Dịch Covid-19 căng thẳng, ngành này vẫn thu về gần 13 tỷ USD, xuất siêu 10 tỷ USD
Dịch Covid-19 căng thẳng, ngành này vẫn thu về gần 13 tỷ USD, xuất siêu 10 tỷ USD
Khánh Nguyên
Thứ ba, ngày 01/12/2020 15:19 PM (GMT+7)
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới, năm 2020, ngành chế biến và xuất khẩu gỗ dự kiến vẫn thu về khoảng 12,5 - 13 tỷ USD.
Báo cáo tại Hội nghị giải pháp thúc đẩy sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản năm 2021 và giai đoạn 2021-2025 tổ chức tại TP.Vinh (Nghệ An) sáng 1/12, Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn cho biết, 10 tháng đầu năm 2020 giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 10,46 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ 2019, chiếm trên 30% giá trị xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp. Dự kiến, con số xuất khẩu gỗ cả năm 2020 đạt 12,5 - 13 tỷ USD.
Trong khó khăn do tác động của dịch Covid-19, năm 2020 đã "ló ra nhiều cái khôn" của các doanh nghiệp, doanh nhân, chủ rừng và nhà quản lý trong toàn ngành, đã sáng tạo liên tục nghiên cứu thay đổi nhiều phương thức và hình thức tiếp thị, bán hàng để duy trì bạn hàng và mở rộng thị trường.
Trong bối cảnh hoạt động sản xuất của nhiều ngành kinh tế sụt giảm, nhưng ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu vẫn duy trì được tăng trưởng cao.
Thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc tiếp tục là những thị trường quan trọng của gỗ, lâm sản Việt Nam, ước giá trị xuất khẩu vào 5 thị trường này đạt trên 11 tỷ USD, chiếm khoảng 90% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó Hoa Kỳ đạt trên 6,0 tỷ USD, tăng trên 30% so với cùng kỳ năm trước.
Ngành chế biến, xuất khẩu gỗ trong thời gian qua cũng chứng kiến sự lớn mạnh của các doanh nghiệp, trong 10 tháng đầu năm 2020, đã thành lập mới 1.730 doanh nghiệp, mức vốn đầu tư bình quân 4 triệu USD/doanh nghiệp, trong đó có 33 doanh nghiệp FDI.
Điều đáng ghi nhận là, chất lượng rừng trồng được cải thiện, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích rừng trồng sản xuất.
Đến nay cả nước đã có hơn 600.000ha rừng gỗ lớn (126.175 ha rừng trồng chuyển hóa từ gỗ nhỏ sang gỗ lớn; trồng mới 489.017 ha rừng gỗ lớn) và trên 200,000 ha rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản còn những tồn tại, hạn chế cần được quan tâm, khắc phục để đảm bảo phát triển bền vững.
Các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu phân bố không đều trên cả nước, mà chỉ tập trung vào một số tỉnh vùng Nam Trung bộ, trong khi vùng nguyên liệu lại chủ yếu ở khu vực miền núi phía Bắc và duyên hải miền Trung, điều đó đã làm tăng chi phí vận chuyển và làm tăng giá thành sản phẩm.
Nguồn lao động thiếu, đặc biệt là lao động lành nghề, có trình độ mới chỉ chiếm hơn 40%, còn lại là lao động phổ thông, trình độ chuyên môn thấp. Nguồn nhân lực, lao động chuyên ngành chế biến gỗ từ các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng, không đủ đáp ứng được yêu cầu của sản xuất.
Chất lượng nguyên liệu gỗ từ rừng trồng trong nước vẫn thấp, khai thác ở tuổi rừng non cho nguyên liệu giấy, dăm gỗ và viên nén. Nên chúng ta vẫn phải nhập khẩu trên 10 triệu m3 gỗ nguyên liệu để chế biến sản phẩm xuát khẩu dẫn đến chi phí sản xuất tăng, giảm sức cạnh tranh.
Chủ nghĩa bảo hộ của các quốc gia có xu hướng tăng, nhiều vụ kiện chống bán phá giá, trợ cấp sản phẩm giữa các doanh nghiệp chế biến gỗ; cuộc chiến thương mại giữa nhiều quốc gia tiếp tục có diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng đến kinh tế thế giới.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, ngành chế biến và xuất khẩu gỗ đang đứng trước nhiều cơ hội lớn khi thị trường thương mại đồ nội thất của thế giới khá lớn, khoảng 450 tỷ USD giá trị thương mại/năm, trong đó khoảng 150 tỷ USD giá trị thương mại của đồ nội thất bằng gỗ. Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam mới chiếm khoảng trên 6% thị phần toàn cầu nên các doanh nghiệp có cơ hội mở rộng, phát triển thị phần.
Việt Nam có nhiều mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh như: viên nén, dăm gỗ, gỗ dán, gỗ ghép, đồ mộc xây dựng, ghế ngồi, các đồ nội thất và bộ phận đồ nội thất… Đặc biệt, với nhóm đồ nội thất có giá trị xuất khẩu lớn nhất trong các nhóm hàng xuất khẩu gỗ và lâm sản sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định trong thời gian tới.
Việt Nam đã phê chuẩn và đang triển khai theo lộ trình của các hiệp định thương mại tự do, giúp thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng của các nước tham gia hiệp định được cắt giảm hoặc xóa bỏ, tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Đây là những cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp gỗ Việt vươn ra thị trường thế giới.
Vì vậy, mục tiêu của ngành trong giai đoạn tới là phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản trở thành ngành mũi nhọn trong sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam; phấn đấu để Việt Nam trở thành một trong những nước đứng hàng đầu về sản xuất, chế biến và xuất khẩu gỗ, lâm sản có thương hiệu uy tín trên thị trường quốc tế.
Để đạt được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 20 tỷ USD vào năm 2025, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ngành lâm nghiệp sẽ tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý; đảm bảo thực thi pháp luật hiệu quả.
Tiếp tục rà soát, sửa đổi bổ sung và ban hành những quy định của Nhà nước để hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của ngành như phát triển vùng nguyên liệu gỗ lớn, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững, công nghiệp sản xuất nguyên liệu phụ trợ; thương hiệu sản phẩm gỗ và lâm sản; xây dựng và nâng cấp hệ thống hạ tầng lâm sinh; mở rộng quy mô sản xuất, chế biến gỗ là lâm sản;
Tiếp tục nâng cao công tác kiểm tra, giám sát nguồn gỗ nguyên nhập khẩu; ưu tiên nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ các quốc gia có giao thương gỗ và lâm sản lớn, có nền quản trị rừng tiên tiến, thuận lợi trong quản lý, truy xuất nguồn gốc hợp pháp.
Đảm bảo nguồn nguyên liệu hợp pháp, có chất lượng cho ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu
Tiếp tục tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân, doanh nghiệp sử dụng các loại giống cây trồng có chất lượng tốt, có năng suất cao, kết hợp sản xuất gỗ nhỏ và gỗ lớn để đáp ứng cho sản xuất sản phẩm xuất khẩu.
Đẩy nhanh tốc độ thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, chú trọng phát triển thương hiệu chứng chỉ rừng quốc gia; phấn đấu đến năm 2025 có 1 triệu hecta rừng trồng sản xuất tập trung được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững và đến 2030, toàn bộ diện tích rừng trồng sản xuất có chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
Tin cùng sự kiện: Ca nhiễm Covid-19 mới tại TP.HCM
Vui lòng nhập nội dung bình luận.