Sông Như Nguyệt, nơi Lý Thường Kiệt đọc bài thơ thần, đánh bại giặc Tống nay ở đâu Bắc Ninh?
Phòng tuyến sông Như Nguyệt, nơi Lý Thường Kiệt đọc bài thơ thần, đánh bại giặc Tống nay ở đâu Bắc Ninh?
T.L (Cổng TTĐT tỉnh Bắc Ninh)
Thứ năm, ngày 02/03/2023 18:51 PM (GMT+7)
Cụm di tích phòng tuyến sông Như Nguyệt thuộc địa phận xã Tam Giang, huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh). Phòng tuyến sông Như Nguyệt là địa danh lịch sử nổi tiếng, gắn liền với chiến thắng hiển hách của Lý Thường Kiệt chống quân xâm lược Tống (năm 1077), nơi ông đọc bài thơ thần "Nam Quốc Sơn hà".
Phòng tuyến sông Như Nguyệt (gồm Chùa Bồ Vàng, bến sông Như Nguyệt, đền Xà, ngã Ba Xà) là địa danh lịch sử nổi tiếng, gắn liền với chiến thắng hiển hách của Anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt chống quân xâm lược Tống (năm 1077).
Cũng chính tại phòng tuyến sông Như Nguyệt, để khích dậy tinh thần chiến sỹ đánh giặc, Lý Thường Kiệt đã xướng lên bài thơ thần "Nam Quốc Sơn hà", như một bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc ta.
Cổng Tam quan, lối vào Chùa Bồ Vàng hay còn gọi là chùa Như Nguyệt, Tam Giang, huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh).
Chùa Bồ Vàng (Chùa Như Nguyệt) nằm trong hệ thống các di tích thuộc phòng tuyến sông Như Nguyệt, được khởi dựng từ thời Lý với quy mô to lớn, song đã bị phá huỷ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Sau kháng chiến, Chùa được dựng lại với quy mô nhỏ ngay sát bờ đê gần bến sông Như Nguyệt để thờ Phật.
Chùa có vị trí cảnh quan, kiến trúc và khuôn viên đẹp. Công trình kiến trúc được thiết kế, trang trí theo lối truyền thống hài hòa với không gian cảnh quan kiến trúc di tích, chạm khắc trang trí tinh xảo, nghệ thuật…
Toà Tam bảo của Chùa Bồ Vàng; các pho tượng gỗ cổ có niên đại thời Nguyễn được thờ tại chùa; 2 tấm bia Hậu, mỗi tấm chạm hai tượng hậu - hiện vật có giá trị còn được lưu giữ tại chùa Như Nguyệt, xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
Toà Tam bảo của chùa Như Nguyệt có kiến trúc hình chữ Đinh 5 gian 2 mái, bao gồm 5 gian Tiền đường và 2 gian Thượng điện. Tòa Tiền đường vì nóc kết cấu kiểu “Thượng chồng rường giá chiêng, hạ kẻ ngồi”. Trên các cấu kiện trang trí hoa lá cách điệu.
Mặt bia khắc chữ Hán; Dấu tích còn sót lại là những chân cột đá của chùa Như Nguyệt cũ thời xưa.
Theo tư liệu để lại, chùa Bồ Vàng là một trong những nơi tập kết quân của nhà Lý trong trận quyết chiến tại bến đò Như Nguyệt năm 1077. Đồng thời, ngôi chùa từ lâu đời thờ Phật, Mẫu và thờ tổ, là trung tâm sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng của nhân dân địa phương.
Dấu tích còn sót lại là những chân cột đá của chùa Bồ Vàng cũ thời xưa; bến sông Như Nguyệt; ngã Ba Xà; cổng Tam quan Đền Xà ở xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
Hiện chùa còn bảo lưu được một số hiện vật có giá trị như: 2 tấm bia Hậu, mỗi tấm chạm hai tượng hậu ở một mặt và mặt bia khắc chữ Hán, mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn; 8 pho tượng gỗ cổ có niên đại thời Nguyễn.
Ngoài ra còn các tượng thờ và các đồ thờ tự ở chùa Bồ Vàng đều có có niên đại thế kỷ XX - XXI...
Gian Tiền tế của Đền Xà; hệ thống cửa thượng song hạ bản mở 3 gian giữa, hai hồi xây tường kín trổ cửa sổ hình chữ thọ tròn ở Đền Xà, xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
Bến sông Như Nguyệt là di tích nằm trong phòng tuyến sông Như Nguyệt đánh tan quân Tống năm 1077. Tại địa điểm này đã diễn ra 2 sự kiện lịch sử đánh tan quân Tống khi vượt sông tiến về kinh thành và quân do Thái úy Lý Thường Kiệt chủ động vượt sông đánh vào đại bản doanh của địch bên bờ Bắc sông Như Nguyệt.
Bia đá khắc bài thơ thần “Nam Quốc Sơn hà” bằng tiếng Hán trong khuôn viên Đền Xà; Bia đá khắc bài thơ thần “Nam Quốc Sơn hà” bằng chữ Quốc ngữ tại Đền Xà, xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
Tương truyền chính tại nơi đây trong cuộc đại phá quân Tống vào năm 1077, bài thơ thần “Nam Quốc Sơn hà” của Lý Thường Kiệt ra đời.
Bài thơ thần vang lên trong đêm tối như một bản tuyên ngôn độc lập của dân tộc làm cho kẻ thù bên bờ Bắc hoang mang dao động, góp phần quyết định cho thắng lợi vẻ vang trên dòng sông Như Nguyệt của quân dân nhà Lý ở thế kỷ thứ XI.
Đền Xà - Ngã Ba Xà là một địa điểm nằm trên chiến tuyến Như Nguyệt do quân dân Đại Việt ở thế kỷ XI lập nên trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược.
Hiện, trong Đền còn lưu giữ một số hiện vật tiêu biểu như: ngai thờ, tượng Thánh Mẫu, tượng Thánh Cô, Hạc thờ, đỉnh hương, chân nến, hoành phi, câu đối...Địa điểm đền Xà, Ngã Ba Xà được Bộ Văn hóa Thể thao xếp hạng là di tích lịch sử Quốc gia theo Quyết định số 28-VH/QĐ ngày 18/01/1988.
Theo truyền thuyết, Đền Xà có từ thời Tiền Lý. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đền bị phá huỷ, đến khoảng những năm 1993, địa phương đã từng bước phục hồi lại ngôi đền trên nền đất cũ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.