Quảng Nam: Phát huy thế mạnh kinh tế vườn, Tiên Phước hướng đến đích là huyện nông thôn mới

Trần Hậu - Tuyết Nhung Thứ ba, ngày 30/07/2024 11:48 AM (GMT+7)
Về thăm huyện Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam) dịp này sẽ dễ dàng nhận ra sự đổi thay ở vùng đất này. Đó là những ngôi nhà khang trang, nằm nép mình bên những hàng cau; những con đường nắng bụi, mưa lầy nay được thảm nhựa, bê tông thẳng tắp; đường làng, ngõ xóm xanh – sạch – đẹp... đang tô thắm cho bức tranh xứ Tiên ngày mới.
Bình luận 0

Hướng đến huyện nông thôn mới

Ông Nguyễn Hùng Anh – Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết: "Bắt tay vào xây dựng nông thôn mới năm 2011, bình quân tiêu chí nông thôn mới của huyện đạt 3,02 tiêu chí/xã, hầu hết các xã đều đạt dưới 4 tiêu chí; thu nhập bình quân đầu người đạt 7 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo 22,4%; cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, giao thông kiên cố hóa đạt 12%; tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đạt 76,2%; hầu hết các trường đều thiếu sân chơi cho học sinh, thiếu các phòng chức năng; tỷ lệ tham gia các hình thức bảo hiểm y tế 46,11%....

Quảng Nam: Phát huy thế mạnh kinh tế vườn, Tiên Phước hướng đến đích là huyện nông thôn mới- Ảnh 1.

Huyện Tiên Phước (Quảng Nam) trên đường cán đích huyện nông thôn mới. Ảnh: T.H

Bằng nguồn kinh tế sự nghiệp, ngân sách huyện, nguồn xã hội hóa huy động hỗ trợ của tổ chức, cá nhân và đóng góp của nhân dân, huyện đã đầu tư trên 100 tỷ đồng để thực hiện Đề án phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, phát triển hạ tầng sản xuất, bê tông hóa kênh mương, giao thông nông thôn, công trình thủy lợi nhỏ, thực hiện kế hoạch chuyển đổi cây trồng, trồng rừng gỗ lớn, hạ tầng sản xuất cơ bản được đảm bảo".

Năm 2023, Tiên Phước tiếp tục xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, công trình trọng điểm, nhất là giao thông, thủy lợi, điện, nước sạch, thương mại, trường học, thiết chế văn hóa, thể thao...; kết nối hạ tầng nông thôn với hạ tầng đô thị.

Quảng Nam: Phát huy thế mạnh kinh tế vườn, Tiên Phước hướng đến đích là huyện nông thôn mới- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Hùng Anh – Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước chia sẻ về quá trình xây dựng nông thôn mới của địa phương với PV Dân Việt. Ảnh: T.H.

Nổi bật nhất trong cơ chế điều hành, chỉ đạo của huyện trong xây dựng nông thôn mới đó là cơ chế đầu tư giao thông nông thôn. Ngoài cơ chế tỉnh hỗ trợ đầu tư đường giao thông mặt đường 3,5m, ngân sách huyện bổ sung phần chênh lệch để đầu tư từ 3,5m lên 5,5m hoặc 7,5m.

Đến nay, có 14/14 xã (tỷ lệ 100%) được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới. Dự kiến đến tháng 7/2024, huyện Tiên Phước có 3/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Về thực hiện Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, qua rà soát đến nay huyện đã đạt và xấp xỉ đạt 7/9 tiêu chí, chưa đạt 2 tiêu chí giao thông và môi trường.

Cùng với đó, huyện có 18/77 thôn nông thôn mới kiểu mẫu, dự kiến đến 6/2024 có 24/77 thôn được công nhận đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí mới. Trong đó, làng Lộc Yên (xã Tiên Cảnh) là một trong những điển hình xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu gắn với công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, danh thắng, không gian văn hóa làng, phát triển du lịch sinh thái cộng đồng.

Quảng Nam: Phát huy thế mạnh kinh tế vườn, Tiên Phước hướng đến đích là huyện nông thôn mới- Ảnh 3.

Kinh tế vườn là thế mạnh của huyện Tiên Phước, giúp người dân nâng cao thu nhập. Ảnh: T.H.

"Cuối năm 2023, huyện Tiên Phước đã có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; 14,4% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trên cơ sở những kết quả đạt được, Ban Thường vụ Huyện ủy Tiên Phước đã thống nhất rút ngắn lộ trình xây dựng huyện nông thôn mới. Phấn đấu lập hồ sơ đề nghị công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2024 thay vì năm 2025 như đề án đưa ra trước đó", ông Nguyễn Hùng Anh – Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho hay.

Kinh tế vườn tạo đòn bẩy

Huyện Tiên Phước là vùng trung du có khí hậu tương đối khắc nghiệt, nhiều hạn hán, thiên tai. Phần lớn diện tích là đất nông nghiệp kém màu mỡ và tỷ lệ đất thịt rất thấp. Để cải thiện thu nhập cho người dân, địa phương thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái mang đặc trưng vùng trung du xứ Quảng.

Quảng Nam: Phát huy thế mạnh kinh tế vườn, Tiên Phước hướng đến đích là huyện nông thôn mới- Ảnh 4.

Giai đoạn 2020 - 2023, toàn huyện Tiên Phước, Quảng Nam có 1.285 hộ dân được hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại với tổng kinh phí khoảng 40 tỷ đồng. Ảnh: T.H.

Đồng thời đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất, sản lượng, giảm chi phí, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh, nâng cao hiệu quả sản xuất và nâng cao đời sống nông dân.

Nhiều mô hình trồng cây ăn quả đã trở thành đặc sản nổi tiếng của huyện Tiên Phước, mang lại thu nhập cao cho người dân như: cây tiêu, măng cụt, thanh trà, bòn bon, cam, chuối, sầu riêng....

Quảng Nam: Phát huy thế mạnh kinh tế vườn, Tiên Phước hướng đến đích là huyện nông thôn mới- Ảnh 5.

Chị Phạm Thị Mỵ Nương ở Tiên Phước đã làm nên thương hiệu tinh bột nghệ trắng giúp các mẹ sữa có làn da mịn sau khi sinh. Ảnh: X.T.

Những năm qua, huyện luôn tạo điều kiện để người dân nhân rộng nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, vùng nguyên liệu tại chỗ, phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.

Từ đó bước đầu xây dựng được các nhóm sản phẩm OCOP, cũng như các sản phẩm đặc trưng thế mạnh của địa phương có năng suất, chất lượng tốt như: nhóm sản phẩm thảo dược, trầm hương, trái cây, sản phẩm mì bún.... Bên cạnh đó, Tiên Phước tiếp tục thực hiện các chính sách khuyến khích, kêu gọi thu hút đầu tư, tập trung triển khai dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.

Quảng Nam: Phát huy thế mạnh kinh tế vườn, Tiên Phước hướng đến đích là huyện nông thôn mới- Ảnh 6.

Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" OCOP đã giúp kinh tế nông thôn huyện Tiên Phước phát triển.

Năm 2024, địa phương ước tính giá trị sản xuất ngành nông – lâm nghiệp đạt 862 tỷ đồng, công nghiệp – xây dựng đạt 2.592 tỷ đồng, thương mại – dịch vụ đạt 4.295 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, đa dạng hóa ngành nghề, khai thác lợi thế kinh tế vườn, tạo nên sự khởi sắc của một vùng quê.

Đến nay, bình quân chung thu nhập đầu người trên địa bàn huyện đạt 47,90 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,33%.

"Với quan điểm xây dựng nông thôn mới là quá trình thường xuyên, liên tục, lâu dài, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc, huyện sẽ tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí xã nông thôn mới, huyện nông thôn mới; đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, định hướng đưa du lịch sinh thái trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo tiền đề xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao và huyện nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2026-2030", ông Nguyễn Hùng Anh – Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem