Điện Kremlin vạch ra các điều kiện đàm phán với Ukraine

Lê Phương (RT) Thứ tư, ngày 30/11/2022 11:14 AM (GMT+7)
Theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, Kiev cần phải thể hiện thái độ sẵn sàng thảo luận về các yêu cầu mà Moscow đưa ra trước đó.
Bình luận 0
Điện Kremlin vạch ra các điều kiện đàm phán với Ukraine - Ảnh 1.

Quân nhân Ukraine tiến về vị trí tiền tuyến ở miền Đông Ukraine vào ngày 24 tháng 11 năm 2022. Ảnh: AFP

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine chỉ có thể bắt đầu nếu Moscow nhận thấy "ý chí chính trị" thực sự từ phía Kiev trong việc tham gia đối thoại. Hồi đầu tháng, ông lưu ý giới lãnh đạo Ukraine dường như sẽ chỉ miễn cưỡng ngồi xuống đàm phán vào lúc này.

Hôm 29/11, khi được các nhà báo Nga hỏi rằng liệu có bất kỳ điều kiện tiên quyết nào để Kiev và Moscow bắt đầu đối thoại hay không, ông Peskov nói: "Ukraine cần phải có ý chí chính trị, sẵn sàng thảo luận về những yêu cầu mà Nga đã đưa ra".

Phát biểu qua hình thức trực tuyến trong hội nghị thượng đỉnh G20 tại Bali, Indonesia vào giữa tháng 11, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhấn mạnh rằng "sẽ không có thỏa thuận Minsk-3 nào, bởi Nga sẽ vi phạm ngay sau khi thỏa thuận được ký kết".

Người đứng đầu nhà nước Ukraine đề cập đến các thỏa thuận Minsk-1 và Minsk-2 do Đức và Pháp làm trung gian lần lượt vào năm 2014 và 2015. Các thỏa thuận này liên quan đến tình trạng đặc biệt cho các khu vực Donetsk và Lugansk trong nhà nước Ukraine. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng việc Kiev không thực hiện các thỏa thuận là một trong những lý do khiến Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt chống lại nước láng giềng vào cuối tháng 2/2022.

Bình luận về phát biểu của ông Zelensky tại hội nghị thượng đỉnh G20, ông Peskov vào thời điểm đó lập luận rằng họ "hoàn toàn xác nhận" việc Kiev không sẵn sàng tham gia đàm phán.

Phát biểu trước các nhà lãnh đạo ở Bali, nguyên thủ quốc gia Ukraine đã liệt kê 10 yêu cầu mà theo quan điểm của ông có thể dẫn đến hòa bình. Trong số đó có việc rút hoàn toàn lực lượng Nga khỏi tất cả các lãnh thổ Ukraine và tôn trọng đường biên giới năm 1991 của nước này.

Bài phát biểu đầu tháng 11 của Tổng thống Zelensky được đưa ra ngay sau khi The Washington Post cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden đã yêu cầu Kiev phát đi tín hiệu sẵn sàng đàm phán với Nga. Mỹ được cho là lo ngại lập trường của Kiev có thể khiến sự ủng hộ của một số quốc gia phương Tây giảm dần.

Bài báo cho rằng Washington không nghiêm túc trong việc lôi kéo Kiev đàm phán, và chỉ tìm cách đảm bảo rằng các quốc gia tiếp tục tăng cường viện trợ vũ khí cho Ukraine.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem