Để đại biểu không còn “kém thế”

Vương Hà Thứ sáu, ngày 01/11/2019 15:02 PM (GMT+7)
Từ ngày 6-8/11, phiên chất vấn của Quốc hội sẽ bắt đầu, nhưng các phiên thảo luận tại Quốc hội những ngày qua đã thực sự nóng bởi  vài vị đại biểu nhắc đến những “giới hạn” không dễ vượt qua của một số đại biểu Quốc hội.
Bình luận 0

Đúng tính cách của mình, rất thẳng nhưng luôn thận trọng và với những minh chứng cụ thể, bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề cập không né tránh nội dung khá nhạy cảm: “Tôi đã từng chứng kiến, khóa trước, một đại biểu địa phương chất vấn một Bộ trưởng, mà ngay lập tức trưa đó lãnh đạo tỉnh gọi điện nói đại biểu gay gắt, phê bình “cháy mặt”. Mà chuyện đó không phải hiếm. Đại biểu rơi vào trường hợp đó đương nhiên rất ấm ức. Những chuyện “kém thế” như vậy đã làm giảm hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội”.

Từng đi phản ánh Quốc hội nhiều năm, tôi không xa lạ với nội dung trên, vì nó “không phải hiếm”. Do đó, với một số tiêu cực ở địa phương, không phỏng vấn được các đại biểu “xịn” ở địa bàn, tôi từng hy vọng sẽ biết thêm thông tin với những vị ở các cơ quan trung ương là đại biểu ở địa phương đó, nhưng hầu hết họ cũng lảng tránh, có nhiều vị nói thẳng: Tế nhị lắm bạn ạ. Đó là một thực tế, chắc nhiều phóng viên khác cũng gặp những tình huống như tôi. Có chăng, nếu vị đại biểu nào thân thiện cũng cho biết chút chút thông tin, nhưng luôn dặn phóng viên, không được nêu tên người cung cấp.

img

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu tại phiên thảo luận tổ.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhắc đến “rào cản” không dễ của đại biểu, vậy nhưng, thực tế vẫn có một số đại biểu thường xuyên có thể chất vấn thẳng những vấn đề nóng bỏng nhất, nhiều khi rất “đụng chạm”? Những vị đại biểu đó thường đứng ở cương vị nào, dư luận quá biết.

Nhớ lại, không chỉ cánh phóng viên theo dõi Quốc hội mà dư luận hay nhắc đến một số “lão tướng” thường chất vấn thẳng tuột vấn đề, dù khá nhạy cảm và luôn được các phóng viên “chộp” từng ý phát biểu lẫn phỏng vấn bên lề. Cũng rất tự nhiên, không hiểu từ đâu, dư luận đặt thành vè cho “tứ nghị” ngày nào: “Nhất Thước, nhì Trân, tam Lân, tứ Quốc”. Đến nay, ngoài ông Dương Trung Quốc vẫn đang tham gia Quốc hội, một số đại biểu kế tiếp cũng đưa ra những câu hỏi “sốc”, trúng vấn đề nên được một số báo đưa tin bài rất ấn tượng.

Và cũng tại buổi thảo luận vừa diễn ra, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM) tâm sự rất thật: Ngay như ở TP.HCM cũng vậy, “giờ muốn phát biểu về bộ, ngành nào đó cũng cân nhắc lắm chứ”, thậm chí có địa phương lãnh đạo còn chỉ đạo “việc gì nên nói, việc gì không nên nói”. Thực ra, dư luận vốn cũng không lạ với những câu chuyện này, nhưng qua những phát biểu này cũng hiểu rõ hơn, vì sao những đại biểu “xịn” ở các địa phương, ở các bộ, ngành hầu như không “hỏi xoáy đáp xoay”?  

Phải chăng, vì vị thế, vai trò thực sự của đại biểu chưa được phát huy, nên không nhiều người mặn mà về Quốc hội? Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên Trần Văn Quý nêu ra: Có Vụ trưởng thuộc khối các bộ, ngành được quy hoạch làm ĐBQH chuyên trách và có thể quy hoạch là Phó Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội nhưng vẫn không phấn khởi, “nằng nặc” xin ở lại. Thậm chí, đại biểu Lê Thị Nga lấy ngay ví dụ ở đơn vị của mình, công văn Ủy ban Tư pháp gửi đi các cơ quan xin người, thì hoặc là nhân sự được nhắm tới không chịu đi, không thì cơ quan đó cũng giữ người tốt, không cho lấy, mà chỉ người “có vấn đề” mới giới thiệu cho các cơ quan của Quốc hội. Sự thật nghiệt ngã và chua chát.

img

ĐBQH Dương Trung Quốc thường xuyên chất vấn thẳng những vấn đề nóng bỏng nhất.

Phải chăng, những đại án tàn phá nền kinh tế khủng khiếp, phần nào đó bởi vai trò giám sát của Quốc hội không được như kỳ vọng? Nếu vai trò giám sát của Quốc hội tốt hơn, liệu có xảy ra các vụ án  ở Vinashin, ở PVN, hay 12 dự án thua lỗ hàng ngàn tỉ ở Bộ Công Thương; hoặc như, những đối tượng kiểu như Vũ “nhôm” có thể khuấy đảo, thao túng ở nhiều địa phương được như vậy không? Đề cập nội dung giám sát, đại biểu Dương Trung Quốc vừa phát biểu tại nghị trường: “Như vụ Alibaba lừa dân bán bất động sản ảo diễn ra nhiều năm, số nạn nhân lên đến hàng ngàn người, gây ra thiệt hại rất lớn, mà bộ máy chính quyền cơ sở vẫn ngơ ngác, thúc thủ như chưa có việc gì nghiêm trọng cho đến khi dư luận và người dân lên tiếng. Đã biết bao nhiêu vụ lừa công khai ở trên mạng vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của bộ máy công quyền khiến người dân nghi vấn có sự tiếp tay đồng lõa”.

Đúng như ông Quốc trăn trở, nếu những tiêu cực, những vụ lừa đảo diễn ra dài dài, nhưng “chính quyền cơ sở vẫn ngơ ngác” sẽ “khiến người dân nghi vấn có sự tiếp tay đồng lõa” của chính quyền là chuyện tất nhiên. Để hạn chế sự “ngơ ngác” của chính quyền, dư luận mong muốn và đòi hỏi cao hơn nữa vai trò giám sát của Quốc hội. Muốn vậy, cần phải có cơ chế để không xảy ra tình trạng chất vấn của đại biểu lại bị lãnh đạo tỉnh phê bình “cháy mặt”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem