Đề xuất giảm 50% phí trước bạ: Xe nhập vượt khó bằng đường nào?

An An Thứ sáu, ngày 20/08/2021 09:26 AM (GMT+7)
Nếu theo lối mòn cũ, giảm lệ phí trước bạ chỉ mang lại lợi ích cho xe lắp ráp trong nước. Trong khi thị trường ô tô cần một “cơn mưa phủ khắp” nhằm đối phó với những khó khăn trên diện rộng do Covid-19 gây ra…
Bình luận 0

Vừa qua, Công ty cổ phần Thành Công Motor Việt Nam đã gửi văn bản tới Thủ tướng Chính phủ kiến nghị áp dụng quy định mức thu lệ phí trước bạ giảm 50% đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Còn nhớ năm ngoái Chính phủ từng ban hành Nghị định 70/2020/NĐ-CP nhằm kích cầu, hỗ trợ thị trường ô tô vượt khó khăn do dịch Covid-19. Ở thời điểm đó, các dòng xe sản xuất, lắp ráp trong nước (CKD) đồng loạt giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ trong suốt quý III và IV của năm 2020.

Giảm lệ phí trước bạ - Chính sách nhỏ, hiệu quả lớn

Theo cơ quan soạn thảo, giảm 50% lệ phí trước bạ là một giải pháp thiết thực, góp phần giảm chi phí khi đăng ký sở hữu xe ô tô, giúp người dân dễ dàng tiếp cận sản phẩm ô tô. Và chính khoản tiền “tiết kiệm” đó sẽ kích thích nhu cầu, khôi phục đà tăng trưởng cho thị trường ô tô, đồng thời tạo ra động lực khuyến khích tiêu dùng các hàng hóa, dịch vụ khác.

Đề xuất giảm 50% phí trước bạ: Không chỉ có khách hàng hưởng lợi - Ảnh 1.

Xe lắp ráp trong nước hưởng lợi lớn. Ảnh Vu Phong.

Chẳng hạn, với những mẫu xe ô tô 9 chỗ có giá trị 400 triệu đồng và đăng ký biển Hà Nội thì mức thu lệ phí trước bạ hiện nay là 12%, tương đương 48 triệu đồng. Nhưng nếu áp dụng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ, người mua chỉ phải nộp 24 triệu đồng.

Chọn xe có giá trị càng cao thì mức hưởng lệ phí trước bạ càng lớn. Cụ thể, với chiếc Mercedes S450L giá 4,249 tỷ đồng, chủ nhân mất thêm 510 triệu đồng lệ phí trước bạ. Nếu giảm 50% lệ phí trước bạ thì sẽ tiết kiệm 255 triệu đồng.

Nói như vậy, khách hàng sẽ là người đầu tiên cảm nhận rõ lợi ích của chính sách hỗ trợ này.

Không chỉ người tiêu dùng được lợi, các doanh nghiệp sản xuất, phân phối ô tô lắp ráp trong nước cũng “lên hương”. 

Đề xuất giảm 50% phí trước bạ: Không chỉ có khách hàng hưởng lợi - Ảnh 2.

Giảm lệ phí trước bạ nhằm kích cầu tiêu dùng. Ảnh VinFast.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc điều chỉnh giảm 50% lệ phí trước bạ sẽ kích cầu doanh số xe sản xuất, lắp ráp trong nước, hỗ trợ các nhà phân phối tiêu thụ lượng xe tồn không bán được do ảnh hưởng dịch Covid-19, tăng doanh thu, bù đắp chi phí, tổn thất do dịch bệnh, góp phần giúp ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước sớm vượt qua khủng hoảng và dần đi vào quỹ đạo phát triển. Đó là ý nghĩa nhân văn của Nghị định 70/2020/NĐ-CP.


Nếu đề xuất của Công ty cổ phần Thành Công Motor được phê chuẩn thì đây sẽ là giải pháp tích cực để ngành ô tô kỳ vọng vào khả năng quay đầu tăng trưởng sau thời gian dài chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Dù quỹ thời gian còn lại của năm 2021 không còn nhiều.

VinFast, TC Motor, Thaco,... hưởng lợi

VinFast, TC Motor và Thaco - là 3 nhà sản xuất có lượng xe lắp ráp trong nước (CKD) lớn và nắm giữ thị phần không nhỏ trên thị trường. Đây cũng là những doanh nghiệp có bước tăng trưởng vượt trội trong năm 2020 nhờ “đòn bẩy” từ chính sách hỗ trợ giảm 50% lệ phí trước bạ.

Đề xuất giảm 50% phí trước bạ: Không chỉ có khách hàng hưởng lợi - Ảnh 3.

Giảm lệ phí trước bạ, nhiều "ông lớn" hưởng lợi. Ảnh Thaco.

Hiện tại đại bản doanh của VinFast tại Hải Phòng đang dồn công suất lắp ráp Fadil, Lux A2.0, Lux SA2.0 và President. Những mẫu xe này đủ điều kiện để hưởng chính sách hỗ trợ từ năm 2020. Sau khi hết ưu đãi, VinFast vẫn miệt mài hỗ trợ lệ phí trước bạ cho các dòng sản phẩm chủ lực nhằm tạo lợi thế cạnh tranh.

Một ví dụ tiêu biểu, VinFast Fadil giá niêm yết 425-499 triệu đồng, cao hơn so với mặt bằng chung trong phân khúc xe hạng A. Nhờ chiến lược ưu đãi, Fadil vươn lên dẫn đầu thị trường trong 7 tháng với doanh số hơn 13.000 xe. Nếu hưởng thêm 50% lệ phí trước bạ, Fadil sẽ gặp thời không cản nổi.

Với danh mục sản phẩm gồm 6 mẫu xe lắp ráp trong nước và một vài mẫu xe nhập khẩu bán kèm, Hyundai là hãng xe mong chờ giảm lệ phí trước bạ nhất. Đây sẽ là cơ hội tốt để hãng xe Hàn thu hút khách hàng và duy trì khoảng cách an toàn với đối thủ bám sát phía sau là Toyota.

Ngược lại, Toyota chỉ hi vọng vào Vios bởi Fortuner, Innova không còn sức hút. Ngoài ra, hãng xe Nhật còn nỗi lo về tương lai mờ mịt của Corolla Cross, Camry, Hilux… khi đấu với các đối thủ có tấm lá chắn mang tên lệ phí trước bạ.

Đề xuất giảm 50% phí trước bạ: Không chỉ có khách hàng hưởng lợi - Ảnh 4.

Toàn bộ xe VinFast đều lắp ráp trong nước. Ảnh VinFast.

Kia với bộ ba Seltos, Cerato và Sorento hứa hẹn sẽ làm nên chuyện trong thời gian tới. Tương tự, doanh số Mazda chắc chắn sẽ khởi sắc nhờ CX-5, CX-8 và Mazda3 nếu Chính phủ “tạo điều kiện” cho những mẫu xe lắp ráp đang được ưa chuộng tại Việt Nam.

Danh sách hưởng lợi từ chính sách này được tiếp nối bởi Ford Ranger 2021 vừa chuyển sang lắp ráp trong nước, Honda CR-V, Honda City, Mitsubishi Xpander AT (bản CKD),...

Sự thức thời đã giúp Mercedes-Benz trở thành cái tên duy nhất trong nhóm xe sang hưởng lợi từ việc giảm lệ phí trước bạ. Với dải sản phẩm có giá từ 1,4-4,9 tỷ đồng như GLC-Class, C-Class, E-Class hay S-Class, Mercedes-Benz sẽ giúp khách hàng “bỏ túi” từ vài chục triệu đồng đến hơn 200 triệu đồng.

Ô tô nhập vượt khó bằng đường nào?

Trong khi đó, Volkswagen, Subaru, Audi và nhiều hãng xe khác không được gì từ chính sách này. Hãng xe đầu tiên mạnh dạn lên tiếng chính là Audi. 

Trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan liên quan, nhà nhập khẩu chính hãng Audi nêu ý kiến: “chỉ giảm 50% lệ phí trước bạ đối với các xe lắp ráp trong nước đã cho thấy sự hiệu quả nhưng cũng là sự phân biệt đối xử ưu tiên xét trên toàn quốc”. 

Xét cho cùng, thị trường ô tô Việt là một chỉnh thể được tạo thành bởi 2 mảnh ghép - Xe nhập khẩu và xe lắp ráp trong nước. Trong đó, xe nhập khẩu chiếm ưu thế về lượng tiêu thụ. Cho nên, chính sách giảm lệ phí trước bạ áp dụng trước đây mới chỉ mang lại lợi ích cho một bộ phận khách hàng và doanh nghiệp ô tô.

Đợt bùng phát dịch lần thứ 4 tại Việt Nam buộc các thành phố lớn và nhiều địa phương tuân thủ nghiêm ngặt lệnh giãn cách. Hoạt động kinh doanh của các nhà nhập khẩu và nhà phân phối ô tô nguyên chiếc (CBU) cũng bị gián đoạn và ảnh hưởng nặng nề. Vì thế, việc chỉ ưu tiên giảm lệ phí trước bạ cho xe CKD là thiếu công bằng và tạo áp lực cho các nhà nhập khẩu cũng như nhà phân phối xe CBU.

Trong bối toàn thế giới gồng mình chống chọi với đại dịch Covid-19, nhiều mẫu xe nhập khẩu không thể về nước do nguồn cung khan hiếm, thiếu linh kiện sản xuất, nhà máy tạm đóng cửa,... dẫn đến yếu thế trong cuộc đua doanh số.

Lấy ví dụ, cuối tháng 7, các nhà máy Toyota tại Thái Lan tạm dừng sản xuất vì thiếu linh kiện, khiến nguồn cung Corolla Cross khan hiếm. Thời gian khách Việt chờ xe hiện đã bị đẩy lên 4-5 tháng. Không sẵn xe giao khách, cộng thêm việc Kia Seltos có thể giảm lệ phí trước bạ trong thời gian tới, chắc chắn Toyota Corolla Cross khó lòng bảo vệ vị trí dẫn đầu phân khúc.

Đề xuất giảm 50% phí trước bạ: Không chỉ có khách hàng hưởng lợi - Ảnh 6.

Xe nhập khẩu đang phải tìm cách sống nếu chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ được áp dụng. Ảnh Toyota.

Cuối năm 2020, sau khi Chính phủ áp dụng chính sách hỗ trợ giảm 50% lệ phí trước bạ, để duy trì thế cạnh tranh công bằng với xe lắp ráp, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu phải “tự cắt máu” níu chân khách hàng. Nhưng hiện tại Volkswagen và Subaru không còn sức nối dài chương trình ưu đãi cả trăm triệu đồng để cứu vớt doanh số.

Do vậy, hãng xe Nhập khẩu mong muốn chính sách giảm mức thu lệ phí trước bạ phải được áp dụng “trên diện rộng”, tức là cho cả xe lắp ráp và xe nhập khẩu nguyên chiếc. Có như vậy mới đảm bảo sự công bằng cho các cuộc đua, đồng thời mang lại lợi ích lớn cho tất cả người tiêu dùng và làm tròn sứ mệnh hỗ trợ chung cho toàn cộng đồng trong mùa đại dịch.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem