Đây là 'lá chắn' của Qatar trong khủng hoảng

Duy Anh, Vietnam+ Thứ hai, ngày 12/06/2017 20:00 PM (GMT+7)
Khi Qatar bị các nước khu vực vùng Vịnh như Bahrain, Saudi Arabia, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và một số nước khác cô lập Ngoại giao, Thổ Nhĩ Kỳ đã ra tay tích cực hỗ trợ như lá chắn bảo vệ Doha trong những ngày giông bão.
Bình luận 0

img

Người dân Qatar xếp hàng đổi tiền.

Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã khẩn cấp thông qua dự luật cho phép quân đội nước này hiện diện tại Qatar. Đến ngày 9.6, dự luật trên đã được Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ký ban hành. Như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ đã hoàn toàn lựa chọn chỗ đứng cho mình trong cuộc khủng hoảng Qatar.  Hợp tác giữa Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ được tạo dựng từ thời cha của Quốc vương hiện tại Seikh Hamad bin Khalifa al-Thani.

Hai bên không chỉ thiết lập quan hệ kinh tế mà còn có sự gần gũi về quan điểm đối với Syria. Cả Thổ Nhĩ Kỳ lẫn Qatar đều không ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad  và lực lượng ly khai người Kurd. Cuối cùng, cả hai nước này đều có chung sự cạnh tranh ảnh hưởng với Saudi Arabia.

Và ngay cả việc thành lập căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Qatar năm 2014 cũng được giới quan sát coi rằng đó là bằng chứng của một mối quan hệ ngầm giữa Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ. Và nay, việc Thổ Nhĩ Kỳ sốt sắng làm “lá chắn” cho Qatar cũng được cho là có liên quan đến việc phô sức mạnh quân sự của Ankara. Chuyên gia Kasapoglu, một nhà phân tích chính trị ở Istanbul nhận định:  “Căn cứ quân sự ở Qatar là tài sản cho thấy quyền lực quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara luôn coi Doha là đồng minh chiến lược quan trọng trong khu vực, và họ đang sử dụng cơ sở này để chứng minh quan điểm này”. Trong khi đó một chuyên gia khác là Atilla Yesilada bình luận rằng: “Căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Qatar luôn mang ý nghĩa tượng trưng”.

img

Nhiều người nhập cư ở Qatar lo lắng về cuộc khủng hoảng hiện nay.

Nhiều cuộc tranh luận gay gắt đã bùng nổ ở Thổ Nhĩ Kỳ, cho rằng, việc tăng quân số tại Qatar từ 94 lên 600 người có thể là điềm báo một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong tương lai nếu Qatar yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ bảo vệ lãnh thổ trước áp lực từ Mỹ và Saudi Arabia.

Giới phân tích nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể triển khai ít quân hơn, chỉ vài nghìn lính. Mỹ hiện có 11.000 quân đóng tại Qatar. Chính quyền Qatar vẫn coi Mỹ là nhân tố bảo đảm an ninh cho họ. Nếu Saudi Arabia can thiệp quân sự, tất nhiên Mỹ sẽ không thể "ra tay", còn Thổ Nhĩ Kỳ thì có thể.  Có thể, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm mọi thứ có thể để chống lại áp lực của Mỹ và Saudi Arabia trong cuộc khủng hoảng lần này nhưng điều này không có nghĩa là Ankara sẵn sàng gây nguy hiểm cho mối quan hệ với Riyadh hay Washington.

Thổ Nhĩ Kỳ đã không chỉ "làm nguội được những cái đầu nóng" tại Saudi Arabia, mà họ còn cho thấy dù Riyadh cố gắng nhưng không thể cô lập ngoại giao được Qatar.

Điều đó có nghĩa là sẽ phải đàm phán. Và đó là thông điệp với Mỹ, nước có quan điểm dường như không kiên quyết và thậm chí hai mặt về Qatar. Dù chính Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson có chuyến công du hòa giải Qatar với các nước láng giềng, nhưng có lúc Tổng thống Donald Trump vẫn tuyên bố ủng hộ Saudi Arabia. 

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Qatar Ali Sherif al-Emadi ngày 12.9  tuyên bố Qatar có thể dễ dàng bảo vệ nền kinh tế và đồng nội tệ của nước này trước các biện pháp trừng phạt của các quốc gia Arab khác. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNBC, Bộ trưởng Emadi cho rằng các nước áp đặt trừng phạt Qatar cũng sẽ bị tổn hại về tài chính do tác động từ lệnh trừng phạt đối với thương mại trong khu vực.

Ông Emadi khẳng định lĩnh vực năng lượng và nền kinh tế của Qatar, quốc gia xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng hàng đầu thế giới, về cơ bản vẫn hoạt động bình thường, trong khi nguồn cung thực phẩm và các hàng hóa khác cũng không bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo ông, Qatar có thể nhập khẩu hàng hóa từ Thổ Nhĩ Kỳ, vùng Viễn Đông hoặc châu Âu, đồng thời sẽ đa dạng hóa nền kinh tế hơn nữa nhằm đối phó với khủng hoảng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Qatar có thể tiếp tục tồn tại về kinh tế nhưng với điều kiện cuộc khủng hoảng không được kéo dài. Với thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới hơn 100.000 USD/năm, Qatar là một nước rất giàu có. Qatar đã đầu tư khoảng 350 tỷ USD ra nước ngoài, nhưng các ngân hàng của Qatar đã từng gặp khó khăn do tỷ lệ lãi suất ngày càng cao cũng có thể sẽ bị tác động rất mạnh nếu Saudi Arabia và UAE chọn cách rút tiền gửi của họ tại các ngân hàng của Qatar. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem