ĐBSCL: “Chóng mặt” vì dịch tả heo châu Phi không ngừng lan rộng

Huỳnh Xây Thứ năm, ngày 25/07/2019 19:15 PM (GMT+7)
Hiện tại, ở TP.Cần Thơ, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) vẫn diễn biến phức tạp và chưa thể kiểm soát được. Nguyên nhân là do mưa nhiều thuận lợi cho dịch bệnh bùng phát và gây khó khăn trong công tác tiêu hủy lợn bị bệnh.
Bình luận 0

Lây lan nhanh, khó kiểm soát

Ông Phạm Trường Yên - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.Cần Thơ cho biết: “Mặc dù ngành chức năng đã triển khai nhiều biện pháp trong phòng, chống nhưng DTLCP vẫn phát sinh mới tại các hộ chăn nuôi, đặc biệt thời gian tới, khi bước vào mùa mưa bão thì nguy cơ dịch bệnh diễn biến sẽ phức tạp hơn”.

Theo thống kê, tổng số đàn lợn trên địa bàn TP.Cần Thơ trên 124.000 con, với 5.200 hộ chăn nuôi và 10 trang trại nuôi tập trung. Từ khi dịch bệnh xảy ra, tức đã gần 2 tháng qua, đã có 734 hộ chăn nuôi có lợn bị nhiễm dịch bệnh và số lợn phải tiêu hủy là gần 20.000 con (tương đương hơn 1.000 tấn thịt lợn).

Theo phóng viên tìm hiểu, trong tháng 4/2019, tỉnh Hậu Giang phát hiện một ổ DTLCP đầu tiên ở xã Nhơn Nghĩa A (huyện Châu Thành A). Ngay sau đó, dịch bệnh này nhanh chóng lây lan sang các địa phương lận cận trong tỉnh. Đến nay, chưa đầy 4 tháng, tỉnh này đã xuất hiện trên 400 ổ DTLCP. 

Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang cho hay, số lợn chết và tiêu huỷ do dịch bệnh đã lên trên 10.000 con. Số ổ dịch tả xảy ra ở 176 ấp, khu vực/53 xã, phường, thị trấn. Trong đó, đã có 5 xã, phường, thị trấn thuộc 4 huyện, thị xã đã qua 30 ngày.

img

Ngành chức năng TP.Cần Thơ kiểm tra các trang trại lợn.  (ảnh: H.X)

Cụ thể là xã Trường Long Tây (thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A), xã Tân Long (huyện Phụng Hiệp), xã Vĩnh Viễn A (huyện Long Mỹ) và phường Lái Hiếu (thị xã Ngã Bảy). “Số ổ DTLCP ở tỉnh Hậu Giang lớn là do số hộ dân nuôi lợn theo hình thức nhỏ lẻ nhiều, tức nuôi không tập trung” - ông Trần Chí Hùng - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang nói.

Theo ông Nguyễn Thanh Hùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, tình hình DTLCP vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 3.000 hộ chăn nuôi ở 116 xã của 12/12 huyện, thị xã, thành phố có lợn bị nhiễm bệnh, với số lượng trên 55.300 con (chiếm khoảng 21% tổng đàn lợn của tỉnh). Trong đó, số lợn mắc bệnh chết và tiêu hủy trên 55.300 con (tương đương trên 3.900 tấn).

Theo Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang, phần lớn DTLCP xảy ra ở các hộ nuôi chuồng hở, còn các trang trại khép kín, chăn nuôi quy trình tiên tiến vẫn đảm bảo (toàn tỉnh có 13 trang trại lớn nuôi theo kiểu an toàn sinh học vẫn an toàn). Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan thực hiện hỗ trợ kinh phí cho người dân.

Chưa nên vội tái đàn

Sở NNPTNT Hậu Giang cũng khuyến cáo người dân không tái đàn ngay do DTLCP còn diễn biến phức tạp. Hơn nữa, khả năng tồn tại của virus ngoài môi trường khá lâu, việc xử lý triệt để mầm bệnh còn nhiều khó khăn. Hiện Trung tâm Giống nông nghiệp của tỉnh này có một đàn lợn khoảng 1.000 con đang an toàn. Đây sẽ là cơ sở để đảm bảo nguồn giống tái chăn nuôi sau khi DTLCP kết thúc.

Đến thời điểm này, đã có 3 xã, phường trên địa bàn TP.Cần Thơ dịch bệnh qua 30 ngày. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp thành phố khuyến cáo người dân chưa tái đàn. Trước mắt, người dân cần chuyển đổi sang những vật nuôi khác, khi nào dịch bệnh được kiểm soát thì ngành nông nghiệp sẽ thông báo để tái đàn.

Theo ông Yên, khi điều kiện đảm bảo an toàn, ngành chức năng sẽ thông báo để các hộ chăn nuôi tái đàn. Lúc này, các hộ muốn tái đàn cũng phải nuôi lợn hình thức an toàn sinh học và chịu sự kiểm tra giám sát.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp, trong điều kiện chăn nuôi nhỏ lẻ, thiết kế chuồng trại không đảm bảo và người chăn không thực hiện tốt các yêu cầu về an toàn sinh học thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất cao. Vì vậy, các địa phương và người dân trong tỉnh Đồng Tháp phải tập trung công tác  phòng bệnh cho số lượng lợn khoẻ mạnh còn lại, đặc biệt là nơi có tổng đàn lớn.

Ông Nguyễn Tiến Hải -Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau: 
Đã có phương án giảm đàn
Cà Mau đã đưa ra phương án giảm đàn, dự tính thực hiện trong 100 ngày và ước giảm chi cho ngân sách tỉnh 119 tỷ đồng, chi phí thực hiện trên 1,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh hiện có trên 8.200 con lợn nái, phương án bảo vệ và tái đàn lợn nái sẽ được thực hiện bằng cách chọn những trang trại đáp ứng các tiêu chí mua lợn nái và lợn đực giống hậu bị hạt nhân tái đàn. 
Hiện nay, đàn gia cầm của tỉnh Cà Mau ước có 2,7 triệu con. Ngoài ra, diện tích nuôi thủy sản 300.000ha với nguồn cua và cá. Đây là nguồn thực phẩm dồi dào, hàm lượng dinh dưỡng cao có thể cung cấp thay thế cho thịt lợn trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội: 
Không nôn nóng tái đàn
Trong tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp như hiện nay, người chăn nuôi có thể tạm thời chuyển hướng sang chăn nuôi các con vật khác chờ dịch đi qua, không nên nôn nóng tái đàn thời điểm này. Đối với các hộ chăn nuôi nằm trong vùng xảy ra DTLCP, sau 30 ngày không phát sinh dịch mới được tái đàn. Trước khi tái đàn phải báo chính quyền, thú y địa phương và được chính quyền địa phương cho phép. Nếu không khai báo sẽ bị xử lý vi phạm. 
M.H (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem