Dạy nghề qua mô hình đa canh

Thứ năm, ngày 16/08/2012 07:50 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Dạy nghề, hướng người dẫn nông dân (ND) thông qua các mô hình trang trại đa canh, chăn nuôi cây con đặc sản... đó là cách dạy nghề đang phát huy hiệu quả tốt của Hội ND tỉnh Hà Giang.
Bình luận 0

Địa hình, khí hậu phức tạp, thiếu đất, nước sản xuất… khiến đời sống của ND Hà Giang rất khó khăn. Làm sao để giúp ND có việc làm, tăng thu nhập, từng bước thoát nghèo, làm giàu là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp Hội ND tỉnh Hà Giang.

img
Bà Xin Thị Bích - Chủ tịch Hội ND Hà Giang thăm mô hình nuôi lợn rừng bán hoang dã của anh Nguyễn Bá Ngãi (áo trắng).

Dạy theo nhu cầu ND

Một trong những khó khăn của Hội ND là chưa có trung tâm dạy nghề nên việc dạy nghề cho ND chủ yếu phối hợp với các trường, trung tâm dạy nghề trên địa bàn nên rất bị động. Để khắc phục những khó khăn này, Hội đã dạy những nghề ND cần bằng những mô hình cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương.

Bà Xin Thị Bích - Chủ tịch Hội ND tỉnh Hà Giang cho biết, hình thức tuyển sinh của Hội là dựa trên cơ sở những nghề ND đăng ký học để mở lớp. Tuy nhiên đối với những nghề mới chưa phổ biến như nghề cơ khí, điện dân dụng, lái xe… Hội sẽ hướng cho các học viên lựa chọn. Chỉ tính riêng năm 2011, Hội đã mở được 14 lớp, có gần 1.000 học viên tham gia, với các nghề chủ yếu như chăn nuôi thú y, trồng trọt, trồng và chế biến chè…

"Tháng 2.2012, Hội đã được UBND tỉnh cho thành lập Trung tâm Dạy nghề, với 4 giáo viên tham gia giảng dạy. Đến nay, trung tâm đã mở được 2 lớp sản xuất chế biến chè thành phẩm cho khoảng 60 học viên. Dự kiến từ nay đến cuối năm chúng tôi sẽ mở 6 lớp về chăn nuôi thú y, trồng trọt và nuôi trồng thủy sản" - bà Bích cho hay.

Xây dựng mô hình đa canh

Một trong những mô hình cho hiệu quả cao đang phát triển ở Hà Giang hiện nay là trang trại đa canh. Mô hình này đang phát triển mạnh ở TP. Hà Giang, huyện Vị Xuyên, huyện Bắc Mê, huyện Yên Minh…

Anh Nguyễn Bá Ngãi ở phường Nguyễn Trãi (TP.Hà Giang) là một trong những hộ đã thành công với mô hình đa canh. Trước đây anh Ngãi chỉ nuôi cá và trồng rừng, sau khi tham gia lớp học nghề của Hội ND, anh nuôi thêm hươu, lợn rừng theo hình thức bán hoang dã. Ngoài 10 con lợn rừng, hiện trang trại của anh có 15 lợn nái và hơn 100 lợn thịt, mỗi năm thu lãi khoảng 300 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn thu hơn 100 triệu đồng từ cá và rừng.

“Trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình đa canh, trong đó hướng vào chăn nuôi con đặc sản như lợn rừng, cá hồi và trồng rừng”.

Gia đình anh Lý Xuân Tiến, dân tộc Tày ở thôn Hồng Minh, xã Tùng Bá (huyện Vị Xuyên) thuộc diện hộ nghèo. Sau khi tham gia lớp học nghề chăn nuôi thú y, anh đã tự tin đầu tư chăn nuôi quy mô lớn. Hiện anh nuôi 6 con trâu, gần 30 chục con dê và 20 lợn thịt, nái. Anh Tiến chia sẻ: "Trước mình chăn nuôi nhỏ lẻ lại không có kiến thức phòng, chữa bệnh cho gia súc, gia cầm nên lời lãi chẳng đáng là bao, nhiều khi còn mất trắng vì dịch bệnh. Tham gia lớp học nghề của Hội ND, mình đã tự tiêm phòng, chữa một số bệnh thông thường cho đàn lợn, dê, trâu của gia đình".

Ở huyện Yên Minh, cùng với tổ chức dạy nghề, Hội đã xây dựng mô hình nuôi trâu, bò với 20 hộ tham gia. Trung bình mỗi hộ nuôi từ 15 - 30 con trâu, bò. Hộ anh Nguyễn Văn Kỳ ở thôn bản Loan, xã Yên Minh nuôi 20 con bò, cho thu nhập khoảng 250 triệu đồng/năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem