Theo PGS Phu, dẫn đầu dịch bệnh năm 2017 vẫn là dịch sốt xuất huyết với 183.287 ca mắc (154.552 nhập viện), 30 ca tử vong. Số mắc tăng từ đầu tháng 5 đến cuối tháng 8.2017, từ đầu tháng 9 đến nay số mắc giảm sâu và liên tục ở hầu hết các tỉnh, thành phố. Năm 2017, sốt xuất huyết ghi nhận tại 63 tỉnh, thành phố, tuy nhiên số mắc tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam và miền Bắc.
Năm 2017, dịch sốt xuất huyết bùng phát tại Hà Nội khiến nhiều bệnh viện quá tải (Ảnh D.L)
Dù đã được tuyên truyền nhiều để người dân không ăn đồ sống, tiết canh, đảm bảo an toàn lao động khi giết mổ, tuy nhiên, năm 2017 vẫn ghi nhận 169 ca mắc liên cầu lợn, cao hơn năm 2016 tới 65 ca. Đa số các ca bệnh đều có tiền sử ăn tiết canh, đồ sống hoặc giết mổ gia súc không phòng hộ.
Năm 2017 ghi nhận 38.898 ca mắc thủy đậu, tăng 45,9% so với năm 2016. Bệnh tay chân miệng năm 2017 ghi nhận 105.953 ca mắc (48.404 nhập viện), 1 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2016, số nhập viện giảm 0,9%.
Ngoài ra, các dịch bệnh khác đều giảm hoặc tăng nhẹ như sởi chỉ có 431 ca phát ban nghi sởi, 0 tử vong, giảm 29,2% so với năm 2016 (609 ca mắc). Bệnh ho gà tăng nhẹ, ghi nhận 571 mắc, trong đó 353 trường hợp dương tính, 3 tử vong; số mắc tăng so với năm 2016. Trong 353 dương tính với virus ho gà thì có 133 ca (37,7%) dưới 2 tháng chưa đến độ tuổi tiêm chủng, 111 ca (31,4%) không tiêm chủng, 25 ca (7,1%) không rõ tiền sử tiêm chủng, 84 ca (23,8%) trường hợp có tiêm vắc xin. Năm 2017 cũng giảm được 30% các ca tử vong do bệnh dại so với năm 2016 (91 ca).
PGS Phu cho biết, kết quả giám sát cúm, trên người ghi nhận chủ yếu là cúm A(H3N2) (37,2%), A(H1N1) (34,7%), B (28,1%), không ghi nhận cúm A(H7N9), A(H5N1). Tuy nhiên các ổ dịch cúm trên gia cầm vẫn rải rác xảy ra tại một số địa phương.
“Năm 2017 tại Việt Nam không ghi nhận bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và mới nổi xâm nhập vào Việt Nam. Các bệnh lưu hành khác được khống chế, không có diễn biến bất thường. Tuy nhiên, dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan quốc tế. Các bệnh nguy hiểm và mới nổi luôn có nguy cơ cao xâm nhập như Cúm A(H7N9), MERS-CoV, sốt vàng, dịch hạch … và bùng phát nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch” – PGS Phu nhận định.
Theo PGS Phu, trong mùa đông xuân, mùa lễ hội có thời tiết lạnh ẩm, tập trung đông người, gia tăng đi lại, buôn bán, vận chuyển và tiêu thụ gia cầm, tập trung đông người ăn uống làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm hay gặp như: Cúm gia cầm, ho gà, bạch hầu, sởi, rubella, viêm màng não do não mô cầu, tiêu chảy, liên cầu lợn ... Trong khi đó, tỷ lệ tiêm chủng chưa bao phủ được 95% quy mô xã phường, chưa quản lý tốt đối tượng tiêm chủng, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, khu vực có dân di biến động lớn.
Đồng thời, PGS Phu lo ngại, năm 2018, bệnh sốt xuất huyết vẫn có nguy cơ diễn biến phức tạp.
Một số dịch bệnh diễn biến phức tạp và có nguy cơ lây lan quốc tế
Bệnh do vi rút MERS-CoV: Tiếp tục ghi nhận tại Ả rập Xê út, Oman, các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất. Tích lũy từ năm 2013, ghi nhận 2.122 ca dương tính, ít nhất 740 ca tử vong.
Bệnh dịch hạch: Bùng phát tại Madagascar từ tháng 8.2017, ghi nhận 2.348 ca mắc, 202 ca tử vong (8,6%).
Cúm A (H7N9): tháng 10/2017 ghi nhận 3 trường hợp tại Trung Quốc, tích lũy từ năm 2013 đến nay ghi nhận 1.589 ca mắc, 616 ca tử vong. Tổ chức Y tế thế giới WHO cảnh báo virus có biến đổi từ độc lực thấp sang độc lực cao.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.