Dịch tả lợn lan rộng ở Đông Nam Bộ: Nông dân khó tăng đàn

Thứ tư, ngày 04/06/2014 09:53 AM (GMT+7)
Bệnh tiêu chảy cấp trên lợn con đang lan rộng, gây thiệt hại nặng nề cho nhiều hộ chăn nuôi vùng Đông Nam Bộ, tỷ lệ lợn mắc bệnh bị chết, phải tiêu hủy rất cao, từ 90 -100%.
Bình luận 0
Nhà nông không kịp trở tay

Vào thời điểm giá lợn hơi bán ra đang ngày một tăng, diễn biến có lợi cho người chăn nuôi thì bà Tô Thị Hà (ngụ xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, Đồng Nai) đau đầu vì đàn lợn con liên tục mắc bệnh tiêu chảy cấp. Ban đầu chỉ 1-2 lứa có triệu chứng bệnh, rồi lan nhanh ra nhiều nái đẻ khác trong trại.

Bà Hà cho biết, diễn biến dịch bệnh tiêu chảy cấp ở lợn con diễn ra rất nhanh, dễ lan rộng. Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, hơn 10 con lợn nái đẻ mắc bệnh, gần 140 lợn con phải tiêu hủy. “Phần lớn lợn mẹ có đàn con bị tiêu chảy là lợn tơ, mới đẻ lứa 1 hoặc lứa thứ 2. Lợn con mắc bệnh chết ngay trong 1 – 2 ngày nên người nuôi trở tay không kịp” - bà Hà cho biết.

Mổ bệnh phẩm heo con chết để kiểm tra bệnh tiêu chảy cấp tại một trại chăn nuôi  ở xã Gia Kiệm (Thống Nhất, Đồng Nai).
Mổ bệnh phẩm heo con chết để kiểm tra bệnh tiêu chảy cấp tại một trại chăn nuôi ở xã Gia Kiệm (Thống Nhất, Đồng Nai).

Cùng cảnh ngộ, hộ ông Trần Quang Ngạn (ngụ xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) có hơn 100 nái đẻ thì cũng tiếc đứt ruột vì hơn 10 đàn lợn con mới đẻ bị bệnh tiêu chảy cấp. Để bù vào lượng hơn 100 lợn con thiếu hụt trên, ông Ngạn phải chi ra hơn 70 triệu đồng để mua giống từ các trại khác.

Thời điểm đó, mỗi con lợn con trọng lượng từ 7 – 8kg có giá 700.000 – 800.000 đồng. “Đó là chưa kể người nuôi coi như mất trắng khoản tiền cho lợn nái ăn trong 4 tháng mang thai, khoảng 3 triệu đồng/con. Rồi khi đàn lợn mắc bệnh, tiền thuốc men tăng, khả năng sinh sản của nái mẹ lứa tiếp theo thì giảm sút” - ông Ngạn cho biết.

Theo Cục Thú y, để phòng chống dịch tả lợn, người chăn nuôi cần làm chuồng trại cao ráo, chắc chắn, tránh nắng, tránh gió lùa, đảm bảo ấm về mùa đông và thoáng mát về mùa hè. Nền chuồng, tường chuồng phải phẳng để dễ quét dọn, cọ rửa, không đọng nước; trước cửa chuồng có hố sát trùng. Hạn chế người ngoài vào khu vực chăn nuôi. Hàng ngày phải quét dọn chuồng nuôi, thu gom phân, rác để ủ, đốt hoặc chôn. Định kỳ tiêu độc, khử trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi bằng vôi bột hoặc các loại hóa chất sát trùng như Benkocid, Han-iodine, Virkon... khi không có dịch thực hiện 1 lần/tuần, khi có dịch 2 lần/tuần.

Ông Nguyễn Kim Đoán – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cũng cho biết, thời gian gần đây, bệnh tiêu chảy cấp ở lợn con gây thiệt hại khá nặng tại các vùng chăn nuôi trọng điểm của tỉnh.

Tỷ lệ hao hụt đàn lợn con vì bệnh tiêu chảy cấp ít nhất 20%. Do đó, dù giá lợn bán ra ngoài thị trường hiện nay khá tốt nhưng việc tái đầu tư, tăng đàn của bà con trong vùng gặp nhiều khó khăn.

PGS - TS Nguyễn Tất Toàn – Trưởng khoa Thú y, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM cho biết, bệnh tiêu chảy cấp gây ra bởi loại virus có tên là Corona. Do đó, bệnh không thể chữa bằng kháng sinh, cũng chưa có thuốc đặc trị hiệu quả mà chỉ có thể phòng bằng vaccine hoặc một số phương pháp dân gian.

Ông Toàn cho rằng, bệnh thường gây ra do các vi sinh vật mang virus vào trại, do công tác chăm sóc, nuôi dưỡng không tốt, chủ trại thay đổi loại TACN một cách đột ngột… Theo đó, virus gây bệnh thường tồn tại trong phân tươi của lợn, trong thức ăn và nguồn nước uống.

Ông Toàn khuyến cáo, khi trại có lợn mắc tiêu chảy cấp, cần cho nái mang thai ăn ruột non lợn con bệnh, tốt nhất là ruột lợn con bệnh từ 1- 7 ngày tuổi để tạo Auto-Vaccine, giúp lợn con đề kháng với bệnh tốt hơn. “Tuy nhiên, cái khó nhất trong trị bệnh khi đàn lợn con mắc tiêu chảy cấp là phải cách ly trại một thời gian dài, ít nhất 4 tháng, để dứt mầm bệnh” - TS Toàn nói thêm.
Thuận Hải (Thuận Hải)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem