Đi tìm những “làng quê đáng sống”: Về nơi đẹp đến nỗi du khách "Tây" cũng muốn đến ở, vui chơi (Bài 4)

Minh Huệ - Hồng Liên - Vũ Thượng Thứ năm, ngày 01/08/2024 06:00 AM (GMT+7)
Nhiều người ví von thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải (huyện Hoa Lư) như "phố Tây" ở Ninh Bình, bởi ở đây nhà nhà, người người làm du lịch, ra ngõ là gặp khách nước ngoài. Nhiều du khách rất thích thú khi về đây ở để trải nghiệm và tham quan, vui chơi.
Bình luận 0
Đi tìm những “làng quê đáng sống”: Về nơi đẹp đến nỗi du khách "Tây" cũng muốn đến ở, vui chơi (Bài 4)- Ảnh 1.

Toàn cảnh xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình nhìn từ trên cao. Ảnh: Nguyễn Chương

Phóng sự: Toàn cảnh làng quê đáng sống ở xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Thực hiện: Nguyễn Chương- Huệ Liên

"Phố Tây" ở làng, nơi người dân nói tiếng Anh như gió, mỗi ngày đón cả 1.000 du khách

Nhiều người ví von thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải (huyện Hoa Lư) như "phố Tây" ở Ninh Bình, bởi ở đây nhà nhà, người người làm du lịch, ra ngõ là gặp khách nước ngoài. 

Trò chuyện với chúng tôi, ông Đinh Anh Tới - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Hải cho biết, gọi Văn Lâm là "phố Tây" cũng không ngoa bởi ngôi làng hơn 700 năm tuổi này đang trở thành điểm "đáng đến" của du khách. Thôn nằm trọn trong Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, thuộc vùng lõi và vùng đệm của Quần thể danh thắng Tràng An - Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới nên khách nước ngoài lưu trú tại đây cũng nhiều nhất xã.  

Trước đây, người dân Văn Lâm nói riêng và xã Ninh Hải nói chung sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa và thêu ren, sau khi di sản Tràng An được UNESCO vinh danh, bà con chớp ngay cơ hội đó, chuyển sang làm dịch vụ du lịch để mưu sinh, làm giàu. 

Hiện nay, trung bình mỗi ngày, xã Ninh Hải đón khoảng 1.000 khách du lịch trong nước và quốc tế tới tham quan, lưu trú trên địa bàn. Trong đó, mô hình kinh doanh homestay (hình thức kinh doanh lưu trú khi khách ở chung và cùng sinh hoạt với chủ nhà) rất phát triển ở thôn Văn Lâm, tạo sinh kế cộng đồng, mang lại thu nhập cao cho người dân.

Đi tìm những “làng quê đáng sống”: Về nơi đẹp đến nỗi du khách "Tây" cũng muốn đến ở, vui chơi (Bài 4)- Ảnh 2.

Thôn Văn Lâm nằm trọn trong Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, các hộ dân kinh doanh dịch vụ lưu trú ở đây dày đặc, vì thế khách Tây sống cùng dân làng là chuyện thường ngày. Ảnh: Hồng Liên

Theo ông Đinh Anh Tới, Văn Lâm là thôn có mật độ dân số cao, 1.350 hộ với khoảng 4.200 nhân khẩu, chiếm 60% dân số của xã Ninh Hải. Số hộ dân làm dịch vụ du lịch cũng nhiều nhất xã, thậm chí đứng đầu huyện Hoa Lư. Thuận lợi ở chỗ thôn Văn Lâm cũng có diện tích lớn, chiếm 1/3 diện tích toàn xã. 

"Người dân thôn Văn Lâm làm đủ thứ nghề như mở dịch vụ khách sạn, homestay, chèo đò, bán hàng lưu niệm, tiệm ăn, quán nước giải khát... Nhờ du lịch phát triển, người dân xã Ninh Hải đặc biệt là ở thôn Văn Lâm có thu nhập bình quân đầu người cao bậc nhất ở Ninh Bình, đạt từ 80 - 85 triệu đồng/người/năm. Người dân trong thôn rất thân thiện, nhiệt tình trong việc tiếp đón khách du lịch, đây là điểm sáng và ghi dấu ấn trong lòng khách du lịch trong và ngoài nước" - ông Tới đánh giá. 

Đi tìm những “làng quê đáng sống”: Về nơi đẹp đến nỗi du khách "Tây" cũng muốn đến ở, vui chơi (Bài 4)- Ảnh 3.

Ngoài các công việc đồng áng, homestay, người dân thôn Văn Lâm còn có nghề chèo đò phục vụ du khách tham quan Tam Cốc - Bích Động. Ảnh: Nguyễn Chương

Từ khách sạn, homestay tới các nhà hàng, quán ăn ở thôn Văn Lâm được mở ra chủ yếu phục vụ khách nước ngoài, vì thế ở đâu cũng thấy treo biển chỉ dẫn bằng tiếng Anh; hệ thống điện nước, quạt, điều hoà, wifi chạy "căng đét". Ngay cả biển quảng cáo quán nước giải khát ven đường cũng được viết bằng tiếng Anh. Trước cổng và xung quanh mỗi ngôi nhà, người dân trồng rất nhiều hoa và cây xanh, vừa tạo bóng mát, vừa khiến mỗi điểm đến trở nên hấp dẫn hơn.

Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là bất kỳ một người dân nào ở thôn Văn Lâm cũng có thể tự tin giao tiếp với khách du lịch nước ngoài.

Đi tìm những “làng quê đáng sống”: Về nơi đẹp đến nỗi du khách "Tây" cũng muốn đến ở, vui chơi (Bài 4)- Ảnh 4.

Trung bình mỗi ngày xã Ninh Hải đón khoảng 1.000 du khách tới lưu trú tại địa bàn, chủ yếu là khách nước ngoài. Ảnh: Nguyễn Chương

Chỉ vào chiếc smartphone đang cầm trên tay, nông dân Phạm Xuân Sánh, sinh năm 1965, chủ homestay "Moutain Lake" cười nói: "Chúng tôi giao tiếp hoàn toàn bằng cái này! Chúng tôi được nhà nước và chính quyền địa phương tạo điều kiện cho đi học các khoá đào tạo ngắn về du lịch để giao tiếp và phục vụ khách du lịch nước ngoài. Về giao tiếp thì vì tôi đã già, nên có thể không bằng lớp trẻ 19, 20 tuổi, còn về kĩ năng phục vụ khách du lịch thì tôi tự tin là mình làm rất tốt".

Ông Sánh cho biết: "Trước kia, cả nhà tôi đều làm ruộng, nhưng ở đây chỉ cấy được 1 vụ, còn lại phải bỏ không vì ruộng ngập lũ. Sau đó, chúng tôi chuyển sang làm nghề thêu ren, nhưng trừ hết các chi phí thì cũng chả đủ trang trải sinh hoạt và nuôi các con ăn học". 

Đi tìm những “làng quê đáng sống”: Về nơi đẹp đến nỗi du khách "Tây" cũng muốn đến ở, vui chơi (Bài 4)- Ảnh 5.

Nông dân Phạm Xuân Sánh, sinh năm 1965, chủ homestay "Moutain Lake" cho biết, mỗi tháng gia đình ông thu về 40 triệu đồng từ kinh doanh homestay. Ảnh: Minh Huệ

Bài học ở Ninh Hải, đó là không đợi để được "cầm tay chỉ việc", cũng không trông chờ, ỷ lại vào ngân sách Nhà nước, ở nhiều làng quê người dân đã tự "chuyển mình" nhanh nhạy để bắt kịp với cơn lốc phát triển của thời đại mới. Họ tự trau dồi kiến thức, tự trao đổi kinh nghiệm và hướng dẫn nhau cách làm giàu hiệu quả.

Còn đối với chính quyền địa phương, họ cũng "nương" theo nhu cầu của người dân để đưa ra những quyết sách phát triển phù hợp nhất. Cứ như thế, mọi thứ bắt đầu từ chính sự thay đổi trong nhận thức của cả chính quyền và nhân dân. Những làng quê đáng sống theo đó cũng dần hiện hữu, hình thành...

Cơ hội bắt đầu đến với gia đình ông Sánh và thôn Văn Lâm là vào khoảng những năm 1985, 1986, khi xã Ninh Hải bắt đầu có nhiều khách du lịch ghé thăm, thuê thuyền tham quan tuyến Tam Cốc - Bích Động. Ông Sánh bỏ nghề thêu ren, chuyển sang đi chèo đò. Sau mấy năm chèo đò cũng vất vả, nhận thấy gia đình có điều kiện về đất đai, vợ chồng ông quyết định vay tiền ngân hàng để sửa sang nhà cửa, làm homestay cùng với mọi người trong thôn.

"Với diện tích 500m2, tôi đang có 10 phòng cho thuê. Mùa cao điểm thì luôn cháy phòng, mùa thấp điểm thì cũng đạt 5-7 phòng. Khách du lịch không chỉ có ở trong nước mà còn từ hàng trăm nước trên thế giới. Trước khi làm homestay, tôi đã có cơ hội tiếp xúc nhiều với du khách quốc tế qua việc chèo đò nên gặp khách nước ngoài, tôi chả e ngại gì. Đặc biệt là bây giờ đã có điện thoại thông minh hỗ trợ, tiếng nước nào chúng tôi cũng dịch được hết" - ông Sánh cười lớn.

Người đàn ông này cho biết, so với những người phải đi lên thành phố làm ăn xa quê, ông cảm thấy sướng hơn rất nhiều. Bởi thứ nhất là được làm chủ, được ở ngay trên mảnh đất quê hương, có bà con lối xóm, cộng đồng xung quanh. Thứ hai, vợ chồng ông vẫn kiếm được tiền, chưa kể được giao lưu tiếp xúc với khách nước ngoài, được biết thêm nhiều điều văn minh hơn. 

Đi tìm những “làng quê đáng sống”: Về nơi đẹp đến nỗi du khách "Tây" cũng muốn đến ở, vui chơi (Bài 4)- Ảnh 6.

Ở Văn Lâm, xã Ninh Hải, những ngôi nhà có bể bơi, trồng nhiều cây xanh, bài trí thành nhiều phòng khang trang như gia đình ông Phạm Xuân Sánh không hiếm. Ảnh: Nguyễn Chương.

"Thực tế, từ khi dịch vụ nhà hàng, homestay phát triển thì không chỉ tôi mà toàn bộ người dân Văn Lâm đều cảm thấy gia đình mình trở nên văn minh hơn, quê hương mình đáng sống hơn. Gần như không còn thấy hình ảnh những người đàn ông sáng tối rượu chè, vợ chồng cãi vã to tiếng, hay những tiếng chửi tục tĩu nữa. Có khi đang cáu giận, nhìn thấy khách ở trong nhà mình thì tự khắc phải kìm nén lại. Đặc biệt trộm cắp hoàn toàn biến mất" - ông Sánh nói.

Hướng về phía góc sân, ông chủ homestay tự hào nói: "Ở đây không nhà nào làm cổng. Chiếc xe máy SH kia tôi để ở ngoài cửa từ sáng đến tối, thậm chí qua đêm thì nó vẫn còn ở nguyên đó. Thi thoảng khách du lịch làm rơi ví, người dân địa phương nhặt được đều tìm cách trả lại. An ninh trật tự được đảm bảo nên du khách đến đây đều bày tỏ niềm yêu thích và mong muốn có cơ hội sẽ quay lại. Họ đánh giá mình rất cao".

Đi tìm những “làng quê đáng sống”: Về nơi đẹp đến nỗi du khách "Tây" cũng muốn đến ở, vui chơi (Bài 4)- Ảnh 7.

Các homestay ở thôn Văn Lâm được thiết kế xinh xắn, đầy đủ tiện ích, nhất là gần gũi với thiên nhiên nhờ bà con trồng rất nhiều hoa, cây cảnh quanh nhà. Ảnh: Nguyễn Chương

Nói thêm về công tác an ninh trật tự trên địa bàn, ông Đinh Anh Tới - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Hải tiết lộ: "Đây là một điểm rất đáng tự hào đối với địa phương. Các cuộc khảo sát của lực lượng công an cho thấy, khách du lịch tới đây tham quan rất an toàn. Đây cũng là mục tiêu của UBND tỉnh và Công an tỉnh Ninh Bình nhằm đưa Tam Cốc là điểm đến du lịch văn minh, lịch sự, an toàn và hấp dẫn. Bản thân người dân cũng thấy rằng quê hương mình là nơi đáng sống, còn du khách cũng thấy đây là nơi rất đáng đến và trải nghiệm".

Nông dân làm chủ kinh tế di sản, khiến du khách phải "tiêu nhiều tiền"

Đối với khách du lịch, nhất là du khách nước ngoài, bản sắc văn hóa, nét đặc trưng vùng miền có sức hấp dẫn rất lớn. Khách du lịch các nước rất hứng thú trả tiền để được đi cấy, đi gặt, ra đồng bắt cá, trải nghiệm nghề thêu ren có từ thời nhà Trần ở thôn Văn Lâm hay sinh hoạt cùng người dân địa phương.  

Ngoài việc tạo ra những sản phẩm đẹp, bắt mắt, dễ mang đi xa, hiện nay xã Ninh Hải còn chú trọng đến không gian trưng bày để thu hút khách du lịch đến với làng nghề thêu ren. Khi tham gia vào quá trình sản xuất, du khách còn được tìm hiểu về văn hoá, lịch sử, các di tích nổi tiếng của vùng đất Hoa Lư qua mỗi tác phẩm.

Bà Shevy Levy, du khách đến từ Canada chia sẻ: "Rất lâu rồi tôi mới được nhìn thấy trực tiếp những người thợ làm nên sản phẩm thêu tay. Tôi cũng đã được trải nghiệm thêu một số đường, thật thú vị. Chắc chắn tôi cũng sẽ kể với bạn bè về nơi này để mọi người có thêm một điểm đến khi tới thăm Việt Nam".

Đi tìm những “làng quê đáng sống”: Về nơi đẹp đến nỗi du khách "Tây" cũng muốn đến ở, vui chơi (Bài 4)- Ảnh 8.

Trên địa bàn xã Ninh Hải hiện có khoảng 50-70 hộ gia đình đang làm nghề thêu ren. Những thế hệ trẻ ở đây có thu nhập ngày càng tốt hơn nhờ kết hợp nghề thêu ren truyền thống với làm du lịch cộng đồng. Ảnh: Vũ Thượng

Có thể nói người dân Hoa Lư nhìn thấy cơ hội kiếm tiền ở khắp nơi. Đang thoăn thoắt lấy xe đạp, kiểm tra phanh xe và giao tiếp với những vị khách nước ngoài bằng tiếng Anh lưu loát, anh Đinh Anh Tiến cho biết, anh là nhân viên làm thêm tại quán cà phê và cho thuê xe đạp Tam Cốc Bike Rental (xã Ninh Thắng, huyện Hoa Lư). Cửa hàng có khoảng 20 chiếc xe đạp, với giá thuê 80.000 đồng/ngày.

"Ngoài kinh doanh đồ uống, cửa hàng có thêm dịch vụ cho thuê xe đạp khoảng 4-5 năm nay. Khách thuê xe đạp chủ yếu là người nước ngoài muốn tự đi trải nghiệm, thăm thú các điểm tham quan. Mỗi ngày chúng tôi cho thuê từ 5-10 xe, chủ yếu do du khách tự tìm đến qua ứng dụng Google, hoặc họ nhìn thấy quán có xe dựng phía trước thì đến hỏi thuê" - anh Tiến nói thêm.

Đi tìm những “làng quê đáng sống”: Về nơi đẹp đến nỗi du khách "Tây" cũng muốn đến ở, vui chơi (Bài 4)- Ảnh 9.

Chi Đinh Thị Thanh đang kiểm tra lại xe đạp trước khi cho cặp vợ chồng người Pháp thuê. Ảnh: Hồng Liên

Tại cửa hàng Bike Plus ở gần đó, chị Đinh Thị Thanh (SN 1998, tốt nghiệp trường Cao Đẳng du lịch Hà Nội) cũng đang giao tiếp với một gia đình du khách người Pháp đến thuê xe đạp. Chị Thanh cho biết:  "Khách nước ngoài muốn thuê xe chỉ cần hộ chiếu, còn người Việt Nam thì chỉ cần căn cước công dân. Thậm chí, bây giờ tôi cũng không cần họ để lại giấy tờ hay đặt cọc, mà chỉ cần xin số WhatsApp (ứng dụng nhắn tin và gọi điện thoại miễn phí đa nền tảng) hoặc chụp ảnh lại Passport của khách".

Mỗi ngày, cửa hàng của chị Thanh cho thuê hơn 20 chiếc xe đạp, khách có thể thuê trọn ngày hoặc theo giờ. "Khách du lịch đến với Ninh Bình quanh năm nhưng khách nước ngoài tới nhiều nhất vào khoảng từ tháng 9 đến tháng 1 sang năm, thời điểm đó cửa hàng thường xuyên hết xe đạp cho thuê"- chị Thanh cho hay. Hiện, mỗi tháng chị Thanh được trả 6 triệu tiền lương, đóng bảo hiểm đầy đủ. 

"Ngoài làm tại cửa hàng, tôi còn bán tour du lịch Ninh Bình cho khách. Chồng tôi cũng là người ở xã Ninh Hải, làm nghề lái xe dịch vụ. Sống ở quê nên mức chi tiêu cũng thấp, thu nhập của hai vợ chồng đủ để trang trải cuộc sống gia đình" - chị Thanh nói. 

Đi tìm những “làng quê đáng sống”: Về nơi đẹp đến nỗi du khách "Tây" cũng muốn đến ở, vui chơi (Bài 4)- Ảnh 10.

Thôn Văn Lâm được ví như một Việt Nam thu nhỏ, trở thành làng quê đáng sống. Ảnh: Nguyễn Chương

Trên dưới cùng đồng lòng

Khi Hoa Lư ngày càng nổi tiếng, du khách đến đây ngày càng đông thì cũng đặt ra những thách thức đối với chính quyền địa phương. Ông Đinh Anh Tới - Phó Chủ tịch xã Ninh Hải cho biết, do nhu cầu phát triển homestay tại xã rất cao nên việc vi phạm về xây dựng đất đai trên địa bàn vẫn xảy ra. Bên cạnh đó, lượng khách về đông, đồng nghĩa với việc lượng rác thải ra cũng rất lớn nên địa phương cũng gặp khó khăn trong việc thu gom, xử lý. 

Hoạt động du lịch nông nghiệp vẫn mang tính tự phát, đơn điệu, trùng lặp, bởi bà con nông dân vốn chỉ quen với sản xuất nông nghiệp nên phần lớn sản phẩm mới chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, ăn uống, trải nghiệm ở mức đơn giản mà chưa tận dụng được hết lợi thế để tăng khả năng chi tiêu của khách từ các dịch vụ bổ trợ khác... 

Trước những tiềm năng, lợi thế cũng như thách thức đặt ra, để giúp người nông dân có thể làm chủ kinh tế di sản, được biết thời gian qua Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình đã triển khai thí điểm thành công một số mô hình "Nông nghiệp xanh - Di sản sống"; các đề án xây dựng các mô hình cây, con đặc sản của Ninh Bình như: Nuôi gà Cúc Phương, trồng nếp cau, nuôi cá rô Tổng Trường… hay xây dựng các thương hiệu đặc sản ẩm thực gắn liền với địa phương như: Mắm tép Gia Viễn, cơm cháy thịt dê… 

Nông dân Ninh Bình được hỗ trợ 100 triệu xây homestay

HĐND tỉnh Ninh Bình đã ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023- 2030, đối tượng áp dụng là các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang thực hiện các hoạt động phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Trong đó, hỗ trợ tu bổ, sửa chữa nhà ở mang kiểu dáng kiến trúc truyền thống có tuổi đời từ 50 năm trở lên trong vùng lõi di sản Tràng An là 100 triệu đồng/công trình; Hỗ trợ thành lập đội văn nghệ, CLB nghệ thuật quần chúng có quy mô từ 15 người trở lên có mức 50 triệu đồng; Hỗ trợ 100 triệu đồng/công trình đầu tư xây dựng mới và 50 triệu đồng/công trình nâng cấp, cải tạo đối với loại hình nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay)...

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Hoàng Ngọc Chinh - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình cho biết, để giúp hội viên nông dân trên địa bàn "ly nông mà không phải ly hương", thời gian qua Hội Nông dân tỉnh đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, dạy nghề cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, cụ thể: Hỗ trợ vốn cho nông dân thông qua nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân để phát triển sản xuất. Hỗ trợ hội viên, nông dân tiếp cận, ứng dụng khoa học, công nghệ, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm... 

Vận động nông dân thực hiện hiệu quả chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, tham gia các hình thức tập trung ruộng đất để nâng quy mô sản xuất, phát triển nhanh các mô hình trang trại, HTX, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung; tích cực hỗ trợ nông dân chuyển đổi số. 

Thực hiện có hiệu quả Đề án "Nông dân Ninh Bình nói không với thực phẩm bẩn"; nhân rộng các mô hình "Điểm bán hàng hạn chế túi ni lông và đồ nhựa dùng một lần"; "Điểm dịch vụ du lịch thân thiện với môi trường";... Thành lập các câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh và cấp huyện. 

Đi tìm những “làng quê đáng sống”: Về nơi đẹp đến nỗi du khách "Tây" cũng muốn đến ở, vui chơi (Bài 4) - Ảnh 11.

Ông Đinh Anh Tới - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Hải cho biết, ở đây nhà nhà làm du lịch, người người làm du lịch, toàn xã chỉ còn khoảng 15% số hộ làm nông nghiệp. Ảnh: Nguyễn Chương

"Chúng tôi vận động hội viên, nông dân xây dựng mô hình điểm sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản an toàn và hỗ trợ kết nối với các hãng lữ hành, khách sạn, làng nghề để tiêu thụ sản phẩm. Hướng dẫn hội viên, nông dân xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, đăng ký, bảo hộ thương hiệu hay tham gia sàn thương mại điện tử.

Đặc biệt, Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng Đề án "Nông dân làm chủ phát triển kinh tế di sản tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2024 - 2030" nhằm nâng cao vai trò của nông dân và Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đối với phát triển kinh tế di sản. Khơi dậy tiềm năng, nội lực của hội viên nông dân trong việc bảo tồn, phát triển di sản văn hóa tỉnh Ninh Bình, góp phần đưa tỉnh Ninh Bình thành đô thị thông minh, đô thị di sản thiên niên kỷ" - ông Hoàng Ngọc Chinh nhấn mạnh.

Quan trọng hơn hết, theo ông Đinh Anh Tới, muốn phát triển bền vững thì đầu tiên vẫn phải là thay đổi từ chính người nông dân. "Bản thân người dân đã tự học hỏi, tự thích nghi, để hiệu quả hơn thì cần nghiên cứu tìm tòi, sáng tạo... Do đó chúng tôi rất mong muốn các cấp, các ngành chức năng tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác đào tạo, giúp người dân xã Ninh Hải nói riêng và người dân tỉnh Ninh Bình nói chung thể hiện được tính chuyên nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch nông nghiệp đang là thế mạnh của mình" - ông Tới bày tỏ.

Đi tìm những “làng quê đáng sống”: Về nơi đẹp đến nỗi du khách "Tây" cũng muốn đến ở, vui chơi (Bài 4)- Ảnh 12.

Phong cảnh nên thơ ở bến thuyền khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư.

Thời điểm khi Tràng An chưa được công nhận là di sản thế giới, Ninh Bình chỉ đón trên 1 triệu lượt khách/năm. Năm 2023, toàn tỉnh đã đón trên 6,5 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt trên 6.500 tỷ đồng. Năm 2024, ngành Du lịch Ninh Bình đặt mục tiêu đón 7,5 triệu lượt du khách, doanh thu hơn 8.200 tỷ đồng. Ninh Bình hiện nằm trong nhóm 15 điểm đến hàng đầu, 10 tỉnh có lượng khách đến cao nhất cả nước.

Trong đó, Danh thắng Tràng An là "thỏi nam châm" thu hút doanh nghiệp đầu tư vào kinh doanh du lịch với nguồn vốn lên tới hàng nghìn tỷ đồng tại một số nơi như: Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, Tuyến du lịch Thạch Bích - Thung Nắng, Khu du lịch sinh thái Vườn Chim - Thung Nham, Điểm du lịch động Thiên Hà, Khu du lịch Hang Múa, Khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính...

Hàng chục nghìn người dân Ninh Bình đang tham gia lao động tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn, trong đó nhiều người dân bản địa ở các xã của huyện Hoa Lư, Gia Viễn làm nghề chèo đò chở khách tham quan, mở nhà hàng, khách sạn, homestay, mức thu nhập ổn định từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.

(còn nữa)

Đi tìm những “làng quê đáng sống”: Về nơi đẹp đến nỗi du khách "Tây" cũng muốn đến ở, vui chơi (Bài 4)- Ảnh 13.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem