Đi câu cua Núi Cấm

Bài, ảnh: Lê Gia Bảo Thứ sáu, ngày 31/07/2015 11:42 AM (GMT+7)
Đã từng nghe câu hát đưa nôi dưới đồng bằng “Gió đưa gió đẩy, về rẫy ăn còng. Về sông ăn cá, về đồng ăn cua”. Vì vậy, về vùng Bảy Núi – An Giang khi nghe anh Sáu Đen (tên thật là Võ Văn Đen, người địa phương) rủ lên núi câu cua, tôi không ngần ngại gật đầu cái rụp…
Bình luận 0

Đỉnh Núi Cấm thuộc xã An hảo huyện Tịnh Biên tỉnh An Giang. Nơi đây được xem là “cha đẻ” của những huyền thoại, truyền thuyết ly kỳ và càng trở hoang vắng hơn khi cả ngày lãng đãng mây ngàn cùng tiếng gió rít mạnh bên tai. Đến đỉnh núi, chúng tôi đỗ dốc thêm hơn 2km đường mòn lởm chởm, rồi gửi xe, đi bộ xuống triền núi gần 1 km nữa. Đến Ô Cửu Phẩm phải ngủ nhờ nhà người bạn anh Sáu một đêm. “Sáng sớm mới là thời điểm thích hợp nhất cho câu cua. Vì sau một đêm mưa mát trời, cua mới từ các ô suối lên bờ kiếm ăn, rất dễ bắt.” – anh Sáu Đen (52 tuổi, ở ấp Thiên Tế, xã An Hảo – An Giang) giải thích.

Mặt trời chưa ló dạng, anh Sáu giục tôi dậy rồi tuồn ngay ra rừng. Độ chừng 5 phút, anh trở vào, tay cầm theo 3 cây trúc nhỏ, rồi cột thêm khoảng 10 sợi thun khoanh vào trên đỉnh để làm lưỡi câu. Thấy tôi “lờ khờ” nhưng anh Sáu không hiểu chuyện gì nên vô tư động viên “ven khu vực suối, nơi nào cũng có thể tìm thấy cua, nhưng càng lên cao cua càng lớn, chú mày phải ráng nhé”. Chúng tôi đi ngược dòng suối lên đỉnh núi. Trước khi đi, anh Sáu phát cho tôi bộ đồ nghề là một cành trúc. Thì ra, hồi nãy anh ra rừng là để kiếm “đồ nghề”!. Rồi anh dặn kỹ “Phải hết sức cẩn thận, cua núi hung hăng gấp trăm lần cua ở ruộng đồng bằng. Một khi đã bị cua kẹp rồi thì “trời gầm” cũng không nhả, khác với cua đồng ở chổ đó.

Tuy nhiên cua trong hang đá đa phần là cua cái, vì vậy, kích cỡ và chất lượng không ngon bằng cua đực, mà cua đực thì thường trầm mình dưới nước. Để tìm chúng, chỉ cần tìm chỗ nào có nắng xuyên qua tàn lá là gặp. Anh Sáu chưa nói dứt câu, bất chợt chỉ tay vào khoảng nắng xuyên dưới lòng suối. Nhờ dòng nước trong suốt, tôi dễ dàng nhìn ra một con cua đực bởi hai chiếc càng màu xanh ngọc săn chắt đang giơ ra như thách thức. Nhanh như cắt, anh Sáu quăn lưỡi câu trước mặt con mồi. Thế là nó xông tới, dùng càng ngoạm lấy mồi câu, đúng là “trời gầm” cũng không nhả nên “hắn” dễ dàng rơi vào chiếc bao đang chờ sẵn.

img

Anh Sáu Đen đang câu dính được cua ở các khe đá.

Phải thừa nhận là cua núi ở đây rất đẹp, nhất là cua đực. Từ chiếc yếm, cặp càng đến những cái ngoe đều có màu sắc riêng biệt. Con đực thì có màu sắc sặc sỡ hơn. Sau nửa ngày lùng sục trong các khe đá ẩm ướt gần khu vực lòng suối, “thành quả” chúng tôi thu hoạch được chỉ vọn vẹn không đầy 2 kg. “Bây giờ cua có phần hiếm dần, còn mấy năm về trước, chỉ cần đi một vòng là có thể kiếm được cả bao tải, cân nặng khoảng chục ký” - anh Sáu nói trong nét mặt tươi rói.

Mang tiếng là dân cố cựu ở núi, chứ hỏi ra, anh Sáu lại là dân miệt đồng thứ thiệt. Vì vậy, chuyện ẩm thực đối với loại cua này được anh kể rành còn hơn 6 câu giọng cổ. "Nhờ thịt săn chắc và chậm lớn hơn cua đồng cũng như “hưởng thụ” linh khí của núi rừng nên chất lượng thịt hơn hẳn cua đồng. Không những thế, cua núi còn là dược liệu quí chuyên trị bệnh còi xương ở trẻ em. hoặc là giã nhuyễn vắt lấy nước nấu canh rau, hoặc là nướng chín, nhai luôn xương đều hiệu quả" - anh Sáu nói.

Đối với dân nhậu hẳn không thể quên món rang me "độc nhất vô nhị". Bữa này, tôi cũng được đích thân anh Sáu ra tay làm món rang me sở trường để đãi khách. Lân lân với men rượu chưa tàn, anh Sáu chân tình thổ lộ “tại thấy chú em vui vẻ, thiệt tình anh mới dắt đi. Chứ theo đà này không biết vài năm nữa Núi Cấm có còn cua này nữa hay không”.

Bởi ngoài anh ra, tôi được biết bây giờ có nhiều người dân chuyên lên núi bắt cua để bán cho các quán nhậu, nhà hàng. Cũng có người đến Núi Cấm chỉ để tìm mua bằng được cua núi về thưởng thức hoặc làm quà. Nhiều nhà hàng sang trọng săn đón loại cua núi này như đặc sản dành riêng cho thượng khách. Theo quy luật thị trường có cầu ắt có cung và cầu càng lớn thì cung càng nhiều. Từ đó, giá cua đã nhanh chóng tăng lên từ 50-60 ngàn đồng/kg nay gần 200 ngàn đồng/kg hỏi mua vẫn không có để mua.

img

Chiến lợi phẩm của nửa ngày săn bắt cua.

img

Món cua núi rang me đặc sản.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem