Đọc sách cùng bạn: Con người là quan trọng chứ không phải lý thuyết
Đọc sách cùng bạn: Con người là quan trọng chứ không phải lý thuyết
Phạm Xuân Nguyên
Thứ sáu, ngày 21/08/2020 08:00 AM (GMT+7)
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Cuốn sách hôm nay tôi giới thiệu cùng bạn là cuốn hồi ký "Bùi Kiến Thành – Người mở khóa lãng du" do nhóm tác giả Lê Xuân Khoa, Xuân Chi và Nguyễn Thanh Huyền thực hiện.
Tôi đã đọc không dứt cuốn sách này, bạn ạ, vì nó thực sự lôi cuốn. Lôi cuốn về số phận của nhân vật. Lôi cuốn về một cách viết hồi ký khác lạ. Phải, đây là một cuốn hồi ký, như đã ghi rõ ở bìa sách. Hồi ký của Bùi Kiến Thành, một chuyên gia kinh tế tài chính mà cuộc đời và số phận ông, có thể nói, chứa đựng cả lịch sử của đất nước ta thế kỷ hai mươi.
Nhóm bạn trẻ thế hệ 8x đã có cơ duyên được tiếp xúc với ông và được ông tin cậy kể chuyện về cuộc đời mình. Họ đã trò chuyện cùng ông trong suốt ba năm, đã theo chân ông về quê, đã gặp gỡ những người bà con họ hàng con cháu anh em, những người có tiếp xúc làm việc với ông, đã đọc một khối lượng lớn sách báo tài liệu về thời lịch sử mà ông sống để tìm hiểu, so sánh đối chiếu các chi tiết, sự kiện. Cuối cùng Lê Xuân Khoa - một nhà văn trẻ đã chấp bút viết nên thiên hồi ký có lời kể của nhân vật, có lời thuyết minh của người viết, có những đoạn mô tả không khí trò chuyện, đem lại cho cuốn sách mang tính hồi ký nhưng không đều đều một giọng mà câu chữ linh hoạt, rõ ràng, đưa người đọc nhập cuộc như đang được nghe chính Bùi Kiến Thành kể cho nghe về cuộc đời ông một cách thân tình, xúc động.
Bùi Kiến Thành thuộc dòng tộc họ Bùi nổi tiếng ở Quảng Nam. Chàng thanh niên ấy đã thừa hưởng được từ ông cha mình cái chí tiến thủ ở đời và cái lòng sống vì người đời. Học trong nước rồi sang Pháp thi tú tài Tây. Thi xong bắt đầu chọn học nghề đại học. Lúc đầu ông định chọn ngành hàng không vũ trụ. Nhưng mới học được nửa năm thì ông bố từ nhà gửi thư bảo chuẩn bị sang Mỹ mà học kinh tế, nghề đó sau này có chỗ dùng hơn. Vậy là ông xoay qua học tiếng Anh và rồi sang Mỹ. Năm 22 tuổi ông tốt nghiệp đại học Columbia (New York) ngành kinh tế tài chính.
Ngay năm ấy ông đã về nước, trở thành trợ lý đặc biệt cho Thủ tướng Quốc gia Việt Nam Ngô Đình Diệm do hai người có mối thân giao từ trước. Ông ra vào dinh Gia Long (Phủ thủ tướng) như người nhà. Sau đó ông làm đại diện Ngân hàng Quốc gia Việt Nam tại New York khi mới 24 tuổi, là người trẻ tuổi nhất trong hơn 60 đại diện Ngân hàng nhà nước tại Hoa Kỳ, từ 1956 đến 1958. Có thể nói dưới thời đệ nhất Việt Nam Cộng hòa của tổng thống Ngô Đình Diệm, ông là người được tin tưởng và tin dùng.
Ở bước đầu vào đời này của Bùi Kiến Thành, bạn đọc sẽ thấy nơi ông một nhiệt tình tuổi trẻ muốn thử thách mình trong các lĩnh vực hoạt động khác nhau mà cái chính là đem lại lợi ích cho cộng đồng, cho người dân. Ở vào địa vị của ông lúc đó mà ông muốn tham chính ở ngôi cao chức trọng thì rất dễ, nhưng ông đã chọn con đường làm kinh tế và văn hóa giáo dục. Ông tự nhận mình không có sứ mệnh chủ tướng cầm quân, có trao cờ cho ông thì ông cũng trao cho người khác phất cờ. Còn ông lặng thầm làm một người quân sư, một người mở khóa những cánh cửa đang đóng hay chưa mở.
Giữa lúc chính quyền Ngô Đình Diệm chưa ổn định, ông đã cùng nhóm anh em trí thức trẻ từ nước ngoài về bàn nhau lập ra trường Bách khoa Bình dân dạy miễn phí các ngành nghề kỹ thuật cho người dân có một cái nghề để kiếm sống. Bùi Kiến Thành hãnh diện và tự hào nhớ lại: "Có những người vô gia cư, vô sự nghiệp, từ ngôi trường ấy đã trở thành những chuyên gia, danh nhân thành đạt hàng đầu tại Sài Gòn. Làm văn hóa bình dân luôn là một việc tuyệt đối hệ trọng và vĩ đại trong mọi thời kỳ" (tr. 131). Rồi ông lại cùng bạn bè sáng lập tờ "Bách Khoa", một tạp chí chuyên về biên khảo, nghiên cứu, văn hóa văn nghệ dày dặn uy tín tồn tại suốt từ 1957 đến 1975.
BÙI KIẾN THÀNH – NGƯỜI MỞ KHÓA LÃNG DU
Tác giả: Lê Xuân Khoa, Xuân Chi, Nguyễn Thanh Huyền
BestBooks & Nhà xuất bản Thế Giới, 2020
Số trang: 355
Số lượng: 2000
Giá bán: 150.000đ
Trong hoàn cảnh chính trị hết sức rối ren, phức tạp và nguy hiểm ở Sài Gòn cuối thập niên 1950 đầu thập niên 1960, Bùi Kiến Thành đã chọn một hướng đi riêng cho mình. Trở về nước sau khi được cử sang Mỹ học về ngân hàng, ông đã rời khu vực quốc doanh chuyển sang khu vực dân doanh, mặc dù Tổng thống Diệm vẫn rất muốn ông ở lại làm việc tại Ngân hàng Quốc gia Việt Nam.
Và công việc đầu tiên khi ra làm ngoài của Bùi Kiến Thành là nhận chức chủ tịch kiêm tổng giám đốc của công ty bảo hiểm AIU (American International Underwriters) tại Sài Gòn. Vì sao một người còn rất trẻ, lại chưa hề có kinh nghiệm và kiến thức nghiệp vụ về lĩnh vực này lại được một công ty nước ngoài danh tiếng chọn vào một vị trí như vậy? Đáp lại câu hỏi này của người bạn trẻ ghi chuyện đời mình, Bùi Kiến Thành cho biết: "Người Mỹ làm việc chu đáo lắm. Để đặt vấn đề thì họ đã phải nghiên cứu tiểu sử của mình rồi. Thời đó mà có anh Việt Nam học từ Columbia ra, là trường kinh doanh hàng đầu, về làm trợ lý cho thủ tướng, rồi tiếp quản Ngân hàng Trung ương do Pháp giao lại, rồi làm ở Viện Hối đoái, rồi qua Mỹ làm đại diện Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, về lại "available" thì ông ấy thấy đây là một cơ hội rất hiếm…" (tr. 167).
Cái sự biết cách nhìn người và dùng người như vậy là rất cần thiết và cần phải có của những người lãnh đạo, quản lý, nhất là ở tầm quốc gia. Sau 1975, Bùi Kiến Thành đã gạt bỏ mọi hàng rào ngăn cách trong ngoài, bên này bên kia, để lại đóng góp cho đất nước khi ông được những người đứng đầu Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tìm cách hỏi ý kiến về việc vực dậy nền kinh tế sau chiến tranh, cũng như nhờ cậy việc qua lại với Mỹ để tiến tới bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.
Ông nói thẳng ông là tư bản hạng nặng, là bạn cố tri vong niên của ông Diệm, là người không tin chủ nghĩa cộng sản, nhưng vì đất nước dân tộc ông sẵn sàng góp ý. "Ý kiến của tôi mang tính tư vấn, cái gì dùng được ngay thì dùng, cái gì chưa dùng được ngay thì để đấy" (tr. 250). Bàn về kinh tế ông nói với những người đến gặp mình "một là đồng ý với nhau về tư tưởng dân có giàu nước mới mạnh, còn nếu không đồng ý thì không có chuyện gì để nói với nhau nữa" (tr. 252). Và chờ khi lãnh đạo Việt Nam chấp thuận quan điểm đó thì ông mới đi vào bàn bạc cụ thể các vấn đề của kinh tế thị trường.
Khi viết thư từ qua lại với các quan chức cấp cao của Mỹ để giúp Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, ông cũng hành động với tư cách cá nhân. "Bác Thành trình bày dưới nhãn quan của một công dân Mỹ được nhà nước Việt Nam tiếp cận đặt vấn đề, nói chuyện với chính phủ Mỹ về quan hệ mà Việt Nam mong muốn, không phải với tư cách đại diện chính phủ Việt Nam hay đại sứ của Việt Nam. Cho đến tận hôm nay cũng vậy, bác Thành làm việc với chính phủ Việt Nam với vai trò cố vấn độc lập" (tr. 263).
Ngày 25/2/1992, Bùi Kiến Thành đã gửi đến Thứ trưởng Bộ Nội vụ Lê Minh Hương và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Phan Hiền một bản "Đề nghị Đổi mới" dài 9 trang đánh máy. "Bản đề nghị phân tích tầm quan trọng và thiết yếu của việc thiết lập quan hệ ngoại giao chiến lược với Mỹ, đồng thời đưa ra một số những gợi ý cụ thể, cả về mặt kinh tế và ngoại giao, để thúc đẩy xúc tiến bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh vai trò của cộng đồng Việt kiều đối với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế trong nước" (tr. 270).
Trên đây tôi chỉ lẩy ra một vài sự kiện chính trong cuộc đời 90 năm của một người Việt Nam mang tên Bùi Kiến Thành. Bạn đọc sách sẽ còn được biết nhiều điều về thời cuộc lịch sử ở miền Nam hồi chia cắt đất nước mà ông kể lại trong vai trò một người tham dự và người chứng, đó là những tư liệu có độ khả tín cao, có ích cho những người làm sử nước nhà. Bạn sẽ phải ngạc nhiên thán phục với ông bố bà mẹ của ông, nhất là người bố - bác sĩ Bùi Kiến Tín, một người có đầu óc kinh doanh đã chế ra loại dầu gió mang tên mình và biết cách phổ biến nó trên thị trường. Bạn sẽ thích thú với cuộc đời riêng của ông qua chuyện lấy vợ, chuyện nuôi đứa con đầu, chuyện tình với những người phụ nữ khác nhau. Bạn sẽ bất ngờ thú vị khi biết ông là cháu họ của thi sĩ trung niên Bùi Giáng mà có lần ông chú đã viết thơ cho người cháu: "Bùi sau sau rất diện tiền / Niềm vui hồi phục nguyên huyền ban sơ" (tr. 329).
Cách viết của những người chấp bút cho hồi ký của Bùi Kiến Thành là cách trò chuyện. Chọn cách viết đó, nhóm tác giả có lẽ muốn ngụ ý một sự truyền kể lịch sử từ thế hệ trước đến thế hệ sau. Bùi Kiến Thành tin cậy cho ba người trẻ gặp gỡ nghe chuyện và viết về đời mình chắc là cũng trong ý đó. Đại từ "bác Thành" được ghi lại trong các câu kể tạo cảm giác thân mật, chân tình. Vì vậy có những chuyện những việc tưởng rất khó nói, không nói ra được, thì đã được nhân vật nói ra một cách đơn giản, rõ ràng. Là người của chế độ cũ nay làm việc cho chế độ mới, Bùi Kiến Thành hẳn nhiên đã gặp không ít sự cản trở, chống đối từ những người nghi kị ông. Khi được hỏi trong hoàn cảnh đó ông có tức giận không, Bùi Kiến Thành đã nói: "Cũng có những lúc cảm thấy tức giận nhất thời nhưng tức giận để đi đến đâu? Mình không chống đối, đạp đổ gì, chỉ cố gắng với những thứ có trong tay mình. Thiếu gì người có tư tưởng đạp đổ. Ngày Phạm Hùng cử người sang Pháp gặp bác Thành, bác Thành đồng ý cố vấn thì nhiều người suy nghĩ cổ điển nói anh ngu thế, anh là bạn cố tri của Ngô Đình Diệm, kẻ sĩ chỉ thờ một chúa, chúa bị lật đổ thì mình phải về vườn, sao giờ anh lại đi giúp kẻ đối nghịch với mình. Cũng có người bảo, anh ngu thế, gia đình anh từng là đại tỷ phú, thế mà giờ già anh không có cái nhà để ở, vậy mà giờ anh đi cố vấn không công. Người ta nghĩ vậy nhưng bác Thành nghĩ khác. Bác Thành cho rằng lịch sử như vậy thì than thở không giải quyết được gì. Bác chỉ đơn giản nghĩ đến đồng bào đang lâm vào cảnh lầm than, làm sao giải quyết ngăn sông cấm chợ, bế quan tỏa cảng để cho người dân dễ thở. Con người là quan trọng chứ không phải lý thuyết" (tr. 331-332).
Câu cuối cùng trong đoạn này đã được Bùi Kiến Thành chứng thực bằng cả cuộc đời mình đi qua bão táp lịch sử thế kỷ hai mươi của nước Việt Nam và khiến cho câu chuyện cuộc đời ông có sức lay động và thuyết phục mạnh đối với người đọc. Nhờ đó cuốn sách xuất bản lần đầu 2015 nay được tái bản có chỉnh lý bổ sung. Trong "Lời bạt" cho cuốn sách do chính ông viết, Bùi Kiến Thành đã cám ơn nhóm tác giả: "Cách thể hiện mà các bạn lựa chọn không hoàn toàn giống với tưởng tượng ban đầu của tôi, khiến tôi thấy bất ngờ, thú vị vô cùng bởi sự mới mẻ, trẻ trung và nhiều màu sắc. Vì thế tôi tin tưởng cuốn sách sẽ đến được với đông đảo bạn đọc gần xa thuộc nhiều độ tuổi khác nhau, không chỉ thế hệ những người trưởng thành mà cả những bạn đọc trẻ ở độ tuổi đôi mươi cũng có thể tìm thấy điều gì đó ý nghĩa từ cuốn sách" (tr. 336-337). Tôi chia sẻ ý kiến này của "Người mở khóa lãng du" khi đọc hết cuốn sách.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.