Điện Biên: Nhân rộng mô hình tổ giám sát cộng đồng trong phòng chống dịch Covid-19
Điện Biên: Nhân rộng mô hình tổ giám sát cộng đồng trong phòng chống dịch Covid-19
Vinh Duy
Thứ ba, ngày 11/05/2021 20:57 PM (GMT+7)
Trước mỗi thông tin cảnh báo nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát hay khi tiếp nhận chỉ đạo truy vết F1, F2, hàng trăm con người lại tức tốc lên đường, không quản ngày hay đêm, mưa giông hay giá rét. Họ là thành viên tổ giám sát phòng chống dịch Covid-19 các thôn, bản thuộc hai huyện: Mường Ảng và Nậm Pồ của tỉnh Điện Biên.
Không chế độ, không một đồng công, thưởng nhưng vì trách nhiệm, vì sự an toàn cho bà con dân bản, cộng đồng nên rất nhiều ngày qua, hàng trăm con người ở những tổ giám sát cộng đồng đã âm thầm "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để nắm số lượng người đi, về.
"Hoạt động hiệu quả và trách nhiệm"
Đó là ý kiến của lãnh đạo hai huyện Mường Ảng, Nậm Pồ khi trao đổi kinh nghiệm phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương. Tại buổi họp trực tuyến phòng, chống dịch do UBND tỉnh Điện Biên vừa tổ chức, ông Nguyễn Hữu Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng, cho biết: Tổng kết đợt cao điểm chống dịch đợt đầu năm 2021, đặc biệt là sau khi huyện Mường Ảng hoàn thành truy vết F1, F2, F3 của hai ca dương tính với Covid -19 thì Ban Chỉ đạo huyện thống nhất đánh giá, hoạt động tổ giám sát Covid tại các bản hiệu quả, anh em làm việc rất trách nhiệm dù không một đồng công hay đồng thưởng.
"Không ai khác mà chính người tại bản nắm rõ thực trạng công dân, nắm rõ số người đi - ở trong từng gia đình cho nên khi đội quân này gõ từng nhà thì con số chính xác và lịch trình đi về của từng người cũng chính xác đến từng phút. Nhờ thế mà hai bệnh nhân Covid-19 là L.T.L. và L.T.L. (SN 2003) đi từ Cẩm Giàng (Hải Dương) về địa bàn trên chuyến xe 27B-004.55 trong đêm 2/2 thì đến rạng sáng 3/2 đã được đón tại cầu 30 thuộc địa phận xã Ẳng Tở để đưa đi cách ly tập trung. Nhờ có đội ngũ giám sát tại bản mà đến chiều ngày 5/2, huyện Mường Ảng đã hoàn thành thống kê 62 trường hợp F1, trên 400 trường hợp F2. Đường từ bản đến bản khó khăn lắm, không phải là dân bản địa phương thì thời gian truy vết F1, F2 có lẽ phải kéo dài hơn rất nhiều!"- ông Nguyễn Hữu Hiệp, cho biết thêm như thế.
Chung ý kiến với Chủ tịch huyện Mường Ảng, ông Bùi Văn Luyện, Chủ tịch UBND huyện biên giới Nậm Pồ, dẫn chứng thêm: Tuyến biên giới Việt Nam - Lào thuộc địa phận huyện Nậm Pồ dài 127 km, hiện bộ đội biên phòng duy trì hoạt động của 22 tổ chốt cố định và lưu động tuần tra, kiểm soát ngăn chặn người vượt biên, nhập cảnh trái phép. Thời gian qua hoạt động của các tổ, chốt này rất hiệu quả, song trong kết quả chung phải khẳng định có sự hỗ trợ, góp sức trách nhiệm của thành viên các tổ giám sát cộng đồng thôn, bản.
Chính bà con là tai, là mắt, nắm tình hình mọi mặt từng gia đình cho nên nhà nào có dự định gì bà con đều nắm rõ và thông tin kịp thời đến bộ đội biên phòng, chính quyền địa phương. Do vậy, dù địa hình khó khăn, chia cắt song hàng nghìn người đi từ khắp nơi về Nậm Pồ đều được cập nhật, đưa đi cách ly đúng quy định. Đến thời điểm này, Nậm Pồ chưa ghi nhận trường hợp nào mắc Covid-19 hoặc đem nguồn lây về địa bàn chính là nhờ hoạt động tổ giám sát cộng đồng.
Trực tiếp chỉ đạo, làm việc cùng các thành viên tổ giám sát cộng đồng, bà Lường Thị Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng hiểu hơn cả những khó nhọc, sự nỗ lực của mỗi người. Hôm nay, đã 3 tháng trôi qua kể từ ngày 2/2 ấy, song bà Thanh vẫn nhớ như in những ngày cận Tết Nguyên đán, nhân dân các bản cứ mải miết truy vết, cập nhật danh sách người từ khắp nơi về.
Bà Thanh kể, ngay khi biết tin ổ dịch ở Cẩm Giàng (tỉnh Hải Dương), ông Quàng Văn Cá, Bí thư Chi bộ bản Tọ Cuông, Tổ trưởng tổ giám sát bản Tọ Cuông cùng các thành viên trong tổ đến từng nhà trong bản điều tra nhân khẩu, nắm địa điểm làm việc, lịch trở về của từng người. Từ thông tin Tổ giám sát bản Tọ Cuông cung cấp, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid xã đã báo cáo huyện lên phương án trực đón người tại cầu 30 xã Ẳng Tở, chứ không để bệnh nhân về bản rồi mới đưa đi cách ly và truy vết thì hậu quả khôn lường.
"Ngày nào cũng đến từng nhà nắm lịch trình di chuyển của những người đi làm ăn xa rồi sau đó về xã báo cáo; không chỉ thế, mỗi thành viên tổ giám sát bản Tọ Cuông còn phân nhau trực gác trên các đường ra vào bản để đảm bảo không người nào vào bản mà tổ giám sát không biết. Những ngày ấy làm việc vất vả nhưng chúng tôi vui vì góp phần "đuổi" được con Covid khỏi cộng đồng"- ông tổ trưởng Tổ giám sát cộng đồng bản Tọ Cuông Quàng Văn Cá vui vẻ nói!
Nhân rộng mô hình và cách làm
Ghi nhận đóng góp tích cực của tổ giám sát thôn, bản trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, sau đợt cao điểm khoanh vùng, truy vết, khống chế dịch đợt đầu năm, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 huyện Mường Ảng, Nậm Pồ đã tính đến phương án tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm, biểu dương cách làm của cá nhân, tập thể tổ giám sát tích cực và có nhiều đóng góp nhưng dự định chưa kịp thực hiện thì đợt dịch mới lại bắt đầu.
Trước diễn biến phức tạp, khó lường của đợt dịch lần này, UBND hai huyện đã chỉ đạo kích hoạt trở lại hoạt động tổ giám sát cộng đồng thôn, bản và đề nghị UBND các xã quan tâm, động viên lực lượng này. Theo tinh thần đó, thời điểm này, huyện Nậm Pồ đã thành lập 121 tổ giám sát tại 121 bản (100% bản có tổ giám sát Covid tại cộng đồng); huyện Mường Ảng có 118 tổ tại 118 bản trong toàn huyện. Chấp hành đầy đủ quy định phòng chống dịch, mỗi thành viên tổ giám sát cộng đồng thôn, bản ở Nậm Pồ, Mường Ảng, còn thực hiện việc điều tra, rà soát các trường hợp F1, F2, F3 và các trường hợp đi công tác, làm ăn xa, đi học tập, du lịch các tỉnh thành trong nước, nước ngoài trở về địa phương. Thông báo, vận động các đối tượng đã trở về địa phương khai báo y tế. Giám sát công dân thuộc đối tượng cách ly tại nhà. Hàng ngày báo cáo ban chỉ đạo xã tình hình công dân đi - về địa bàn và thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đánh giá cao hiệu quả, hoạt động tích cực của tổ giám sát thôn, bản trong công tác phòng, chống dịch, Đại tá Trần Nam Trung, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh Điện Biên, còn cho biết: Trên biên giới, thành viên tổ giám sát thôn, bản rất nhiệt tình hỗ trợ anh em chiến sĩ tại các tổ, chốt phòng chống dịch. Hàng ngày cung cấp thông tin người đi về địa bản, cụ thể là thành viên tổ giám sát ở các bản vùng cao thuộc các xã, như: Nậm Nhừ, Nà Bủng, Nà Hỳ, Vàng Đán…
Lãnh đạo các cơ quan chuyên môn của huyện Nậm Pồ còn đến từng gia đình trong bản tuyên truyền, vận động bà con đeo khẩu trang, sử dụng dung dịch sát khuẩn để phòng dịch. Những ngày nắng nóng, thành viên tổ giám sát còn chở từng can nước hỗ trợ cán bộ chiến sĩ. Điều kiện sinh hoạt khó khăn, nhưng quân dân trên biên giới rất gắn bó, chung lòng chống dịch.
Đề nghị các huyện học tập cách làm như huyện Nậm Pồ, Mường Ảng, Đại tá Trần Nam Trung phân tích, tuyến biên giới thuộc tỉnh Điện Biên dài trên 455km, nhiều đường mòn, lối mở; người dân hai bên biên giới tuy khác quốc gia nhưng lại cùng dân tộc, có mối quan hệ họ hàng, cho nên thói quen qua lại thăm thân không thể thay đổi trong một sớm một chiều. Nhất là trong điều kiện dịch dã diễn biến phức tạp tại các tỉnh Bắc Lào thì một bộ phận người dân bên kia vì tâm lý lo lắng nên rất muốn sang nhà người thân… lánh tạm.
Để đảm bảo người dân không xuất - nhập cảnh trái phép, ngăn nguy cơ lây nhiễm bệnh, mới đây Bộ Chỉ huy BĐBP Điện Biên đã quyết định thành lập thêm 7 tổ, chốt tăng cường trên hai tuyến biên giới. Như vậy, hiện tại Điện Biên đã có 76 tổ, chốt cố định, lưu động với sự tham gia của trên 400 cán bộ, chiến sĩ biên phòng cùng các lực lượng ngày đêm tuần tra canh gác.
Đại tá Trần Nam Trung cũng thẳng thắn nói rằng, thông tin từ cơ sở mới là quan trọng bởi chẳng ai rõ người trong bản bằng người trong bản. Mà làm tốt việc này, chính là lực lượng tổ giám sát cộng đồng. Đại tá Trần Nam Trung, đề nghị: Các huyện quan tâm củng cố, rà soát, kiện toàn tổ giám sát cộng đồng; cùng với đó cần thống nhất tên gọi, chức năng tổ giám sát cộng đồng. Đặc biệt, trong thời điểm việc quản lý tạm trú tạm vắng là vô cùng quan trọng thì thành lập tổ giám sát cộng đồng sớm ngày nào sẽ càng tốt ngày đó, để công tác phòng, chống Covid của địa phương đạt hiệu quả mọi lúc, mọi nơi và trên mọi địa bàn.
Ông Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết: Tỉnh Điện Biên rất chủ động về công tác phòng chống dịch Covid-19. Ngay khi có thông tin về các trường hợp dương tính với Covid-19, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, khẩn trương truy vết các trường hợp trở về từ vùng dịch; các trường hợp đã điều trị hoặc chăm sóc người nhà điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới trong khoảng từ đầu tháng 4 trở lại đây, thì 100% thành viên tổ giám sát cộng đồng ở các bản thuộc hai huyện lại tức tốc đến từng nhà cập nhật tình hình. Đêm tối mưa giông, đường trơn trượt nhiều người đi gần sáng mới trở về nhà để sớm nay có báo cáo đầy đủ gửi về xã. Rất nhiều ngày qua, hàng trăm con người đã lặng lẽ làm như thế…
Tin cùng chủ đề: Bùng phát đợt dịch Covid-19 thứ 4
Vui lòng nhập nội dung bình luận.