Dạy nghề làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có gì hay mà nông dân Long An kéo nhau đi học?

Trần Đáng Thứ sáu, ngày 26/07/2024 11:16 AM (GMT+7)
Thời gian gần đây, nhiều bà con nông dân ở Long An rỉ tai nhau đi học nghề làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Địa chỉ yêu thích của bà con là Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân tỉnh Long An.
Bình luận 0

"Từ ngày học xong lớp làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để trồng lúa của Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Long An tôi thấy lợi ích quá trời, ăn đứt cái cách trồng lúa truyền thống", nông dân Trần Bá Nha (xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa) thổ lộ.

Dạy nghề làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có gì hay mà nông dân Long An kéo nhau đi học?- Ảnh 1.

Thạc sĩ Nguyễn Thanh Hiếu (thứ hai từ trái sang), Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Long An, hướng dẫn nông dân nhận biết sâu bệnh hại tại đồng ruộng lớp Kỹ thuật trồng lúa ứng dụng công nghệ cao tại xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng. Ảnh: T.Đ

Khi Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Long An dạy nghề làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Anh Nha kể, từ khi trở thành thành viên HTX Nông nghiệp Toàn Thắng (xã Mỹ Lạc) anh rất quan tâm đến việc trồng lúa ứng dụng công nghệ cao. Bởi đơn giản cách trồng lúa ứng dụng công nghệ cao đem đến nhiều lợi nhuận hơn kiểu trồng lúa truyền thống. 

Ấp ủ mãi ý định, cuối cùng anh Nha cũng đến đăng ký lớp dạy nghề làm nông nghiệp ứng dựng công nghệ cao của Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Long An. "Tại lớp học, tôi được các thầy chỉ kỹ thuật trồng, chăm sóc cây lúa tiên tiến; sử dụng phương tiện công nghệ cao, như máy sạ hàng, sạ cụm; phun phân, thuốc bằng drone…", anh Nha cho biết.

Có được kiến thức làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao anh Nha chuyển 3ha lúa trồng theo phương thức truyền thống sang trồng lúa ứng dụng công nghệ cao.

"Hiệu quả trồng lúa ứng dụng công nghệ cao cho chi phí sản xuất giảm hẳn do hạn chế giống, phân... Năng suất lúa cao hơn 500kg – 1 tấn lúa/ha so với trồng lúa truyền thống", anh Nha chia sẻ.

Anh Nha bộc bạch, anh đánh giá cao việc dạy nghề ở Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Long An. Đối với việc trồng lúa, trước đây gia đình anh làm theo kiểu truyền thống, làm theo thói quen nên hao tốn rất nhiều chi phí sản xuất.

"Qua lớp dạy nghề trồng lúa ứng dụng công nghệ cao, tôi làm lúa chuyên nghiệp hơn", anh Nha khẳng định.

Cũng như anh Nha, anh Từ Mân (xã Bình Hòa Bắc, huyện Đức Huệ) quyết định tìm đến học nghề nông nghiệp công nghệ cao ở Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Long An để chuyển đất trồng lúa 2 vụ/năm sang trồng chanh ứng dụng công nghệ cao.

Hiện, anh Mân trồng 1,3ha chanh, trong đó một khu mới cho trái, một khu mới trồng. Vườn chanh cũng đã được anh Mân lắp đặt hệ thống tưới phun sương.

"Nông dân mình nào giờ trồng chanh theo lối cũ, như lên liếp, lên mô trồng, tạo tán, tỉa nhánh… nên không đúng với kỹ thuật trồng chanh mới hiện nay. Giờ học trồng chanh ứng dụng công nghệ cao thấy hiệu quả lắm", anh Mân bộc bạch.

Anh Mân cho biết thêm, nhờ học được kỹ thuật trồng chanh ứng dụng công nghệ cao của Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Long An, anh mạnh dạn xin vào dự án trồng chanh ứng dụng công nghệ cao hơn 20ha ở địa phương.

Đào tạo 700 nông dân làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mỗi năm

Theo ông Lê Thanh Hiếu, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Long An, thực hiện chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh được triển khai từ năm 2021 theo Nghị quyết 10/2021/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Trung tâm đã xây dựng chương trình đào tạo gắn với công nghệ cao trên các nghề trồng lúa, trồng thanh long, trồng chanh, trồng rau, bò, tôm... Mỗi năm, Trung tâm đào tạo khoảng 700 nông dân học nghề làm nông nghiệp công nghệ cao.

Mới đây, Hội Nông dân tỉnh Long An tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Long An.

Trong 20 năm qua, Trung tâm đã trực tiếp tổ chức được 645 lớp đào tạo nghề cho 18.628 học viên. Trong đó, tỷ lệ hội viên có việc làm, thu nhập ổn định sau các lớp chiếm trên 80%. 

Ngoài ra, Trung tâm còn xây dựng 36 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 5 mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Năm 2024, Trung tâm sẽ tổ chức đào tạo 52 lớp với 1.338 học viên.

Dạy nghề làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có gì hay mà nông dân Long An kéo nhau đi học?- Ảnh 3.

Cán bộ Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Long An hướng dẫn nông dân thực hành trên cây chanh lớp dạy nghề trồng chanh ứng dụng công nghệ cao tại xã Bình Hoà Bắc, Đức Huệ. Ảnh: T.Đ

Hiện, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Long An là 1 trong 2 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập của tỉnh Long An.

Ông Nguyễn Thái Bình, Trưởng phòng Kinh tế TP Tân An, tỉnh Long An cho biết, thực hiện chương trình phối hợp giữa Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh và Thành uỷ Tân An trong phát triển nền nông nghiệp đô thị, trong những năm qua, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Long An đã chủ động phối hợp với Phòng Kinh tế và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thực hiện rất nhiều mô hình tưới tiết kiệm, thông minh, ứng dụng hữu cơ sinh học trong các vườn rau và cây ăn trái theo hướng an toàn, hữu cơ.

Ông Hiếu cho biết, thời gian tới, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Long An phấn đấu trở thành một trong những đơn vị có uy tín trong đào tạo nghề nông nghiệp công nghệ cao, có nhiều hoạt động hỗ trợ nông, giúp bà con nông dân phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng hoạt động Hội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem