Cuộc đối đầu giữa Đảng Baath cầm quyền tại Syria và phe đối lập trong năm 2011 kéo dài cùng nhiều vấn đề nhùng nhằng nảy sinh khiến không bên nào có lý do thực sự để lạc quan. Khác với các cuộc biểu tình tại Tuynidi và Ai Cập, phong trào phản đối hầu như ít thành công tại thủ đô Damas và thành phố lớn thứ hai của Syria là Aleppo.
Tuy nhiên, mức độ bạo lực ác liệt tại một phần thủ đô Damas đánh dấu mức độ thách thức mới đối với chế độ. Các diễn biến bạo lực hiện đã lan tới Damas, báo điềm xấu cho sự tồn tại của Tổng thống Bashar al-Assad.
|
Thanh niên Mỹ cầm cờ in hình Tổng thống Syria Assad trước trụ sở LHQ để bày tỏ sự ủng hộ đối với ông. |
Trước đó, vợ Tổng thống Syria Bashar Assadđã bị lực lượng nổi dậy ngăn chặn khi tìm cách rời khỏi đất nước với sự hỗ trợ của các lực lượng an ninh nước này. Lực lượng nổi dậy thông báo họ đã chặn được phu nhân Asma Assad, người sinh ra và lớn lên ở Anh, từng học tại ĐH King's College (London) khi bà cùng các con, mẹ của ông Assad và người họ hàng đang trên đoàn xe đặc biệt tới sân bay ở Damas. Đoàn xe này đã buộc phải quay trở lại cung điện Tổng thống khi súng bắn dữ dội.
Bạo lực gia tăng khi các hoạt động chính trị khu vực và quốc tế có liên quan đến cuộc khủng hoảng Syria đang tiến đến một giai đoạn nóng hơn. Nhiệm vụ quan sát viên của Liên đoàn Arập (AL) đã bị hủy bỏ. Hai quan chức cao cấp của AL đang báo cáo tình hình với Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Ban ki Moon và AL có thể yêu cầu Hội đồng Bảo an LHQ can thiệp như đã làm tại Libya.
Cho đến nay, Nga và Trung Quốc luôn can thiệp để ủng hộ Damas tại LHQ. Nga không muốn từ bỏ vấn đề Syria có thể do cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Thủ tướng Vladimir Putin muốn được xem là một người mạnh mẽ chống lại phương Tây. Việc Nga có kế hoạch gặp các đại diện đối lập Syria báo hiệu sự tồn tại của Tổng thống Assad có lẽ chỉ còn tính từng ngày.
Nga đã bày tỏ sự thất vọng đối với quyết định của AL và mong muốn ngăn chặn sự can thiệp của LHQ tại Syria. Hiện Nga có một căn cứ hải quân tại Syria trên bờ Địa Trung Hải và từ trước tới giờ vẫn coi Syria là một đối tác thương mại vũ khí (từ thời Xô Viết).
HĐBA đang nỗ lực dự thảo một văn bản được tất cả các bên chấp thuận, giúp tìm ra giải pháp chính trị cho tình hình ở Syria. HĐBA có thể trở nên mạnh tay hơn trong việc tìm kiếm một giải pháp quốc tế cho cuộc khủng hoảng khiến Tổng thống Assad hoảng sợ, bởi kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất là cộng đồng quốc tế có thể gây sức ép đòi ông Assad phải từ chức và Syria sẽ chuyển sang một trật tự mới.
Quang Minh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.