Đi chợ không tiền giữa biển khơi

Chủ nhật, ngày 02/02/2014 17:19 PM (GMT+7)
Chợ diễn ra cả ngày lẫn đêm, suốt… 7 tháng liền mỗi năm, với lượng hàng hoá trị giá nhiều ngàn tỷ đồng. Cả người mua và bán đều không dùng tiền. Họ mua bán theo lối sơ khai: Hàng đổi hàng, chữ tín là cái cân duy nhất để cân hàng ở đây.
Bình luận 0

Đây là chợ của ngư dân làm nghề cá nổi (đánh bắt ở độ sâu 100m nước), kéo dài từ tháng 2 – tháng 9 âm lịch hàng năm. Chợ họp ngay trên ngư trường các tỉnh trung Trung Bộ, với chiều dọc từ 15 độ vĩ Bắc đến 18 độ vĩ Bắc; chiều ngang từ 60 hải lý (cách đất liền) ra đến vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam (cách đất liền khoảng 200 hải lý). Một cái chợ khổng lồ, rộng cả trăm cây số vuông. Trong cái chợ này, ngư dân mua nguyên liệu, nhiên liệu, đá, thực phẩm và bán sản phẩm đánh bắt được; tàu dịch vụ bán những thứ ngư dân cần mua và mua những thứ ngư dân cần bán.

Mua bán cá ngoài khơi giữa tàu dịch vụ và tàu cá.
Mua bán cá ngoài khơi giữa tàu dịch vụ và tàu cá.

Bán ngoài khơi đắt giá hơn trong bờ

Trong chợ ấy, có khoảng 30 tàu dịch vụ phục vụ cho hơn 2.000 chiếc tàu ngư dân làm nghề rút chì và mành chụp (những nghề đánh cá nổi). Tàu dịch vụ phần nhiều là ở Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng. Tàu cá thì đến từ nhiều tỉnh của miền Trung.

Do sức chứa của tàu có hạn, mỗi chuyến biển, phần nhiều tàu đánh cá nổi đều mang theo nguyên, nhiên liệu, thực phẩm… trong 10 ngày. Trong thời gian đó, thông thường, họ đánh cá đạt mức trọng tải tối đa của tàu. Thế nhưng, sau khi cá đầy, ngư dân lại phát hiện tiếp luồng cá lớn khác. Để nắm bắt cơ hội này, họ phải bán nhanh sản phẩm của mình để tàu có thể chứa thêm cá, đồng thời mua thêm nguyên, nhiên liệu, thực phẩm tiếp tục ở lại biển khơi. Lúc đó, tàu dịch vụ là lựa chọn tối ưu. Mỗi tàu cá thường chọn tàu dịch vụ riêng, họ chỉ cần mở bộ đàm liên lạc, cho biết đang ở vị trí nào là tàu dịch vụ chạy đến, hai bên gặp nhau, cặp mạn tàu và trao đổi hàng hoá. Cuộc mua bán giữa trùng khơi không hề có tiền bạc. Hai bên có hai cuốn sổ, ghi vào đó những con số, đến khi vào bờ, ngồi lại với nhau, lúc đó tiền mới xuất hiện.

Việc cân đo thủy sản chủ yếu dựa vào niềm tin, với các loại khay nhựa và cẩu. Chuyện khay đầy hay lưng không quan trọng. Ngư dân có thể cho thêm tàu dịch vụ vài chục khay cá hoặc vài cẩu cá nếu thấy thích.

Anh Nguyễn Đụng, chủ tàu QB-91225 (Đồng Hới, Quảng Bình), cho biết: Mua và bán với tàu dịch vụ ngay trên biển có nhiều cái lợi. Trước hết, đỡ tốn chi phí vô ra. Chở 10 tấn cá từ ngoài khơi vào đất liền để bán, chi phí hết 40 triệu đồng và mất 3 – 6 ngày đêm đi lại. Trong thời gian đó, nếu ở lại biển có thể đánh thêm vài tấn cá kiếm vài chục triệu đồng. Bán ngay ngoài khơi, cá tươi, giá cao hơn là đem vào đất liền. 1kg cá nục bán ngoài khơi 15.000 đồng nhưng chở vô đến đất liền chỉ còn 8.000 đồng, thiệt 7.000 đồng, nếu tính 10 tấn thì thiệt 70 triệu đồng. Tính ra, bán 10 tấn cá giữa biển có lợi cả trăm triệu đồng so với bán ở đất liền.

Hào sảng và phóng khoáng

30 tàu dịch vụ giữa cái chợ mênh mông đến 2.000 tàu đánh cá nổi, ai cũng nghĩ tàu dịch vụ “một mình một chợ”, thích hô giá nào thì hô, nhưng không phải vậy. Ngư dân Nguyễn Văn Vọ, chủ tàu QB-92344 (Bố Trạch, Quảng Bình), cho biết: Chúng tôi dù ở ngoài khơi 200 hải lý (khoảng 350km) nhưng giá cả trong bờ thế nào thì biết chắc không những từng ngày mà còn từng giờ. Ai cũng có Icom, bộ đàm, các đầu nậu trên bờ điện ra chào giá liên tục, rồi người thân của chúng tôi trên bờ khảo sát giá từng giờ một. Vì thế, không có chuyện tàu dịch vụ qua mặt chúng tôi về giá cả. Hai bên đều “đánh bài ngửa” với nhau. Vấn đề là ngư dân chúng tôi chấp nhận mua và bán giá nào để chúng tôi không bị thiệt mà tàu dịch vụ cũng có lợi.

Có những tàu dịch vụ ra khơi hô giá bắt chẹt, bị ngư dân tẩy chay, nếu chạy tàu không vào bờ thì lỗ nặng, đành chấp nhận làm “xe ôm” chở cá của ngư dân vào cảng kiếm ít tiền vận chuyển, còn chuyện bán cá, người nhà ngư dân trong bờ tự làm. “Ngư dân mà tẩy chay, có nước bỏ nghề. Cuộc chiến khốc liệt nhất của nghề buôn khơi là cuộc chiến giành ngư dân giữa các tàu dịch vụ. Người nào càng có nhiều ngư dân (nhiều bạn hàng), càng ăn nên làm ra” – chủ tàu dịch vụ có công suất 1.160 CV (lớn nhất miền Trung) Lê Văn Sang cho biết.

Anh em Sang – Kháng hiện nay có khoảng 60 bạn hàng (tàu cá) thuộc nhiều tỉnh miền Trung. Trước mỗi chuyến ra khơi, các tàu cá thường mượn tiền của hai nậu Sang – Kháng để mua nguyên, nhiên liệu, thực phẩm. “Việc mượn tiền giống như một giao ước trên bờ, rằng khi ra biển đánh được cá, tôi sẽ gọi tàu anh đến mua. Tiền mượn này, chúng tôi sẽ trả lại bằng cá” – Sang nói. Trước mỗi chuyến biển, Sang cho ngư dân mượn vài ba trăm triệu đồng. Đây là một “truyền thống” làm nghề có từ đời ông nội Sang (ông Lê Diệp) đến bố Sang (ông Lê Mến) và bây giờ là anh em Sang. Năm 2003, 6 chủ tàu có mượn tiền của ông Mến làm ăn mấy chuyến liên tiếp thua lỗ, ông Mến đến tận nhà tuyên bố xoá toàn bộ nợ cho họ (300 triệu đồng). Dù rủi ro nhưng nhà Lê Mến vẫn không ngại cho ngư dân mượn tiền.

Những người làm ăn trên đầu sóng, ngọn gió, họ rất giữ chữ tín. Trừ những lý do bất khả kháng (thiên tai, tai nạn, đánh bắt không được), chứ bình thường bao giờ họ cũng trả nợ đàng hoàng, thậm chí trên mức đàng hoàng cho nậu” – lời Lê Văn Sang. Bán cá trên biển, không dùng cân mà dùng khay (10kg, 20kg) hoặc cẩu (3 tạ). Những đơn vị đo lường này đã được mặc định, không ai băn khoăn là giả hay điêu. “Khi đánh được cá, dù mình ở xa bao nhiêu, họ cũng gọi và chờ mình đến để bán. Giá 15, họ chấp nhận bán 10, 11 để mình đưa vào đất liền kiếm thêm vài giá. Mua của họ vài tấn cá, họ sẵn sàng cho thêm mình vài chục khay hoặc vài cẩu cá là bình thường” – Sang nói. Làm ăn với những người hào sảng như vậy nên Sang cũng thành ra phóng khoáng. Ngư dân mua dầu, gạo, Sang còn tính tiền nhưng mua đá ướp cá, Sang cho không. Mỗi tàu, Sang cho 50 cây đá (700.000 đồng), mỗi chuyến ra khơi, Sang cho đá cả chục tàu như vậy. “Đi buôn ngoài khơi mà tính tiền đá là buôn xoàng” – Sang nói.

Tàu DNa - 90444 của Lê Văn Sang (Đà Nẵng) đang mua cá của các tàu cá ngoài khơi vùng biển Hoàng Sa.
Tàu DNa - 90444 của Lê Văn Sang (Đà Nẵng) đang mua cá của các tàu cá ngoài khơi vùng biển Hoàng Sa.

Chợ ngàn tỷ

Nghề buôn cá trên biển đã đưa cha con ông Lê Mến lên hàng tỷ phú ở Đà Nẵng hiện nay. Ban đầu, từ chiếc ghe nhỏ 20CV (của ông Lê Diệp), ông Lê Mến và các con đã phát triển lên thành đội tàu 3 chiếc (90CV, 320CV và chiếc lớn nhất miền Trung 1.160CV).

Ngoài ra, cha con họ còn có 3 chiếc ô tô dùng để vận chuyển cá đi bán ở nhiều tỉnh, thành phố. Họ giải quyết việc làm cho 40 lao động, với mức lương 9 triệu đồng/người/tháng (bao luôn cơm nước).

Theo tính toán của ông Mến, mỗi năm sản lượng cá mà 2.000 chiếc tàu đánh cá nổi cần bán trên biển quy ra tiền khoảng 3.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, 30 chiếc tàu dịch vụ ở chợ này chỉ cáng đáng nổi 308 tỷ đồng (10%). Trong đó, riêng đội tàu số 1 của Đà Nẵng (gồm 4 chiếc, riêng Sang – Kháng có 2 chiếc to nhất) đã chiếm “thị phần” 40 tỷ đồng.

“Thị trường trên biển là vô cùng lớn, sắm thêm bao nhiêu tàu dịch vụ cũng phục vụ không hết” - lời ông Mến. Đó là lý do để cha con ông đóng chiếc tàu thứ 4 và cũng là chiếc tàu gỗ lớn nhất nước hiện nay, với 2.000 CV, trị giá 7 tỷ đồng. Tàu sẽ hạ thuỷ vào giữa năm 2014.

Khải Phong (Trang Trại Việt) (Khải Phong (Trang Trại Việt))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem