Dạy nghề qua kênh khuyến nông

Thứ sáu, ngày 13/07/2012 06:26 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đã có những khóa dạy nghề do Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (KNKN) tỉnh Quảng Nam tổ chức rất được nông dân hưởng ứng.
Bình luận 0

Năm 2010, Trung tâm KNKN Quảng Nam đã tổ chức thành công 3 lớp đào tạo nghề cho 90 ND ở xã điểm nông thôn mới Tam Phước (Phú Ninh). Năm 2011, Trung tâm KNKN mở tiếp 9 lớp cho 270 ND nhiều xã theo học. Các nghề mà trung tâm chọn dạy gồm nuôi gà thả vườn an toàn sinh học, nuôi thủy sản nước ngọt, trồng rau an toàn, thú y.

img
Các học viên nông dân tham quan mô hình chăn nuôi gà thả vườn do Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Nam tổ chức.

Học tại hiện trường

Một trong những lý do mà ND thích các khóa học này là được học những nghề gần gũi, dễ áp dụng, thấy ngay được hiệu quả. Ngoài ra, ND cũng rất thích phương pháp dạy của các “thầy” ở Trung tâm KNKN: Lý thuyết 1 phần, thực hành 2 phần. Theo nhận xét của các học viên tham gia, phương pháp đào tạo gắn với mô hình sản xuất, lý thuyết đi đôi với thực hành, lớp học nông dân ngoài hiện trường (FFS) là rất phù hợp, hấp dẫn và dễ tiếp thu. Cũng theo khảo sát mới đây, sau khi tốt nghiệp, 90% học viên ứng dụng có hiệu quả những điều đã học vào thực tế.

Theo ông Lê Thương -Phó Giám đốc Trung tâm KNKN Quảng Nam, khi dạy kỹ thuật chăn nuôi gà thịt thả vườn an toàn sinh học, trung tâm tổ chức cho học viên học tập kinh nghiệm ngay tại Chi hội Chăn nuôi gà thả vườn xã Duy Châu (Duy Xuyên) để học viên tận mắt chứng kiến cũng như bắt tay thực hành ngay điều đang học.

Tương tự, dạy nuôi thủy sản nước ngọt, trung tâm cho học viên học tập kinh nghiệm tại vùng nuôi thủy sản tập trung xã Điện Hòa (Điện Bàn). Hay khi dạy kỹ thuật trồng rau an toàn, trung tâm cho học viên đến thực hành ngay tại vùng rau chuyên canh xã Đại Hòa (Đại Lộc) và vùng rau sạch Trà Quế, xã Cẩm Hà (TP. Hội An). Việc này, cho dù tốn kém cho kinh phí đào tạo (Nhà nước) nhưng có lợi là nông dân nhớ, hiểu ngay những điều đang học, đúng với phương pháp đào tạo của trung tâm: Nghe chỉ nhớ được 10%, thấy nhớ được 30%, vừa nghe vừa thấy nhớ được 50%, vừa nghe vừa thấy và vừa làm nhớ được 85%.

Nông dân Nguyễn Văn Cơ (trú thôn Cẩm Khê, xã Tam Phước, huyện Phú Ninh) cho biết: “Nuôi gà, vịt thì lâu nay bà con mình nuôi hoài nhưng là nuôi theo kinh nghiệm, thói quen. Cũng nhờ chương trình dạy nghề chăn nuôi miễn phí của Trung tâm KNKN tỉnh mà tôi cùng bà con địa phương có cơ hội tiếp xúc với các kỹ thuật chăn nuôi bài bản, biết cách nuôi sao cho có lợi, ít tốn chi phí, ít gây ô nhiễm lại nâng cao thu nhập”.

Trao nông dân “cần câu”

Theo ông Trần Văn Tương - Giám đốc Trung tâm KNKN Quảng Nam, sau mỗi khóa học, trung tâm đều tổ chức thi, kết quả cho thấy 100% học viên đạt yêu cầu, trong đó tỷ lệ học viên đạt loại khá, giỏi chiếm khá cao (trên 85%). Sau đó, Giám đốc Trung tâm KNKN Quảng Nam đã có quyết định công nhận kết quả thi kiểm tra và cấp chứng chỉ cho học viên hoàn thành các khóa đào tạo nghề.

Ông Tương khẳng định, học viên đã tiếp thu tốt những nội dung cơ bản của khóa học. Đối với nghề chăn nuôi gà thịt thả vườn an toàn sinh học, học viên đã cơ bản nắm được một số nội dung liên quan đến khái niệm chăn nuôi mới “An toàn sinh học trong chăn nuôi gia cầm”; Quy trình chăn nuôi gà thương phẩm thả vườn từ khâu xây dựng chuồng trại, chọn giống, giải quyết thức ăn, nước uống, chăm sóc nuôi dưỡng qua các giai đoạn, đến khâu vệ sinh thú y phòng ngừa dịch bệnh cũng như bảo vệ môi trường trong chăn nuôi.

Đối với nghề nuôi thủy sản nước ngọt, học viên được trang bị kiến thức và trực tiếp thực hành rèn tay nghề từ khâu chuẩn bị địa điểm, xây dựng công trình nuôi, đến công tác cải tạo ao, vệ sinh ao nuôi, chọn và thả giống nuôi, thức ăn và cách cho ăn, chăm sóc cá nuôi và quản lý môi trường ao nuôi qua các giai đoạn, phòng và trị một số bệnh thường gặp trên các đối tượng nuôi...

Hay đối với lớp nghề trồng rau an toàn, học viên được cập nhật kiến thức về trồng rau an toàn tiêu chuẩn VietGAP, điều kiện sản xuất rau, thời vụ gieo trồng, chọn giống, kỹ thuật làm đất, vấn đề dinh dưỡng và chăm sóc rau, sâu bệnh hại trên các loại rau và biện pháp phòng trừ...

Ngoài ra, học viên còn được hướng dẫn tự hạch toán hiệu quả sản xuất, cập nhật thông tin thị trường tiêu thụ sản phẩm từ các nghề được đào tạo.

Ngay sau khóa học, Trung tâm KNKN Quảng Nam đã có văn bản đề xuất với các cấp, các ngành thẩm quyền làm việc với hệ thống ngân hàng để tạo điều kiện cho học viên sau khi nhận chứng chỉ chủ động vay vốn đầu tư sản xuất.

Nhờ sự quan tâm này của trung tâm, không ít ND sau khi có chứng chỉ nghề đã vay được vốn ngân hàng đầu tư vào thực hiện những điều đã học và có được thu nhập cao.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem