Dịch vụ cấp nước sôi có làm tăng nguy cơ lây nhiễm Covid-19?

Nguyễn Đức Thứ tư, ngày 01/04/2020 17:30 PM (GMT+7)
Nhiều người từng chăm sóc bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho rằng, dịch vụ cung cấp nước sôi không thực sự tiện lợi, nhiều bất cập. Sau vụ việc nhân viên Công ty Trường Sinh nhiễm Covid-19, bệnh viện này đã dừng dịch vụ cung cấp, đổi nước sôi.
Bình luận 0

Theo thông tin từ Bộ Y tế, đến sáng 1/4 đã có 23 người nhiễm Covid-19 là nhân viên Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Trường Sinh, đơn vị cung cấp dịch vụ cấp suất ăn, cấp phát nước sôi cho Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

Điều đáng nói, Bệnh viện Bạch Mai là một trong những bệnh viện lớn hàng đầu ở Thủ đô nhưng tại đây vẫn duy trì dịch vụ cung cấp nước sôi thủ công. Hàng ngày, dịch vụ này được giao cho Công ty TNHH Trường Sinh thực hiện cấp cho các bệnh nhân.

Dịch vụ cấp phát nước sôi cho bệnh gây bất tiện

Trên thực tế, nhiều người chăm sóc cho bệnh nhân điều trị tại bệnh viện Bạch Mai cho rằng, dịch vụ này không thực sự tiện lợi, nhiều bất cập và nên sớm thay thế. 

Chị Nguyễn Liên ở quận (Hoàng Mai Hà Nội), người từng vào viện Bạch Mai chăm sóc người thân cho biết, hàng ngày, các bệnh nhân có nhu cầu dùng nước sôi ở Bệnh Bạch Mai đều phải đăng ký trước. Mức cược chiếc phích đựng nước là 100.000 đồng/phích, mỗi lần thay nước mất 5.000 đồng. Khi nào người bệnh ra viện trả phích được trả lại tiền cược.

Dịch vụ cấp nước sôi tại Bạch Mai có làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh? - Ảnh 1.

Đơn vị cung cấp dịch vụ cấp suất ăn, cấp phát nước sôi cho Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Trường Sinh.

"Nhu cầu dùng nước sôi ở bệnh viện rất nhiều như việc pha nước ấm, pha sữa, pha vào nước ấm để rửa mặt…tuy nhiên, mỗi lần muốn dùng nước sôi tại đây lại phải đăng ký rất mất thời gian. 

Tôi cho rằng các bệnh viện cần phải thay đổi, nghiên cứu lắp đặt hệ thống máy nước lọc nước có vòi nước nóng tại các khoa, phòng để bệnh nhân chủ động dùng, sẽ tiện hơn. Kể cả trường hợp phải trả phí để dùng nước sôi tôi cũng vui vẻ", chị Liên nói.

Anh Quang Hưng ở quận Bắc Từ Liêm cũng cho rằng, việc để nhân viên đi đổi nước sôi cũng là rất lãng phí, trong khi kinh phí đầu tư máy nước nóng không phải quá khó với bệnh viện lớn như Bạch Mai. Bệnh viện cũng có thể xin cơ chế riêng hoặc huy động nguồn vốn xã hội hoá.

Hiện nay, rất nhiều bệnh viện lớn đều được trang bị máy nước nóng lạnh để bệnh nhân có thể sử dụng miễn phí như Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện phụ sản Trung ương…

Bệnh viện "nhếch nhác" sẽ là cơ hội cho dịch bệnh bùng phát

PGS.TS. Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường Y tế (Bộ Y tế) cho hay, tại nhiều bệnh viện ở TP.Hà Nội họ đã sử dụng hệ thống bình nước nóng lạnh tự động. Bệnh nhân và người nhà bệnh nhân có thể lấy dùng miễn phí.

"Do vậy, việc cung cấp phát nước sôi hiện nay đã lỗi thời, không phù hợp. Việc đi đưa nước sôi cũng không an toàn, nếu như để đổ nước sôi ra sẽ gây bỏng cho người đưa nước. Thêm nữa, người đi đưa nước không đảm bảo việc chống nhiễm khuẩn thì cũng có thể gây lây bệnh, nhất là trong thời điểm như hiện nay", PGS.TS Nguyễn Huy Nga nói.

Dịch vụ cấp nước sôi tại Bạch Mai có làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh? - Ảnh 2.

Khu vực cách ly, điều trị cho những bệnh nhân nhiễm Covid-19.

Theo vị này, về nguyên tắc kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện không bao giờ cho phép tồn tại hai việc, một là dịch vụ cấp phát nước sôi, hai là việc để cho người nhà vào chăm sóc, nằm cùng bệnh nhân. Nếu để xảy ra, sẽ là vi phạm nguyên tắc đảm bảo phòng, chống lây nhiễm trong bệnh viện.

"Trên thế giới, nhất là ở các quốc gia phát triển, họ không để tồn tại hai vấn đề tôi nêu ở trên, nhưng ở Việt Nam hiện nay, số lượng biên chế điều dưỡng phục vụ chưa nhiều, do vậy, nếu người nhà không vào chăm sóc thì không có ai chăm sóc. Chúng ta không có đủ điều dưỡng để chăm sóc người bệnh như ở nước ngoài được", PGS.TS Nguyễn Huy Nga nói thêm.

Tại bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội hiện nay cũng đã trang bị thết bị nước lọc có vòi nóng, lạnh để cho bệnh nhân sử dụng. Bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội cho biết thêm, phần lớn các bệnh viện hiện nay đều đã trang bị thiết bị lọc nước có vòi nóng, lạnh.

"Vấn đề cấp phát nước sôi cũng là một vấn đề cần cân nhắc bởi với việc mỗi bình nước sôi bán giá 5 nghìn đồng, tính ra số tiền trên một ngày cũng không quá lớn. Nhưng nhìn vào đó lại thấy sự nhếch nhác và sự nhếch nhác này là cơ hội để dịch bệnh lây truyền bùng phát", bác sĩ Phúc nói.

Bác sĩ Phúc cho rằng, việc cung cấp nước sôi ở bệnh viện phải đảm bảo việc chống nhiễm khuẩn không chỉ đối với người bệnh mà ngay cả đối với người đi cấp phát nước sôi. 

Chính vì vậy, trong công tác chống nhiễm khuẩn, các bác sĩ luôn nhắc nhở không cho người nhà vào bệnh viện bởi vì khi họ vào mật độ người tăng lên, dịch bệnh cũng rất dễ lây chéo cho nhau. Việc cấp phát nước sôi cũng vậy, cũng có nguy cơ lây lan dịch bệnh nếu như không đảm bảo việc chống nhiễm khuẩn.

Được biết, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn cho biết bệnh viện đã quyết định bỏ dịch vụ cung cấp, đổi nước sôi và lắp đặt 100 máy lọc kết hợp đun nước sôi tự động. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem