Doanh nghiệp hiến kế bằng mọi cách tiếp cận mua vaccine Covid-19

Quốc Hải Thứ bảy, ngày 29/05/2021 16:57 PM (GMT+7)
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành bằng mọi cách tiếp cận vaccine qua đường ngoại giao, doanh nghiệp... tại cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành và các bộ ngành về tình hình phòng chống Covid-19 trong cả nước, sáng 29/5.
Bình luận 0

Đề xuất này cũng là mong muốn của đại diện các ngành hàng, doanh nghiệp (DN)… trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Nếu muốn thực hiện mục tiêu kép "vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo kinh tế" thì Việt Nam phải nhanh chóng đẩy nhanh chương trình tiêm chủng vaccine toàn dân, mà trước mắt là lực lượng lao động, công nhân.

“Bằng mọi cách tiếp cận để mua vaccine Covid-19” - Ảnh 1.

Công nhân, lực lượng lao động tại các nhà máy cần sớm được tiêm vaccine để thực hiện "mục tiêu kép" của Chính phủ.

Ưu tiên tiêm cho đối tượng nào trước?

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho hay, hàng loạt nhãn hàng đã gửi thông báo đến DN dệt may, nếu không giao hàng đúng tiến độ thì DN phải giao hàng máy bay. Lúc đó, chi phí "đội" lên sẽ rất lớn. Ngoài ra, ở một số DN dệt may đang phải tạm dừng sản xuất do nằm trong vùng dịch nhưng vẫn phải chi trả lương, giữ chân người lao động.

"Khả năng với ngành dệt may, từ nay đến tháng 8 không tiêm vaccine được, thì rất khó khăn duy trì khả năng bền vững của ngành. Vì thế, mong muốn nhất của ngành lúc này là tạo kênh có vaccine để tiêm, bằng con đường xã hội hóa", ông Giang nói.

Bà Phạm Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da giầy và Túi sách Việt Nam (LEFASO), cũng cho biết, ngành da giày cũng như dệt may sử dụng nhiều lao động mật độ công nhân trong một nhà máy quá lớn nên nguy cơ dịch bệnh rất cao. Chính vì thế, cần thống nhất và có tiêu chí cụ thể hơn về việc ưu tiên tiêm phòng dịch cho công nhân.

"Tiêu chí hiện nay khá chung chung, ưu tiên khu công nghiệp lớn, thế nào là KCN lớn, những nhà máy như nào được tiêm chủng trước? Cần có kế hoạch cụ thể, một mặt có kiến nghị với Chính phủ, vừa có tham vấn từ Bộ Y tế, mặt khác, cần đa dạng hơn nữa ở việc đa dạng hóa nguồn cung vaccine, từ đó mới có thể tiêm đại trà", bà Xuân nói.

Đóng góp thêm ý kiến, PGS.TS Trần Quang Trung, đại diện Hiệp hội Sữa Việt Nam (VDA), nhấn mạnh, tính hậu quà nghiêm trọng của vấn đề dịch bệnh thì ngành nào cũng như nhau. Với ngành da giày hay dệt may, không làm thì nguyên liệu vẫn còn đó, nhưng với các ngành hàng thực phẩm nguyên liệu như sữa, có rồi mà không đưa vào sản xuất được thì chỉ đổ bỏ.

"Tuy nhiên, chúng tôi vẫn kiến nghị nên ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân ở vùng đỉnh dịch hiện nay, rồi ưu tiên tiêm cho công nhân các tỉnh đã tạm yên nhưng nguy cơ bùng phát lại còn cao; các tỉnh có công nhân đông cũng phải được tiêm sớm", ông Trung nói.

Cũng theo ông Trung: "Tất nhiên, chúng tôi ủng hộ chương trình xã hội hóa nguồn kinh phí tiêm chủng, nhưng nguồn vaccine, kế hoạch tiêm chủng phải có sự thống nhất với Bộ Y tế, vì chúng ta không thể tự nhập, không thể bảo quản sau khi nhập, rồi khi tiêm và sau tiêm thì cũng phải có vai trò của ngành y tế…".

“Bằng mọi cách tiếp cận để mua vaccine Covid-19” - Ảnh 3.

Do số lượng người lao động tại các DN thường khá đông nên nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh là rất cao.

Chuyên gia này cũng thẳng thắn, trước mắt là bàn chuyện tiêm vaccine cho công nhân lao động đã, còn chuyện tiêm đại trà cho cả gia đình lao động lúc này là rất rất phức tạp, khó khăn…

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, nên có đề xuất sớm về vaccine, và có hai việc cần làm. Thứ nhất, trong khi Chính phủ đang đàm phán vaccine, DN cũng xin được "chen chân" để mua vì nguồn cung khá hẹp, lại phân phối có kiểm soát. DN đăng ký để mua và chi trả, tiêm cho công nhân, đừng "ôm" gia đình vào sẽ đưa câu chuyện đi xa… Việc thứ 2 là cần đề xuất cho các Hiệp hội tìm kiếm nguồn cung và mua vaccine trực tiếp về.

"Chúng ta có Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham), có VCCI, nên có điều kiện tiếp xúc để mua về, nhập để tiêm cho chủ động", ông Nam nói.

Nhiều vấn đề cần làm trước khi có vaccine

Bà Linh Nguyễn, đại diện Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EUROCHAM), khẳng định, nếu Chính phủ Việt Nam muốn đảm bảo "mục tiêu kép" vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế thì phải đẩy nhanh chương trình tiêm chủng vaccine toàn dân, vì diễn biến dịch bệnh tại Việt Nam hiện tại đang khá phức tạp.

"Ngân sách khó có thể chi trả được hết cho mọi người dân, dù có sự đóng góp, ủng hộ từ các nguồn lực khác. Vì thế, ngoài chương trình tiêm miễn phí cho người dân, lao động thu nhập thấp, Chính phủ nên cho phép xã hội hóa, tiêm vaccine trả phí với các đối tượng thu nhập cao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tập đoàn lớn tự nguyện trả chi phí tiêm vaccine cho nhân viên...", đại diện EUROCHAM, cho hay.

“Bằng mọi cách tiếp cận để mua vaccine Covid-19” - Ảnh 4.

Công nhân lao động trong giờ làm việc.

Nhắc tới trường hợp Indonesia khi nước này đang triển khai chương trình tiêm vaccine tư nhân song song và độc lập với chương trình của Chính phủ, ông Cao Hoàng Nam, giám đốc đối ngoại và truyền thông PepsiCo VN - cho hay, Indonesia đã có chính sách cho các DN được tham gia đóng góp chi phí để tiêm vắc xin cho người lao động và gia đình, với mức chi phí khoảng 1,6 triệu đồng/người.

Theo ông Nam, cách triển khai của Indonesia là Bộ Y tế chỉ định các đầu mối được ủy quyền nhập khẩu vaccine, tiêm chủng, sau đó phòng thương mại và hiệp hội gửi danh sách dữ liệu tiêm chủng, trên cơ sở đó, DN đăng ký mua và tiêm cho người lao động. Vắc xin được sử dụng phải đáp ứng quy định của WTO hoặc Bộ Y tế nước này chấp thuận.

"Tất nhiên, hai loại vaccine này là khác nhau để tránh trường hợp vaccine miễn phí từ chương trình của Chính phủ 'chảy' ra ngoài. Đây là mô hình cần tham khảo để huy động sức mạnh cộng đồng", ông Nam nói thêm.

Ở góc độc khác, bà Đỗ Thị Thúy Hương - Uỷ viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - kiến nghị: Trong khi chờ vaccine, trong bối cảnh hiện nay đang có sự quá tải của lực lượng y tế, nên có que test thử nhanh nCoV để có sàng lọc. Bởi các quy định đưa ra là quá cứng nhắc, khiến doanh nghiệp thêm khó khăn.

"Thay vì bắt buộc có xét nghiệm RT-PCR, cơ quan quản lý nên xem xét cho phép doanh nghiệp thực hiện test nhanh nCoV và chịu trách nhiệm về việc này", bà Hương nói.

Cũng theo bà Hương, que test thử nhanh nCoV hiện nay khá phổ biến, được nhập về từ Đức, Pháp rất tốt, y tế của các doanh nghiệp có thể triển khai test cho công nhân. Tất nhiên, quy trình test sẽ tuân theo hướng dẫn của Bộ Y tế".

"Để có động thái quyết liệt hơn bảo vệ người lao động, cần có nguồn vaccine, các hiệp hội, ngành hàng và VCCI sẵn sàng tham gia xã hội hóa (đóng góp nhân lực, vật lực, tài lực…) cùng Chính phủ, chủ động triển khai tốt chương trình tiêm chủng vaccine quốc gia…" - ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, nhấn mạnh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem