Để người thầy thuốc được an toàn

Tâm An (Thế Giới Tiếp Thị) Chủ nhật, ngày 04/03/2018 06:20 AM (GMT+7)
“Trong những trường hợp và mức độ cụ thể, bộ Y tế đề nghị bảo vệ bệnh viện có thể sử dụng “công cụ hỗ trợ” để bảo vệ an ninh trong bệnh viện”, đó là đề xuất của ông Nguyễn Viết Tiến, thứ trưởng bộ Y tế, sau sự cố bác sĩ ở Yên Bái bị tấn công vừa qua.
Bình luận 0

Sự việc xảy ra ngày 20.2 khi bệnh viện Sản nhi tỉnh Yên Bái tiến hành sanh mổ cho một sản phụ. Khi đó người chồng trèo lên cửa sổ phòng mổ từ bên ngoài để chụp ảnh quay phim. Bệnh viện không cho phép, vậy là người này gọi thêm một số người khác dùng gậy gộc hành hung hai bác sĩ sau khi họ từ phòng mổ bước ra, một trong hai bác sĩ bị rách da đầu phải khâu 20 mũi.

Đáng nói sự việc diễn ra đúng một tuần trước Ngày thầy thuốc Việt Nam 27.2, ngày mà xã hội tôn vinh và cám ơn những người làm việc trong ngành y tế. Vô ơn đã là điều đáng trách, đàng này lại còn dùng vũ lực gây thương tích người làm ơn cho mình. Không biết từ bao giờ những giá trị đạo đức của xã hội Việt Nam lại bị đảo lộn đến thế?

Dường như đang có một xu hướng tấn công nhân viên y tế. Vài năm trước, đây chỉ là trường hợp hãn hữu, thì trong năm 2017 người ta ghi nhận có đến 25 vụ bao vây, hăm doạ, hành hung tấn công nhân viên y tế trong khi họ làm việc.

“Phải chăng vì nhân viên y tế không làm tròn trách nhiệm, chưa tận tuỵ chăm sóc, điều trị bệnh nhân mà người nhà họ phải hành xử như thế?”, trả lời câu hỏi một tờ báo nêu, thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho rằng thực tế cũng có cán bộ y tế chưa tốt, nhưng số ấy không nhiều, còn phần lớn nhân viên y tế đã làm hết phận sự và chức trách của họ.

Vậy điều gì khiến hành vi bạo lực lên ngôi ở bệnh viện? Phải chăng vì những áp lực trong cuộc sống hàng ngày (kẹt xe, chờ đợi, môi trường sống chật chội, thiếu bình yên…)  không được giải toả nên người ta dễ dàng “bùng nổ” ở bất cứ chỗ nào? Hay phải chăng niềm tin giữa con người và con người ngày nay đang giảm sút nên quan hệ thầy thuốc – bệnh nhân cũng bị ảnh hưởng?

img

Môi trường làm việc an toàn giúp nhân viên y tế phát huy tốt công việc của họ.Trong ảnh: Khoa hồi sức tích cực bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM (ảnh có tính minh họa)

Nhưng dù gì trước thực trạng bạo lực ở bệnh viện ngày một nhiều, không ít nhân viên y tế vừa làm việc vừa nơm nớp lo sợ không biết khi nào “tai bay vạ gió” rơi xuống mình. M., một điều dưỡng làm việc lâu năm tại khoa cấp cứu bệnh viện quận Tân Bình, cho biết anh từng gặp nhiều trường hợp người đi cùng bệnh nhân, la hét, hăm doạ, đòi nhân viên y tế phải ưu tiên cứu chữa trước cho người nhà của họ. “Lúc đó chúng tôi ai cũng sợ, làm việc trong tâm trạng thủ thế và sẵn sàng bỏ chạy”, M. nói.

Năm qua, bệnh viện Nhân dân Gia Định TP.HCM cấp cứu thành công một ca thuyên tắc ối, cứu sống cả mẹ lẫn con ngay sau khi sản phụ được chuyển đến bệnh viện. Đáng nói là khi người nhà hay tin sản phụ đưa vào cấp cứu, họ vào bệnh viện, chưa biết ất giáp gì hùng hổ đòi tấn công nhân viên y tế. Một bác sĩ nói: “Thuyên tắc ối có tỷ lệ tử vong rất cao, ca bệnh may mắn thành công, nếu có bề gì không biết chuyện gì sẽ xảy ra”.

Bạo lực ở bệnh viện, theo định nghĩa của tổ chức Y tế thế giới (WHO), gồm hai dạng chính: liên quan và không liên quan đến thể xác. Bạo lực thể xác gồm các hành vi xô đẩy, bạt tai, đánh đập, tấn công tình dục và những dạng đụng chạm cơ thể khác với ý định làm tổn thương. Ngược lại, bạo lực không liên quan thể xác gồm hăm doạ, bắt nạt, chửi bới, quấy rối tình dục…

Thực tế thì bạo lực ở bệnh viện là vấn nạn ngành y tế của không ít quốc gia. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí International Journal of Environmental Research and Public Health năm qua cho thấy, khi khảo sát 1.899 nhân viên y tế ở Hắc Long Giang, một tỉnh đông bắc Trung Quốc, 83,3% số người này cho biết họ từng gặp bạo lực ở chỗ làm và 68,9% bị bệnh nhân hoặc người nhà của họ hăm doạ, chửi bới, quấy rối.

Nhân viên y tế Mỹ không là ngoại lệ. Điều tra vào năm 2014 cho thấy, gần 80% điều dưỡng nước này bị tấn công trong vòng năm năm làm việc trước đó. Tại bang Queensland (Úc), trong năm 2013 – 2014 cũng có 2.817 điều dưỡng (gần 9% nhân viên y tế) bị hành hung trong lúc làm nhiệm vụ.

Dùng bạo lực với người bình thường là không thể chấp nhận, đàng này lại còn dùng bạo lực với người đang làm nhiệm vụ cứu chữa người khác. Năm 2014, chính quyền bang Queensland đã tăng hình phạt cho người tấn công bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên cấp cứu lên đến 14 năm tù giam, vì theo Lawrence Springborg, bộ trưởng y tế bang, đó là “hành vi xấu hổ và không thể chấp nhận”.

Ngày thầy thuốc Việt Nam 27.2 năm nào xã hội cũng dành cho những người làm ngành y tế nhiều lời cám ơn và chúc tụng. Đó là cần thiết, nhưng cần thiết hơn có lẽ là mọi người nên dành thái độ coi trọng nhân viên y tế khi họ đang làm việc, dù đâu đó có người chưa làm tốt vai trò của mình.  Và cũng đến lúc luật pháp phải có hình phạt tương xứng với những hành vi tấn công người thầy thuốc, sao cho họ được làm việc tốt nhất trong môi trường an toàn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem