Diện tích tôm chân trắng tăng đột biến

Thứ sáu, ngày 20/08/2010 15:50 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Năm 2010, các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL thả nuôi 8.800 ha, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2009. Với năng suất bình quân khoảng 6,8 tấn/ha thì năm nay sản lượng tôm thẻ chân trắng ước đạt 60.300 tấn, tăng gấp 4,3 lần so với năm 2009.
Bình luận 0
img
Thu hoạch tôm thẻ chân trắng ở Bạc Liêu.

Lợi nhuận hấp dẫn

Theo nhận định của Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản, con tôm thẻ chân trắng rất thích hợp với mô hình nuôi trên cát và nuôi trải bạt, thời gian nuôi ngắn nhưng năng suất cao, chịu được độ mặn cao và có thể nuôi được trong cả nước mặn, ngọt và lợ. Khả năng kháng chịu bệnh tật của tôm thẻ chân trắng tốt và điều kiện sinh sản dễ nên trong thời gian tới nhiều nông dân sẽ chọn nuôi tôm thẻ chân trắng.

Còn Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo: Xuất khẩu mặt hàng tôm thẻ chân trắng trong năm nay sẽ tăng sản lượng gấp 3 lần so năm 2009, lên 150.000 tấn; kim ngạch xuất khẩu cũng tăng gấp đôi với giá trị từ 500 - 600 triệu USD, chiếm 1/3 kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước. Nuôi tôm thẻ chân trắng mức lãi trung bình khoảng 150 triệu đồng/ha. Trong khi đó, tôm sú có mức lãi trung bình chỉ từ 60-80 triệu đồng/ha.

Nuôi tràn lan

Chính vì mức lãi lớn nên dù các địa phương khu vực ĐBSCL đã quy hoạch vùng nuôi tôm thẻ chân trắng, nhưng người dân vẫn “xé rào” nuôi ngoài vùng quy hoạch. Bến Tre quy hoạch vùng nuôi tôm thẻ chân trắng ở 3 huyện ven biển gồm Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú nhưng thời điểm hiện tại, nhiều vùng khác cũng đã thả nuôi tôm thẻ chân trắng vì lợi nhuận cao.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn ở ấp 1, xã Phú Long, huyện Bình Đại đã chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng từ 2 năm nay, mặc dù vùng này nằm ngoài quy hoạch nuôi tôm thẻ chân trắng. Với diện tích nuôi khoảng 3.000m2, mỗi vụ đạt lợi nhuận khoảng 90 triệu đồng.

Ông Tuấn so sánh: “Nuôi tôm thẻ chân trắng chi phí ít, thời gian nuôi chỉ 2,5 tháng, thay vì tới hơn 4 tháng như nuôi tôm sú. Vì vậy, lợi nhuận đem lại từ nuôi tôm thẻ chân trắng cũng cao hơn. Ở khu vực này có nhiều hộ chuyển từ nuôi tôm sú sang tôm thẻ chân trắng…”.

Khi được hỏi về việc quy hoạch vùng nuôi, hầu hết các hộ dân đều biết vùng nuôi của mình nằm ngoài vùng quy hoạch nhưng vẫn thả nuôi vì lợi nhuận từ con tôm thể chân trắng cao và chấp nhận rủi ro.

Quy hoạch lại để giảm rủi ro

Theo khuyến cáo của ngành thủy sản thì tôm thẻ chân trắng không nên nuôi chung xen vào trong khu vực nuôi tôm sú vì nguồn nước thải của loại tôm này sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường nuôi tôm sú. Vùng ĐBSCL đang quy hoạch riêng vùng nuôi tôm thẻ chân trắng. Riêng tỉnh Cà Mau sau khi nuôi thí điểm thành công ở xã Hàm Rồng (Năm Căn) đã tiến hành quy hoạch ở các huyện Ngọc Hiển, Năm Căn, Trần Văn Thời. Dự kiến đến năm 2015, Cà Mau sẽ có khoảng 10.000ha nuôi tôm thẻ chân trắng.

Ở tỉnh Bến Tre hiện tại có khoảng 575ha diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng tập trung ở 3 huyện ven biển gồm Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú. Theo ông Nguyễn Văn Dũng - Chi cục Trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Bến Tre, hiện nay ngành nông nghiệp đã quy hoạch vùng nuôi tôm thẻ chân trắng để tránh rủi ro, giúp phát triển bền vững.

Dự kiến năm 2010 sẽ phát triển 1.000ha, sản lượng 8.800 tấn. Còn tỉnh Bạc Liêu cũng quy hoạch vùng nuôi tôm thể chân trắng đến năm 2015 với diện tích 5.000ha. Trong khi đó, Sở NN&PTNT Trà Vinh cho biết, năm 2009, năm thứ 2 tỉnh Trà Vinh nuôi thử nghiệm thành công tôm thẻ chân trắng. Từ thành công này, năm 2010 Trà Vinh mở rộng diện tích lên 100ha, tập trung chủ yếu những vùng hội đủ điều kiện về thủy lợi, không khuyến khích người dân phát triển nuôi tràn lan, phá vỡ quy hoạch...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem