Dạy nghề cho lao động dư thừa

Chủ nhật, ngày 19/02/2012 17:46 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Mất hàng ngàn ha đất cho các khu công nghiệp, nhiều nông dân huyện Ý Yên (Nam Định) thiếu việc làm. Tuy nhiên, nhờ được đào tạo nghề theo Đề án 1956, nay số lao động này đã có nghề phụ ổn định.
Bình luận 0

Vừa học nghề, vừa học văn hóa

Năm 2011, Trường Trung cấp Nghề Thủ công mỹ nghệ truyền thống Nam Định đã đào tạo nghề cho hơn 1.285 lao động trên địa bàn huyện, trong đó có 685 lao động hệ trung cấp. Đa phần học viên đều từ 15 tuổi trở lên nên nhà trường vừa dạy nghề, vừa dạy văn hóa. Riêng lao động hưởng chính sách theo Đề án 1956 là hơn 600 học viên được đào tạo bài bản các nghề điêu khắc gỗ, may, đúc đồng…

img
Đào tạo nghề thúc dát đồng mỹ nghệ tại Trường Trung cấp Nghề Thủ công mỹ nghệ truyền thống Nam Định.

Trần Thị Ngọc Bé, xã Yên Trung, huyện Ý Yên, học sinh lớp may công nghiệp tâm sự: “Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên sau khi học xong THCS em về phụ giúp bố mẹ làm ruộng. Được bạn bè giới thiệu Trường Trung cấp Nghề Thủ công mỹ nghệ truyền thống Nam Định vừa dạy văn hóa vừa dạy nghề để sau khi ra trường có cơ hội kiếm việc làm, em đã đăng ký học ngay”.

Ông Hoàng Duy Liêm - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Thủ công mỹ nghệ truyền thống Nam Định cho biết: “Tận dụng lợi thế là huyện có nhiều làng nghề truyền thống, chúng tôi đã tổ chức đào tạo nghề cho số lao động nông thôn thất nghiệp, chủ yếu là lao động trong độ tuổi thanh thiếu niên để các em có cơ hội được học nghề, học văn hóa. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng liên kết với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện mở các lớp học tại chỗ như may công nghiệp, điêu khắc gỗ, đúc đồng mỹ nghệ… và ký cam kết tiếp nhận lao động sau khi học nghề”.

Tạo việc làm bền vững

Từ ý tưởng thu hút, tạo việc làm cho lao động dư thừa tại địa phương, anh Đỗ Văn Hùng - chủ xưởng sản xuất may công nghiệp Đăng Khoa (đóng tại Ý Yên) - cơ sở may liên kết với trường - đã vận động lao động nông thôn, chủ yếu là chị em phụ nữ trong làng, xã tham gia lớp học nghề tại trường. Sau 3 tháng đào tạo, chị em có tay nghề bài bản về sản xuất tại xưởng cho thu nhập ổn định từ 2– 2,5 triệu đồng/người/tháng.

“Mặc dù Đề án 1956 triển khai hai năm qua, nhưng đến nay vẫn còn một số bất cập như thiếu kinh phí trong công tác đào tạo, thời gian học còn hạn chế. Để công tác đào tạo nghề có tính bền vững cần có những cơ chế mới về tài chính, thời gian phù hợp với từng ngành nghề cụ thể”.

Anh Hùng cho biết: “Hiện cơ sở may công nghiệp Đăng Khoa đang tạo việc làm cho hơn 35 công nhân. Sản phẩm làm ra chủ yếu được xuất khẩu đi các nước Đài Loan, Thái Lan… xưởng nhận sản xuất theo đơn đặt hàng nên không lo hết việc”.

Ngoài ra, với những ngành nghề khác, sau khi học xong các học viên có thể nhận sản phẩm gia công tại nhà. Chị Vũ Thị Thủy, xã Yên Phong, huyện Ý Yên từng tham gia lớp học nghề đúc đồng mỹ nghệ chia sẻ: “Trước kia gia đình tôi chủ yếu sản xuất nông nghiệp, thời gian rảnh rỗi tôi thường đi làm phụ hồ để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, nuôi con. Sau khi tham gia lớp học nghề đúc đồng mỹ nghệ theo Đề án 1956 tại trường, tôi nhận nguyên liệu từ trường về làm tại nhà, vừa chăm sóc được con nhỏ, vừa tranh thủ thời gian nông nhàn có thêm thu nhập 80.000 đồng/ngày”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem