Doanh nghiệp "rót" 100% vốn, sân bay nhỏ sẽ được đầu tư

Thế Anh Thứ ba, ngày 11/10/2022 13:10 PM (GMT+7)
Đơn vị tư vấn cho biết, nếu các cảng hàng không mới không có xung đột về vùng trời và có doanh nghiệp cam kết bỏ 100% vốn đầu tư, thì có thể xem xét, bổ sung vào quy hoạch.
Bình luận 0

Sân bay địa phương rất quan trọng

Trong thời gian qua, nhiều địa phương đã đồng loạt đề xuất bổ sung sân bay địa phương vào quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 được nhiều chuyên gia, nhà quản lý quan tâm.

Điển hình là tỉnh Sơn La đề xuất bổ sung sân bay Nà Sản và sân bay Mộc Châu vào quy hoạch. Tương tự, các địa phương khác đề xuất một số sân bay như Tân Quang (Hà Giang), Quân Bình (Bắc Kạn), Gò Găng (Bà Rịa - Vũng Tàu), sân bay Lai Châu (Lai Châu), sân bay Quảng Trị...

Doanh nghiệp "rót" 100% vốn, sân bay nhỏ sẽ được đầu tư - Ảnh 1.

Sân bay Nà Sản sắp được đầu tư nâng cấp mở rộng. Viết Niệm

Lý do được các địa phương đưa ra kèm đề xuất là xây dựng sân bay nhằm bảo đảm khả năng kết nối thuận lợi hệ thống giao thông đồng bộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Việc bổ sung vào quy hoạch và triển khai đầu tư sớm các sân bay nhỏ, sân bay lưỡng dụng sẽ là điểm tựa hạ tầng quan trọng để nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa thu hút đầu tư, khai thác các lợi thế về du lịch.

Theo các chuyên gia hàng không, các sân bay địa phương đầu tư sân bay nhỏ có vai trò quan trọng trong hệ thống cảng hàng không của một quốc gia. Trong hệ thống này, các sân bay địa phương rất quan trọng, giúp hệ thống hoạt động có hiệu quả

Bên cạnh đó, ngoài vai trò là "đầu nối", các sân bay nhỏ, sân bay địa phương còn có thể cung cấp các kết nối trực tiếp giữa các vùng, hoặc đón các chuyến bay charter quốc tế khi có nhu cầu. Điển hình như vùng Tây Bắc nếu đầu tư sân bay Mộc Châu tại Sơn La cũng sẽ tạo ra một cú hích rất lớn để địa phương này phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch.

Vùng Tây Bắc có địa hình núi cao đường bộ có nhiều đèo dốc cao khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn, nếu có sân bay Mộc Châu hay sân bay Nà Sản tại Sơn La sẽ tạo ra sự kết nối giữa tỉnh Sơn La với các địa phương dễ dễ dàng hơn và thu hút được khách du lịch tới vùng Tây Bắc.

Các chuyên gia cho rằng, sân bay nhỏ đặc biệt quan trọng đối với các vùng xa xôi hoặc các vùng cần những kết nối giao thông thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, tiêu biểu như phát triển điểm đến du lịch, tạo việc làm, tạo điểm tiếp cận nhanh nhất để cứu trợ và viện trợ trong trường hợp thiên tai và cung cấp khả năng nhanh chóng tiếp cận với hỗ trợ y tế chuyên biệt mà khu vực đó đang thiếu.

Doanh nghiệp "rót" 100% vốn, sân bay nhỏ sẽ được đầu tư - Ảnh 2.

Sơn La có tuyến đường bộ với nhiều đèo dốc, cần có sân bay Nà Sản, sân bay Mộc Châu để phát triển kinh tế xã hội. Ảnh: CT

Đánh giá về những đề xuất đầu tư sân bay nhỏ, ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT - CTCP (TEDI) cho biết: "Chúng tôi đang khẩn trương đánh giá khả năng bổ sung một số sân bay mới vào dự thảo Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 để có thể báo cáo Bộ Giao thông vận tải (GTVT)".

Theo ông Sơn, đơn vị đã nhận được chỉ đạo của Bộ GTVT về việc rà soát, chuẩn bị báo cáo đánh giá chi tiết khả năng hình thành cảng hàng không mới tại các địa phương nêu trên theo các tiêu chí đã xây dựng trong hồ sơ quy hoạch; nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý kiến nghị của các địa phương.

Ngoài cảng hàng không do UBND các tỉnh Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Đắk Nông, Kon Tum, Khánh Hòa, Sơn La đề xuất, được Phó thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo xem xét, xử lý, TEDI cũng tiến hành rà soát khả năng bổ sung vào quy hoạch một số sân bay như Tân Quang (Hà Giang), Quân Bình (Bắc Kạn), Gò Găng (Bà Rịa - Vũng Tàu)…

Sân bay nhỏ được quy hoạch nếu doanh nghiệp cam kết bỏ 100% vốn đầu tư

Chia sẻ về những sân bay nêu trên, ông Sơn cho rằng, đây là các sân bay hoàn toàn mới, quy mô nhỏ, với diện tích 300 - 500 ha, công suất 1 - 2 triệu lượt khách/năm, nằm ngoài hệ thống 28 cảng hàng không đang được Bộ GTVT đưa vào quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030 và hệ thống 31 cảng hàng không tầm nhìn đến năm 2050.

Ông Sơn tiết lộ, khi trình Dự thảo Quy hoạch hệ thống cảng hàng không lần đầu vào tháng 4/2022, Bộ GTVT đã liệt kê các tiêu chí quan trọng để một sân bay có thể được đưa vào quy hoạch, gồm sản lượng hàng hóa; nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó là nhu cầu đảm bảo quốc phòng - an ninh; nhu cầu đáp ứng hoạt động khẩn nguy, cứu trợ; điều kiện tự nhiên (vùng trời, tĩnh không…); cự ly tiếp cận (100 km đối với sân bay đồng bằng và 200 km với sân bay miền núi).

Doanh nghiệp "rót" 100% vốn, sân bay nhỏ sẽ được đầu tư - Ảnh 3.

Mô phỏng sân bay Quảng Trị. Ảnh: Q.T

"Các tiêu chí nhằm giúp giảm gánh nặng từ ngân sách nhà nước do có rất ít cảng hàng không mới được xây dựng trong thời gian vừa qua được đầu tư bằng 100% vốn tư nhân. Nếu các cảng hàng không mới không có xung đột về vùng trời và có doanh nghiệp cam kết bỏ 100% vốn đầu tư, thì có thể xem xét, bổ sung vào quy hoạch", ông Sơn nêu rõ quan điểm của đơn vị tư vấn.

Về những vấn đề băn khoăn liệu có xảy ra câu chuyện cả 63 tỉnh thành đều có sân bay, ông Sơn cho hay: "Không thể có chuyện này".

Theo ông Sơn, thành phố trực thuộc Trung ương đều được quy hoạch có cảng hàng không, nhưng trước mắt, sẽ ưu tiên các địa phương vùng sâu, vùng xa, hải đảo hoặc có tiềm năng lớn về phát triển du lịch.

Hiện giờ, kinh tế phát triển rất nhanh, nên quy hoạch hàng không cũng cần có tính động, tính mở để tạo dư địa cho các địa phương chủ động kêu gọi phát triển hạ tầng thiết yếu. Phần lớn kiến nghị bổ sung sân bay vào quy hoạch của các địa phương đều có tính hợp lý nhất định, mà rõ nhất là trường hợp của Hà Giang.

Trong bối cảnh việc đầu tư các tuyến cao tốc kết nối địa phương này với Thủ đô có chi phí đầu tư rất lớn, thời gian xây dựng có thể kéo dài cả chục năm, thì việc đầu tư ngay một sân bay có quy mô hợp lý với chi phí chỉ bằng vài chục cây số đường cao tốc có thể mang lại cú hích rất lớn trong thu hút đầu tư, đánh thức các tiềm năng, lợi thế du lịch.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem