hiên ngang giữa trời. 

Theo Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canh, "cụ phay thần" ở phân khu bảo vệ nghiêm ngặt thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canh, nằm trên địa giới hành chính xóm Nhạp, xã Đồng Chum. Khu vực có diện tích khoảng 190ha, độ cao trung bình 930m, địa hình đồi núi trung bình, thung lũng khá bằng phẳng. 

Các cây chò xanh có độ tuổi từ trên 200 năm đến gần 600 năm tuổi, cây to nhất có đường kính đo tại vị trí D1.3 là 11,1m, chiều cao vút ngọn cây cao nhất trên 50m.

Trong những năm qua, giữ rừng, bảo vệ rừng và từng bước để rừng ngày càng phát triển, đặc biệt là giữ những "cụ cây" khổng lồ là nhiệm vụ quan trọng được Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canh và Ngọc Sơn - Ngổ Luông thực hiện nghiêm túc, dựa vào bà con nhân dân. 

Các cây chò xanh, rừng nghiến cổ thụ là tài sản quý giá về nguồn gen, sinh thái môi trường cũng như văn hóa tâm linh của người dân địa phương. Do vậy, việc bảo vệ nghiêm ngặt hơn nữa là rất quan trọng. Từ đó là điểm nhấn, tạo các điểm đến tham quan trong tương lai để phát triển du lịch.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem