Độc đáo cây “nhàu” trong quan niệm để giàu ở miền Tây

Bài và ảnh: Hoàng Lê Chủ nhật, ngày 29/03/2015 08:00 AM (GMT+7)
Người miền Tây quê tôi có quan niệm khá độc đáo về cây nhàu, hễ nhà nào có trồng cây nhàu trước sân nghĩa là nhà ấy sẽ làm ăn thuận lợi, gặp nhiền may mắn trong cuộc sống.
Bình luận 0
Theo cách chơi chữ nói láy, “nhàu già” thì “nhà giàu” nên người dân quê thường trồng một cây nhàu trước sân với hy vọng cây nhàu quê ấy sẽ mang lại những điều hạnh phúc, tốt lành.

Nhớ lại những ngày sống ở quê, trước sân nhà tôi có trồng một cây nhàu rộng tán, tạo dáng đứng tròn xoe, đẹp mắt. Theo lời kể của mẹ tôi, cây nhàu này được ngoại tôi xin được từ một người hàng xóm rồi mang về trồng. Khi trồng cây nhàu này, ngoại tôi cầu mong thời tiết thuận lợi, mưa thuận gió hòa để gia đình tôi làm ăn khấm khá, chúng tôi đỡ vất vả hơn. Ấy vậy mà 5 năm sau ngoại mất, cây nhàu ấy xanh um, ra hoa, kết quả, tỏa bóng mát rợp một góc sân. Gia đình chúng tôi thì vẫn vậy, cha mẹ quanh năm tần tảo ruộng đồng mà vẫn không có “của dư, của để” chỉ đắp đổi kiếm ăn qua ngày.
img
Trồng cây nhàu trước sân để gặp "nhàu", đọc lái đi nghĩa là "giàu" (ảnh Hoàng Lê)
Có lần tôi hỏi mẹ: “Sao ngoại nói trồng cây nhàu để chờ nhàu già, mà nhàu già thì nhà mình sẽ giàu mà mẹ! Nhà mình thì vẫn vậy, nghèo khó quanh năm”. Mẹ tôi trả lời vui rằng: “Cây nhàu nhà mình chưa già lắm con à! Khi nào chúng con lớn, cây nhàu sẽ già đi thì các con sẽ làm ra thật nhiều tiền mà!” Mẹ chỉ nói vậy thôi, chứ thật ra người miền Tây quê tôi quanh năm dầm mưa dãi nắng chỉ để tìm kiếm cái ăn, mong thoát cái nghèo. Vậy mà, cha mẹ tôi vẫn miệt mài làm lụng để nuôi anh em chúng tôi ăn học trong khốn khó, cơ hàn. Nhìn đôi tay chai sần của cha, đôi vai gầy tảo tần của mẹ, tôi biết được cha mẹ tôi vất vả đến nhường nào vì tương lai và cuộc sống của anh em tôi.

Tuổi thơ chúng tôi là những ngày tháng khó khăn, thiếu thốn nhưng đầy ắp tiếng cười. Cây nhàu trước sân luôn dõi theo từng bước chân, từng sự thay đổi trong cuộc sống của anh em chúng tôi. Nhớ lại ngày ấy, chúng tôi thường nhặt trái nhàu mang vào nhà để trong hủ muối, đợi vài ngày sau nhàu chín thì lấy ra ăn. Nhàu chín có vị chua chua, cay cay khó dùng, nhưng do mẹ tôi ít khi đi chợ mua quà vặt nên chúng tôi cũng đành dùng tạm trái nhàu quê,  mùi vị của nhàu không ngon lắm nhưng đó mãi là những kỉ niệm tuổi thơ, không dễ bị phai mờ.

Cây nhàu ngoại tôi trồng năm xưa giờ cũng không còn  nữa nhưng cha tôi đã thay thế bằng cây nhàu “non” khác, cũng đứng ở vị trí của gốc nhàu xưa. Ngoại tôi giờ đã đi xa nhưng những quan niệm về cây nhàu già của ngoại vẫn luôn còn mãi, thử thách trước thời gian và không hề phôi pha trong tôi.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem