Theo thống kê mới nhất của Bộ NN&PTNT, tính đến ngày 2/6, đã có 49 tỉnh thành có dịch với khoảng 2 triệu con heo bị chết, phải tiêu hủy; chiếm 6,5% tổng đàn heo của cả nước. Dự báo bệnh dịch có thể sẽ lây lan ra toàn bộ 63 tỉnh thành ở Việt Nam trong thời gian tới nếu công tác chống dịch vẫn ở thế bị động như hiện nay.
Ngành chăn nuôi heo của Việt Nam đang đối diện với tình thế hết sức nguy hiểm do DTHCP. (Ảnh: IT)
Nguy cơ lớn với 90% đàn heo sạch
Mới đây, phát biểu trước Quốc hội (tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV) về tình hình dịch tả lợn đang diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, rất lấy làm tiếc là bệnh dịch đã lan ra 48 tỉnh, hơn 300 huyện, hơn 3.000 xã, phải tiêu hủy 2 triệu con, 117.000 tấn, chiếm 6,5% tổng đàn lợn của cả nước. Đây là thiệt hại vô cùng lớn…
Cũng theo ông Cường, với tình hình thời tiết diễn ra vô cùng phức tạp như năm nay, với điều kiện chăn nuôi nhỏ lẻ, nếu không có biện pháp tích cực, bệnh sẽ tiếp tục lan tỏa ra các vùng còn lại, quay trở lại những nơi từng có ổ dịch.
Đặc biệt, điều mà “tư lệnh ngành nông nghiệp” lo lắng nhất là nếu không làm tốt công tác phòng ngừa, khoanh dịch, bệnh sẽ lan vào những đàn lợn lớn thì cực kỳ nguy hiểm (chiếm khoảng 90% đàn heo sạch của cả nước hiện nay).
Tuy nhiên, chỉ 2 ngày sau đó, dịch tả heo châu Phi đã tiếp tục lan tới tỉnh Bạc Liêu, nâng tổng số tỉnh thành có dịch lên tới con số 49 tỉnh.
Trước diễn biến ngày càng khó lường và nguy hiểm của dịch, trên thị trường chứng khoán, tình hình giao dịch tại các mã cổ phiếu của các doanh nghiệp chăn nuôi heo trên sàn cũng khá yếu, phần nào đã phản ánh sự ảnh hưởng của dịch bệnh lên các doanh nghiệp ngành này.
Chẳng hạn, với “ông lớn” DBC (Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam), mặc dù tình hình dịch tả heo châu Phi đã hoành hành nhiều tháng nay nhưng kết quả kinh doanh quý 1/2019 của công ty này không bị ảnh hưởng nhiều. Cụ thể, mặc dù trong quý 1/2019 ngành chăn nuôi lợn Việt Nam bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, dẫn đến sản lượng sản xuất và tiêu thụ thức ăn chăn nuôi bị giảm kéo LNST bị giảm 2,4 tỷ đồng, tuy nhiên kết quả SXKD của các công ty hoạt động chăn nuôi trong tập đoàn đều tốt hơn cùng kỳ nên lợi nhuận của hoạt động này lại tăng hơn 12 tỷ đồng so với quý 1/2018, đạt hơn 20 tỷ đồng.
Dù vậy, giá cổ phiếu DBC từ đầu tháng 4 tới nay cũng giảm mạnh, từ mức 24.300 đồng/CP (ngày 1/4/2019) về vùng giá 20.000 đồng/CP ở thời điểm hiện tại.
Trong khi đó, một loạt cổ phiếu của các “ông lớn” ngành chăn nuôi và chế biến thịt heo khác lại rơi vào tình trạng “tê liệt” thanh khoản.
Chẳng hạn, VSN của Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) từ đầu năm 2019 đến nay liên tục “tê liệt” thanh khoản khi không có cổ phiếu nào được giao dịch, phiên giao dịch cao nhất chỉ đạt 3.100 cổ phiếu; giá cổ phiếu VSN cũng giảm mạnh từ mức giá 43.900 đồng/CP thời điểm đầu năm về mức giá 38.700 - 39.000 đồng/CP ở thời điểm hiện tại.
Tương tự, PSL của Công ty CP Chăn nuôi Phú Sơn cũng hay xảy ra tình trạng “cháy” thanh khoản từ đầu năm 2019 đến nay, phiên giao dịch cao nhất chỉ đạt 3.600 cổ phiếu. Trong khi đó, MLS của Công ty CP Chăn nuôi - Mitraco không hề xảy ra giao dịch nào từ đầu năm 2019 đến nay.
Một “ông lớn” ngành chăn nuôi khác là mã cổ phiếu VLC của Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam cũng có thanh khoản rất thấp, chỉ vài trăm cổ phiếu được giao dịch mỗi phiên. Từ đầu năm 2019 đến nay, phiên giao dịch cao nhất đạt 26.700 cổ phiếu, còn lại các phiên “trắng” giao dịch cũng chiếm khá nhiều.
Doanh nghiệp ứng phó ra sao?
Trước tình hình dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp ngành chăn nuôi và chế biến thịt heo đều có những phản ứng khác nhau.
Tại Tập đoàn MaSan, hồi cuối năm 2018, công ty con của MaSan là Masan Nuitri-Science (MNS) đã chính thức đưa thêm nhà máy chế biến thịt lợn theo tiêu chuẩn quốc tế tại Hà Nam vào hoạt động. Tổ hợp này có tổng số vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng với công suất khoảng 1,4 triệu con heo/năm, tương đương 140.000 tấn thịt heo/năm. Theo đó, với việc tung ra sản phẩm thịt heo sạch MeatDeli và mục tiêu đến cuối năm 2019 sẽ chiếm 5-10% thị phần tại Hà Nội. MNS cũng lên mục tiêu trở thành công ty dẫn đầu thị trường thị heo trị giá 10,2 tỷ USD trong dài hạn.
Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, doanh nghiệp này quyết định ngừng cung cấp thịt heo từ ngày 12/4 do dịch tả heo châu Phi tràn về tỉnh Hà Nam, và sẽ hoạt động cung ứng thịt heo trở lại từ đầu tháng 6 này (ngày 2/6).
Trong khi đó, một loạt công ty khác tính đến phương án thu mua, cấp đông thịt heo sạch để chống thiều nguồn cung do ảnh hưởng của dịch bệnh có thể kéo dài. Tuy nhiên, theo đại diện nhiều doanh nghiệp thì việc cấp đông thịt heo trong thời gian dài, với khối lượng lớn, sẽ gặp khó khăn với nguồn lực, cơ sở hạ tầng cũng như là tài chính. Đặc biệt, nhiều cơ sở giết mổ không đảm bảo điều kiện cơ cở vật chất để thực hiện cấp đông.
Về vấn đề này, “ông lớn” ngành chế biến như Vissan cũng lo lắng không kém. Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Vissan băn khoăn, nếu có chủ trương cấp đông thịt heo, sau này thịt cấp đông được bán như thế nào, giải phóng hàng tồn kho ra sao mới quan trọng.
“Việc cấp đông thịt heo nếu không có các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của ngân hàng như cho vay lãi suất 0%, hỗ trợ tiền điện, giãn tiến độ trả vốn, các doanh nghiệp như Vissan cũng không dám tham gia bởi rủi ro rất lớn. Hơn nữa, giả sử nếu không giải phóng được hàng tồn kho hoặc hàng tồn kho quá lâu sẽ rất phức tạp”, ông An chia sẻ.
Theo số liệu của Cục Chế biến và Phát triển Thị trường nông sản, hiện cả nước có khoảng 14 doanh nghiệp có kho lạnh và năng lực cấp đông. Tuy nhiên, 5/14 doanh nghiệp đó chuyên xuất khẩu lợn sữa (heo sữa) đã từ chối vì chỉ đủ phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp, 9 doanh nghiệp còn lại tổng công suất kho cấp đông khoảng 6.000 tấn thịt lợn, hiện đang cấp đông 1.200 tấn, như vậy kho chỉ còn trống khoảng 4.800 tấn, con số quá nhỏ so với tổng sản lượng thịt lợn hiện nay…
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.