Đi gội đầu, về phòng trọ đều mất thêm tiền vì giá điện tăng

Mai Hương Thứ tư, ngày 18/03/2015 13:25 PM (GMT+7)
Việc giá điện tăng mạnh lần này tác động không nhỏ tới mọi ngõ ngách cuộc sống, khi mà không chỉ các phòng trọ "đội giá" tiền sử dụng điện đối với người thuê mà ngay các dịch vụ bình thường như gội đầu tại các hiệu làm tóc cũng tăng phí...
Bình luận 0

Gội đầu, dùng điện nhà trọ “đi” tiền triệu…

Chị Nguyễn Thị Lương quê Thái Bình trọ 5 năm nay trên phố Vũ Thạnh (Hà Nội) cho biết, giá điện tăng lên khiến những người làm công ty tư nhân như em rất khó khăn.

“Từ dịch vụ gội đầu đến giá điện nhà trọ đều tăng lên. Em tiết kiệm đun nước nóng ở nhà lại bận bịu công việc nên thường ra hiệu làm tóc gội đầu. Trước đây, mỗi lần gội đầu giá chỉ 35.000 đồng/lượt nhưng từ khi có tin giá điện tăng lên người ta đã tăng giá lên 40.000-50.000 đồng/lượt”-Lương cho biết. “Em tiết kiệm nên gội một tuần hai lần, cộng với trả tiền điện cho chủ nhà một tháng đã “đi” cả tiền triệu” - Lương cho biết.

img
Dịch vụ gội đầu tăng thêm từ 10.000 đồng/lượt sau khi giá điện tăng

Chị Lương đi làm suốt ngày nên chỉ dùng điện thắp sáng, đun nước, dùng máy tính, quạt nhưng một tháng cũng phải trả tới trên dưới 200.000 đồng tiền điện. Nếu giá điện chủ nhà trọ tăng lên tới đây thì số tiền phải trả sẽ còn lớn hơn.

Vừa gội đầu vừa phân bua với khách về các chi phí tăng thêm khi giá điện tăng, chị Lê Thị Khang - chủ hiệu làm tóc Diệu Quyên ở phố Giảng Võ (Hà Nội) giãi bày: “Hiện tiền điện mỗi tháng mình phải trả cho chủ nhà đã lên tới gần 2 triệu đồng. Giá điện mà tăng thì số tiền phải trả có thể lên tới gần 3 triệu đồng. Hiệu làm tóc không thể tiết kiệm điện vì gội đầu cho khách phải dùng nước nóng, mùa hè phải dùng điều hòa nhiệt độ, quạt cả ngày rồi điện bơm nước… Mình chỉ tăng giá gội đầu 10.000 đồng/lượt mà khách đã kêu lắm rồi, thậm chí đã có hiện tượng vắng khách”.

Khảo sát một số cửa hiệu làm tóc tại các tuyến phố như Hào Nam, Vũ Thạnh, Đê La Thành của Hà Nội, hầu hết giá gội đầu đều tăng lên mức 40.000-60.000 đồng/lượt. Nếu gội dầu gội đắt tiền và kèm massage nhẹ thì mỗi lần gội đầu khách phải trả cả 100.000 đồng/lượt.

Sau khi giá điện sinh hoạt tăng thêm 7,5% và có hiệu lực từ 16.3, không ít chủ cho thuê phòng trọ đã rục rịch tính chuyện tăng giá điện với người đi thuê trọ. Bà Tạ Thị Nhung - chủ nhà cho thuê trọ ở số nhà 27 Vũ Thạnh (Hà Nội) cho biết: “Giá điện thuê trọ hiện tôi chỉ lấy của khách thuê 2.500-3.000 đồng/kWh thì tới đây có thể sẽ phải tăng lên vì giá điện đã tăng lên rất mạnh”.

Cùng cho thuê nhà trọ, bà Ngô Thị Thu ở số nhà 8 Vũ Thạnh cho biết: "Trước tôi lấy tiền điện thuê trọ là 3.000 đồng/kWh thì tới đây sẽ phải lấy thêm từ 500-1.000 đồng/kWh, tùy vào mức độ sử dụng của người thuê trọ để bù vào tiền điện tăng lên".

Khu vực đường Hồng Hà, phường Phúc Tân quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) có lẽ là đông dân thuê nhà trọ nhất nhì Hà Nội, bởi tại đây có chợ đầu  mối hoa quả Long Biên. Người nông thôn tứ xứ về đây thuê trọ để đi bán hàng, bốc vác, chạy xe ôm. Họ thuê các phòng trọ với giá chỉ khoảng trên dưới 1 triệu đồng/tháng. Nhưng tiền điện mà những người thuê trọ tại đây phải trả cũng khá lớn, từ 2.500-3.000 đồng/kWh.

Một ông chủ cho thuê nhà tên Thảo (ngõ 301 đường Hồng Hà) dẫn chúng tôi vào xem phòng trọ mà ông cho thuê với giá chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng. Tuy mức giá thuê này khá thấp nhưng giá tiền điện ở đây sẽ phải thu lên tới 3.500 đồng/kWh bởi giá điện đã tăng lên. “Giá điện, nước ở đây phải thu theo giá dịch vụ riêng mới đủ bù đắp chi phí phòng trọ rẻ” -ông Thảo nói.

Nên khiếu nại khi bị ép giá cao

Với mức tăng khoảng 500-1.000 đồng/kWh thì số tiền điện mà phần lớn người thuê nhà ở Hà Nội phải trả ở các xóm trọ có giá lên tới 4.000 đồng, thậm chí có nơi là 5.000 đồng/kWh. Số tiền này quả thật gây khó khăn cho  không ít người.

img
Giữa trưa oi bức nhưng người thuê trọ vẫn hạn chế bật quạt để tiết kiệm điện

Vợ chồng anh Đỗ Thanh Sơn thuê nhà trọ ở Hào Nam. Hai vợ chồng đi làm cả ngày, con đi học, chỉ nấu ăn và dùng điện vào buổi tối. Hiện mỗi tháng anh chị đã phải trả tiền điện là 600.000 đồng/tháng. Nếu theo giá điện mới chủ nhà trọ báo là 4.000 đồng/kWh  thì vợ chồng anh sẽ phải trả gần 1 triệu đồng tiền điện mỗi tháng.

Thực tế, nhiều người đi thuê nhà, cửa hàng có sử dụng điện đang phải chịu mức giá cao gấp 2-3 lần giá điện quy định của Nhà nước.

Theo quy định từ ngày 16.3, mức giá điện sinh hoạt cao nhất lên gần 2.600 đồng/kWh (áp dụng cho hộ sử dụng hơn 400 kWh/tháng). Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều người lao động thuê trọ, họ đang phải trả giá điện cao gấp 2-3 lần mức bình quân.

“Đã đi thuê nhà là sống phụ thuộc nên dù biết phải trả tiền điện giá cao cũng phải chấp nhận vì không phải thuê ở đâu cũng ở được” - anh Hải làm nghề chạy xe ôm đang thuê nhà ở phố Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết. Hai vợ chồng anh Hải phải thuê nhà ở Cầu Giấy vì chỗ thuê gần chỗ vợ anh bán hàng thuê. 

Những người thuê nhà cũng không nghĩ tới việc phản đối chủ nhà khi bị thu tiền điện giá cao, bởi lo mất chỗ thuê, phiền phức và có khi kiện rồi mà "chờ được vạ thì má đã sưng”, chả giải quyết được gì. Tìm được chỗ trọ ưng ý đã khó nên họ chấp nhận cả chi phí giá điện tăng bất hợp lý với mình.

Trong khi đó, trung tâm chăm sóc khách hàng (CSKH) Tổng công ty điện lực Hà Nội cho biết, đơn vị này sẵn sàng hướng dẫn khách cách đăng ký sử dụng điện tiết kiệm, hợp lý. Nếu người dùng điện "bị ép" mua với giá quá cao có thể làm đơn gửi tới trung tâm CSKH của EVN. Đơn vị này sẽ kết hợp với Sở ban ngành giải quyết.

Theo quy định tại Thông tư 19/2013/TT-BTC thì giá bán lẻ điện cho người thuê phòng trọ được tính như sau:

e) Việc ký hợp đồng mua điện cho mục đích sinh hoạt đối với trường hợp cho thuê nhà để ở thực hiện như sau:

- Tại mỗi địa chỉ nhà cho thuê, Bên bán điện chỉ ký một hợp đồng mua bán điện (HĐMBĐ) duy nhất. Chủ nhà cho thuê có trách nhiệm xuất trình sổ đăng ký tạm trú của người thuê nhà;

- Đối với trường hợp cho hộ gia đình thuê: Chủ nhà trực tiếp ký HĐMBĐ hoặc ủy quyền cho hộ gia đình thuê nhà ký HĐMBĐ (có bảo lãnh thanh toán tiền điện), mỗi hộ gia đình thuê nhà được tính một định mức;

- Trường hợp cho sinh viên và người lao động thuê nhà (bên thuê nhà không phải là một hộ gia đình), Bên bán điện có trách nhiệm thông báo công khai và cấp định mức cho chủ nhà căn cứ vào sổ đăng ký tạm trú. Cứ 04 người được tính là một hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang, cụ thể: 01 người được tính là 1/4 định mức, 02 người được tính là 1/2 định mức, 03 người được tính là 3/4 định mức, 04 người được tính là 01 định mức;

- Đối với trường hợp cho sinh viên và người lao động thuê nhà đăng ký tạm trú từ 12 tháng trở lên thì chủ nhà trực tiếp ký HĐMBĐ hoặc đại diện người lao động hoặc sinh viên thuê nhà ký kết HĐMBĐ (có bảo lãnh thanh toán tiền điện của chủ nhà). Trường hợp thời hạn thuê nhà dưới 12 tháng thì chủ nhà phải trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện;

- Trường hợp người thuê nhà không ký hợp đồng trực tiếp với Bên bán điện thì chủ nhà cho thuê có trách nhiệm thu tiền điện của người thuê nhà theo đúng giá bán lẻ điện trong hóa đơn tiền điện hàng tháng do đơn vị bán lẻ điện phát hành cộng thêm 10% cho tổn thất, chi phí chiếu sáng và bơm nước dùng chung;

- Khi có thay đổi về số người thuê nhà, chủ nhà cho thuê có trách nhiệm thông báo cho Bên bán điện để điều chỉnh định mức tính toán tiền điện. Bên bán điện có quyền kiểm tra, yêu cầu bên mua điện xuất trình sổ đăng ký tạm trú hàng tháng để xác định số người tính số định mức khi tính toán hóa đơn tiền điện.

Hành vi bán điện với mức giá cao hơn quy định sẽ bị xử phạt theo Nghị định 134/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

6. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người cho thuê nhà thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ mục đích sinh hoạt.

7. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người cho thuê nhà thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Trường hợp này bạn có thể khiếu nại lên cơ quan điện lực phụ trách khu vực của mình.

Trường hợp sinh viên và người lao động thuê nhà trọ, cứ 4 người được tính là một hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt. Như vậy, cứ 4 người thuê trọ lại được áp dụng cách tính giá điện đối với một hộ gia đình như trên. Bên bán điện có trách nhiệm thông báo công khai và cấp định mức cho chủ nhà căn cứ vào sổ đăng ký tạm trú.

 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem