Đọc để bớt tiếng thở dài...

Thứ hai, ngày 15/07/2013 15:33 PM (GMT+7)
Là một nông dân, một thương binh từng giữ cương vị trưởng thôn trong một thời gian dài, từ lâu tôi và các cán bộ làm công tác Hội Nông dân cùng nhiều bà con ở địa phương đã coi báo Nông Thôn Ngày Nay (NTNN) là một người bạn tinh thần thân thiết...
Bình luận 0
Cứu tinh của dịch cúm gà
Lần đầu tiên tôi được cầm trên tay tờ NTNN cách đây hơn 8 năm. Đó là vào khoảng mùa đông năm 2005, khi tôi mới rời Bệnh viện Điều dưỡng thương binh nặng Phú Thọ về với vợ con. Năm ấy ở quê tôi có dịch gà rù, gà mọc ránh ở mắt và chết rất nhiều, có những hộ gà chết trắng chuồng. Bà con trong thôn nhìn thấy nhau chỉ biết thở dài, cái cảnh “nước mắt lăn theo những xác gà” có thể gặp từ đầu làng đến cuối xóm bởi công sức chăn nuôi cả năm coi như đổ sông, đổ bể. Trong khi bữa cơm chỉ có rau luộc, muối rang, gà nằm đầy sân mà không dám làm thịt vì sợ bệnh lây sang người...
Ông Nguyễn Hùng Giang được trao giải Nhất trong đợt thăm dò ý kiến bạn đọc năm 2006 của Báo NTNN.
Ông Nguyễn Hùng Giang được trao giải Nhất trong đợt thăm dò ý kiến bạn đọc năm 2006 của Báo NTNN.

Thật may, đương khi chưa biết làm thế nào để cứu đàn gà thì có anh bạn làm cán bộ phòng văn hóa huyện qua chơi và đưa cho tờ báo NTNN, trong đó có bài phản ánh kinh nghiệm chữa gà rù, gà rây của một chủ trang trại ở Ba Vì (Hà Tây cũ) đăng trên trang Khoa học - Khuyến nông. Cũng chỉ giản đơn bằng thuốc kháng sinh, nước muối loãng, nước gừng và một số kỹ thuật chắn gió, kê cao nền chuồng... vậy mà khi làm theo, đàn gà của nhà tôi đã giảm hẳn số lượng chết và cứu được.
Nhiều hộ gia đình trong thôn, ngoài xã nhờ làm theo cách đó mà cũng hiệu nghiệm... Sau sự kiện ấy, uy tín của báo đối với bà con được nhân lên và với riêng tôi dù thu nhập gia đình không cao nhưng đã không chần chừ trích từ lương thương binh hàng tháng một khoản để đặt báo NTNN dài hạn. Nhờ vậy rất nhiều những kiến thức từ báo NTNN đã hỗ trợ tôi đắc lực trong suốt quá trình tham gia công tác ở địa phương và sau này là trưởng thôn...
Nhớ dịp năm 2008, báo NTNN đăng một chùm các bài viết về chủ đề “Một hạt thóc 40 khoản đóng góp” đã được bà con ở quê tôi rất quan tâm, hưởng ứng và đặc biệt hoan nghênh. Khi đó tôi là trưởng thôn đã được nhiều bà con đề nghị cắt những bài báo này và dán lên bảng tin tại nhà văn hóa để khi có thời gian mọi người tập trung đọc, tìm hiểu xem phản ứng của trung ương thế nào trước những vấn đề NTNN nêu. Một số anh em cựu chiến binh còn bảo, đọc mới thấy hoá ra người nông dân ở nơi nào cũng vất vả. Chỉ tiếc là bà con mình ở xa quá, trình độ lại hạn chế nên không góp được tiếng nói nào vào chùm bài ý nghĩa ấy. Tiếp ngay sau chùm bài viết về một hạt thóc phải “cõng” nhiều khoản phí, NTNN lại thực hiện loạt bài với chủ đề “Tìm lối ra cho người nông dân bị mất đất” - một vấn đề mà người dân quê tôi ai cũng thở dài bảo: “Sao giống với hoàn cảnh của bà con mình ở thời điểm hàng loạt khu công nghiệp đua nhau mọc lên trên đất ruộng đến thế!”...
Trở thành nhịp cầu với nông dân
Trong suốt 8 năm qua, báo NTNN đã thực sự trở thành người bạn tinh thần rất thân thiết với tôi và cả gia đình. Khi mở báo ra, sự quan tâm của tôi bao giờ cũng dành trước tiên cho các bài về Hội với nông dân, Khuyến nông và Dân tộc - Miền núi vì nó gần gũi và thực tiễn với những vấn đề mà mình quan tâm tìm hiểu. Cứ bài nào hay, có thể vận dụng được vào sản xuất hoặc để tham khảo là tôi cắt lấy dán vào sổ hoặc dán lên bảng tin của nhà văn hóa để chia sẻ cho mọi người cùng đọc và trao đổi. Có lẽ chính nhờ những tình cảm ấy mà tôi đã từng được mời về thủ đô để gặp mặt trực tiếp những người làm báo NTNN.

"Khi mở báo ra, sự quan tâm của tôi bao giờ cũng dành trước tiên cho các bài về Hội với nông dân, Khuyến nông và Dân tộc miền núi vì nó gần gũi và thực tiễn với những vấn đề mà mình quan tâm tìm hiểu”.
Ông Nguyễn Hùng Giang


Đó là dịp cuối năm 2006, trong đợt thăm dò ý kiến bạn đọc cả nước về nội dung và hình thức của báo, tôi đã giành được giải Nhất, được vinh dự mời về Hà Nội để nhận thưởng. Bà con trong làng khi biết tin ai cũng chúc mừng và từ đó hình như tất cả những kiến thức liên quan đến cây, con, giống, mùa vụ, thuốc trừ sâu, phân bón... do tôi cắt ra từ các trang báo dán lên bảng tin ở nhà văn hóa thôn đều được bà con đọc rất nghiêm túc, rồi đưa ra bàn luận sôi nổi không chỉ trong cuộc họp mà ngay cả khi đang lao động sản xuất.
Nhân dân trong thôn khi đó còn đưa ra đề nghị trưởng thôn, phó thôn phải chọn những bài viết về các vấn đề mang tính thời sự đăng trên báo NTNN như dịch cúm gà, dịch cúm lợn, chính sách của Nhà nước về đất nông nghiệp, chính sách hỗ trợ nông dân... để đọc trên loa phát thanh của thôn với thời lượng từ 5 - 15 phút bên cạnh những thông tin từ xã đưa xuống cần phổ biến...
Lần thứ hai tôi được mời về Hà Nội là vào năm 2009, để tham dự và đại diện cho độc giả nông dân phát biểu tại lễ kỷ niệm 25 năm Ngày Báo NTNN ra số đầu tiên. Trong hành trang tôi mang theo khi ấy có cả chục lá thư, câu hỏi cùng lời nhắn của bà con gửi tới báo thế mà khi bước chân vào hội trường Nhà hát Lớn, không biết có phải do sự choáng ngợp nên chẳng may tôi bị “lạc” mất chiếc balô, vậy là sau một hồi ngơ ngác đành ngậm ngùi coi như đó là khoản “lệ phí” từ quê về phố...
Thấm thoắt vậy mà đã gần một thập niên tôi có NTNN làm bạn và tờ báo cũng chỉ còn một thời gian ngắn nữa là tròn tuổi 30. Những độc giả nông dân như chúng tôi với tình cảm chân chất, quê mùa của mình luôn mong mỏi NTNN - người bạn của tam nông sẽ ngày càng đẹp hơn, hay hơn, gần gũi với đời sống hơn. Chúng tôi mong mỏi được đọc báo NTNN hàng ngày, những người nông dân khắp các vùng quê sẽ bớt đi những tiếng thở dài vì thương cho thân phận nghèo khó vất vả của mình.
Nguyễn Hùng Giang ( Nguyễn Hùng Giang )
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem