Sau một thời gian bị gián đoạn do các thầy Then bị cấm hành nghề, di sản Hát Then mai một dần ở nhiều địa phương. Giờ đây, khi di sản được trả về đúng chân giá trị thì Then cổ đang có nguy cơ mai một do nhiều nghệ nhân cao tuổi đã ra đi mang theo những bài hát, những làn điệu cổ. Bên cạnh đó, thiếu thế hệ trẻ kế cận do làm "thầy Then" rất vất vả, phải được "con ma Then bắt" như quan niệm của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái.
Nghệ nhân…chỉ còn trên đầu ngón tay
Đó không chỉ là thực trạng của riêng tỉnh Lào Cai. Theo Tiến sĩ Trần Hữu Sơn- Giám đốc Sở VHTTDL Lào Cai cho biết, thì trước năm 1991, Hát Then không được tổ chức dẫn đến môi trường sinh hoạt Hát Then không được thường xuyên xây dựng, người dân không được thường xuyên tham dự xem cách thức tổ chức, diễn biến nghi lễ và đặc biệt là không được nghe những câu Hát Then.
Vì thế, Hát Then dần bị mai một trong hầu hết các bản làng của cộng đồng. Sau đó, Then được phục hồi dần nhưng số lượng người hát Then cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Các hình thức sinh hoạt Then trong dân đã manh nha trở lai nhưng nó đã bị mai một, không còn nguyên vẹn, đầy đủ và tỏa rộng như trước.
Thạc sỹ Nguyễn Thị Toán- Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang cũng chia sẻ: "Hiện nay chúng tôi rất lo lắng, nếu không có giải pháp hữu hiệu thì sẽ phải chứng kiến cảnh Hát Then đang dần bị quên lãng ngay trên quê hương mình. Ở Hà Giang hiện chỉ có 2 nghệ nhân nắm giữ các làn điệu Then cổ. Còn Then đang bị trẻ hóa nhiều, đa phần được đặt lại lời. Đáng lo ngại là một bộ phận người dân tộc đang không nói tiếng mẹ đẻ tạo nên thách thức không nhỏ trong việc bảo tồn Hát Then".
Còn ở Lạng Sơn, tỉnh được biết đến với phong trào xây dựng các đội văn nghệ Then đông đảo thì các nghệ nhân giữ Then cổ cũng không quá con số hai cụ và đều ở tuổi gần đất xa trời: một cụ năm nay 90 tuổi, một cụ thì cũng ở tuổi 73.
Chú trọng công tác truyền dạy
Bảo tồn Then cổ, đãi ngộ các nghệ nhân Hát Then là đòi hỏi cấp thiết để giữ gìn một di sản văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Theo ông Trần Hữu Sơn thì những nghệ nhân Then là mắt xích không thể thiếu được trong việc chuyển tải những giá trị Hát Then truyền thống, cổ xưa cho thế hệ tương lai. Vì vậy, cần phải mở nhiều lớp học Hát Then và Đàn Tính, đặc biệt là việc truyền dạy Then cổ cho lớp trẻ.
Ông Sơn cũng cho rằng, hiện nay, mặc dù hiện tỉnh Lạng Sơn mở khá nhiều lớp dạy Then nhưng số người học đặc biệt là những người trẻ rất ít. Do vậy, các cấp, các ngành cần có nhiều giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị Then trong đời sống cộng đồng. Song song đó, Nhà nước cũng cần có những cơ chế, chính sách đãi ngộ hợp lý với các nghệ nhân hát Then.
Theo Phó GS. TS Nguyễn Thị Yên, Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam, trước hết cần phát huy được ý thức tự giác và sự trân trọng với di sản văn hóa của người dân cùng với việc mở các lớp tập huấn cho những người có khả năng âm nhạc, đàn hát hoặc phải là nghệ nhân để biết đàn, hát trở về làm hạt nhân cho phong trào ở địa phương và cơ sở. Hàng năm, các nơi cần tổ chức những hoạt động liên hoan giao lưu hát Then, Đàn Tính ở mọi cấp và có sự biểu dương, khen thưởng kịp thời những đơn vị làm tốt.
Để công tác truyền dạy Hát Then, Đàn Tính đạt hiệu quả, theo các nhà nghiên cứu văn hóa, quản lý ở địa phương thì cần có chế độ chính sách đãi ngộ các nghệ nhân xứng đáng. Bởi làm "Then" rất vất vả và mang ý nghĩa tâm linh nên không dễ tìm người kế thừa.
Thiết nghĩ, cách làm của tỉnh Lào Cai cũng là một bài học để các địa phương khác tham khảo đó là "thử nghiệm cách thức bảo tồn sống giá trị này trong nhân dân" và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người dân.. Theo đó, Lào Cai cử cán bộ điều tra, thống kê những nghệ nhân biết làm Then, Hát Then ghi chép diễn biến của một số nghi lễ làm Then, câu Hát Then của từng vùng cụ thể, khảo sát nhu cầu Hát Then của nhân dân trong đời sống thường ngày của họ, cùng nhân dân phục dựng những lễ Then cấp sắc, Then chữa bệnh…
Ngày 4.11.2012, Viện Âm nhạc Việt Nam (Bộ VHTTDL) đã phối hợp với tỉnh Lạng Sơn tổ chức Hội thảo "Bảo tồn, phát huy nghệ thuật hát Then trong giai đoạn hiện nay." Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến thảo luận của các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân, lãnh đạo các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh về những giải pháp hữu hiệu để bảo tồn và phát huy nghệ thuật Hát Then, Đàn Tính trong giai đoạn hiện nay.
Để sớm hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận Hát Then, Đàn Tính là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, PGS, TS Lê Văn Toàn, Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam cho biết cần phải tiến hành kiểm kê, thống kê tư liệu, tài liệu (hình, tiếng, văn bản…) di sản văn hóa Hát Then từ quá khứ đến hiện tại của các địa phương; có chế độ, chính sách đối với nghệ nhân hát Then (người được coi là "báu vật sống") đang lưu giữ một kho tàng nghệ thuật cổ truyền như thế nào.
Ông Toàn cũng kiến nghị cần có những cách thức tổ chức kiểm kê, thống kê di sản văn hóa Then có hiệu quả nhất, phù hợp nhất ở địa phương mình trong thực tế hiện nay đồng thời với những đề xuất, kiến nghị thiết thực, hiệu quả đóng góp cho Kế hoạch hành động quốc gia đối với bảo tồn Hát Then, khi Việt Nam xây dựng hồ sơ trình UNESCO.
Theo TTĐT Lào Cai
Vui lòng nhập nội dung bình luận.