Dinh thự cổ của "Thổ ty Bắc Hà" ở Lào Cai, chứng tích về nỗi cùng cực của dân miền biên viễn
Dinh thự cổ của "Thổ ty Bắc Hà" ở Lào Cai, chứng tích về nỗi cùng cực của dân miền biên viễn thủa xưa
Hồng Nhân
Thứ hai, ngày 24/04/2023 05:29 AM (GMT+7)
Dinh thự cổ với thiết kế, lối kiến trúc độc đáo của cha con Thổ ty Hoàng Yến Tchao, Hoàng A Tưởng huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Thông qua dinh thực cũng phản ánh nỗi cùng cực của các tầng lớp nhân dân vùng cao miền biên viễn nửa đầu thế kỷ 20.
Clip: Khám phá dinh thự cổ của "Thổ ty Bắc Hà", huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.
Dinh thự cổ Hoàng A Tưởng nằm tại thị trấn Bắc Hà, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.
Đây là nơi ở và làm việc của ông Hoàng Yến Tchao là Thổ ty vùng Bắc Hà, cai trị vùng đất này từ năm 1905 đến năm 1950. Đây là một chức quan ở vùng dân tộc thiểu số thời bấy giờ.
Thổ ty Hoàng Yến Tchao trước đây là tay sai cho thực dân Pháp. Các vùng đất tốt nhất, màu mỡ nhất đều do Thổ ty chiếm giữ và cướp đoạt của nông dân. Ông giao ruộng cho những hộ tá điền trông nom gặt hái và bóc lột sức lao động của họ. Ngoài ra còn ông còn độc quyền bán muối, hàng tiêu dùng, khai thác lâm thổ sản, thuốc phiện bán cho Pháp, cung cấp lương thực, thực phẩm cho đồn binh lính Pháp và tay sai.
Để khẳng định sự uy phong và giàu có của họ tộc mình trên mảnh đất cao nguyên trắng này nên Thổ ty Hoàng Yến Tchao đã quyết định xây dựng nên ngôi nhà Hoàng A Tưởng (lấy tên con trai ông). Công trình được khởi công xây dựng từ năm 1914 đến cuối 1921 thì hoàn thành. Cha con Hoàng Yến Chao và Hoàng A Tưởng, tuy là người dân tộc Tày nhưng cai trị một vùng có tới 70% là người Mông.
Gia đình ông Hoàng Yến Tchao ở trong ngôi nhà này đến 1950 thì bỏ đi.
Sau đó UBND huyện Bắc Hà trưng dụng thành nơi làm việc một thời gian. Sau đó UBND chuyển đi, ngôi nhà bỏ không. Năm 1999 ngôi nhà được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Năm 2007 được trùng tu toàn bộ và xây dựng trở thành điểm tham quan du lịch nổi tiếng. Hiện nay chính quyền địa phương trổ chức bán vé để người dân vào tham quan.
Tại lối lên xuống của căn nhà, đều có mãu QR để du khách có thể tìm hiểu kĩ về nguồn gốc lịch sử.
Công trình do hai kiến trúc sư đến từ hai nền văn hóa khác nhau (Pháp, Trung Quốc) thiết kế vì thế mà dinh thự Hoàng A Tưởng pha trộn giữa 2 phong cách Á – Âu vô cùng độc đáo, thể hiện sự giao thoa văn hóa Đông-Tây rõ nét.
Trải qua 100 năm tồn tại cùng thời gian, phủ bao lớp rêu phong cổ kính vẫn đứng uy nghi nổi trội giữa một nơi dân cư đông đúc, phố xá tấp nập.
Những lớp rêu phong đã phủ nhiều phần của dinh thự tuy nhiên giá trị kiến trúc vẫn còn nguyên, vẫn để cho du khách nhiều ấn tượng.
Toàn bộ không gian trong dinh thự Hoàng A Tưởng được thiết kế theo bố cục hình chữ chật liên hoàn khép kín với 36 phòng.
Hai bên tả hữu của ngôi nhà là hai dãy nhà ngang có bố cục, kiến trúc giống nhau. Mỗi dãy đều hai tầng và thấp hơn nhà chính, mỗi tầng có 3 gian, sử dụng làm phòng khách, phòng ăn, phòng ngủ của 3 bà vợ của Hoàng Yến Chao, 2 vợ của Hoàng A Tưởng, và cho 2 vị cố vấn người Pháp và Trung Quốc.
Cửa tòa dinh thự được thiết kết theo kiến trúc hình vòm rất cân đối. Đây cũng là nét kiến trúc đặc trưng của văn hóa châu Âu. Họa tiết trang trí cũng được thiết kế, nhào nặn vô cùng công phu.
Diện tích phía trong của khu nhà khoảng 4000m2, và tổng diện tích lên tới 10.000m2, xung quanh có tường bao trổ nhiều lỗ châu mai, có đường đi trên thành cho lính gác đi tuần.
Nổi bật hơn cả là các nét kiến trúc phương Tây được thể hiện trong những chi tiết như họa tiết cành nguyệt quế, giữa có lỗ rỗng hình mặt nguyệt tạo ra một tổng thể rất hài hòa.
Dấu tích thời gian ở dinh thự cổ.
Cửa lan can trổ ra hình vòm tạo nên nét đặc trưng của tòa nhà.
Phía trong ngôi nhà còn lưu giữ nhiều hình ảnh của ông Hoàng Yến Tchao và gia đình.
Thông tin lịch sử tại dinh thư ghi lại cho biết, người dân mỗi khi cưỡi ngựa đi qua cổng chính của ngôi nhà này đều phải xuống ngựa. Nếu ngồi trên ngựa đi qua cổng sẽ bị quân lính bắt xuống và đánh vì tội không tôn trọng ông Hoàng Yến Tchao. Với người dân bình thường nếu có việc gì đến nhà họ Hoàng đều phải đứng chờ ở phía ngoài chờ, lính gác vào bẩm báo với ông Hoàng Yến Tchao. Nếu được sự cho phép mới được vào.
Hình ảnh người trong dinh thự lúc thời bấy giờ.
Bức tranh thể hiện con đường trước dinh. Theo đó, dinh thự nằm trên một quả đồi rộng, phía sau và hai bên đều có núi, phía trước có một dòng suối chảy uốn lượn và có núi thế mẹ bồng con.
Hình ảnh ông Hoàng Yến Tchao và con trai Hoàng A Tưởng được lưu giữ tại căn nhà.
Ngói âm dương được dùng lợp tại căn nhà.
Đá xanh và gạch xây dựng được lưu giữ tại căn nhà để du khách tham quan.
Để thu hút du khách đến với địa điểm độc đáo này, các đơn vị chức năng của huyện Bắc Hà nói riêng và của tỉnh Lào Cai nói chung thường tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật (như triển lãm ảnh, các cuộc thi tìm hiểu lịch sử…) trong không gian dinh thự. Đặc biệt, trong dinh còn tổ chức nấu rượu ngô để du khách có thể tìm hiểu nét văn hóa đặc sắc của người dân nơi đây.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.