Đổi mới cách dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn ở Phú Thọ
Đổi mới cách dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn ở Phú Thọ
Hoan Nguyễn
Thứ hai, ngày 31/10/2022 05:48 AM (GMT+7)
Mỗi năm, tỉnh Phú Thọ có trên 78.000 nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Lực lượng nông dân giỏi này trực tiếp truyền đạt kinh nghiệm, dạy nghề, truyền nghề, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động nông thôn.
Hội Nông dân đổi mới cách dạy nghề, thêm cơ hội việc làm
Giai đoạn 2016 - 2021, Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp (Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ) đã trực tiếp tổ chức đào tạo 83 lớp sơ cấp nghề cho 2.965 học viên; phối hợp đào tạo 161 lớp nghề cho 5.628 học viên.
Ngoài ra, Trung tâm cũng tổ chức tư vấn về nghề và việc làm cho 10.365 lượt người, giới thiệu việc làm cho 1.050 lao động.
Thông qua công tác đào tạo nghề và nâng cao tay nghề đã làm thay đổi mạnh mẽ về nhận thức và ý thức cho lao động nông thôn, dần xóa bỏ được tập quán canh tác lạc hậu.
Lao động sau đào tạo đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa những giống cây, con mới và máy móc vào sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn.
Sau khi học nghề, gần 80% lao động nông thôn đều tự tạo được việc làm, mở rộng quy mô, đầu tư thiết bị, máy móc phục vụ cho sản xuất, chế biến nông, lâm nghiệp, thủy sản. Các nghề phi nông nghiệp sau khi được đào tạo đã tư vấn và giới thiệu cho các lao động được vào làm việc tại các cụm, khu công nghiệp và xuất khẩu lao động...
Tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, Trung tâm Hỗ trợ nông dân và giáo dục nghề nghiệp đã trực tiếp tổ chức 18 lớp nghề cho 630 lao động nông thôn.
Hội Nông dân các huyện, thành, thị phối hợp tổ chức 27 lớp nghề cho 930 lao động nông thôn với các ngành nghề kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm; kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi...
Từ đó, hơn 1.400 lao động qua đào tạo có việc làm ổn định; xây dựng 21 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Trong hoạt động liên kết hợp tác, dạy nghề, dịch vụ hỗ trợ cho nông dân của Hội Nông dân đã có nhiều điểm mới. Đó là, các cấp Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ đã chủ động phối hợp với ban ngành chức năng, HTX, doanh nghiệp mở các lớp đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho hàng trăm lượt nông dân trong và ngoài địa phương. Sự tham gia của các doanh nghiệp, HTX góp phần giúp các học viên dễ dàng tiếp cận các ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất.
Đơn cử như mô hình các cấp Hội Nông dân Phú Thọ phối hợp Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao mở trên 600 lớp tập huấn, xây dựng mô hình trình diễn, khảo nghiệm, hướng dẫn quy trình kỹ thuật sử dụng phân bón Lâm Thao khép kín trên cây trồng, hướng dẫn cách nhận biết, sử dụng các sản phẩm phân bón của công ty cho trên 36.000 lượt hội viên nông dân. Qua đó, cung ứng gần 23.500 tấn phân bón NPK trả chậm với giá trị trên 110 tỷ đồng
HTX sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ từ tre, nứa Đỗ Xuyên là một trong những điểm sáng trong công tác truyền, đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn ở xã Đỗ Xuyên, huyện Thanh Ba, Phú Thọ. Điều đặc biệt, nguồn lao động dư thừa (người ngoài 50 tuổi) chính là lực lượng sản xuất chủ yếu của HTX này.
HTX Đỗ Xuyên thu hút, tạo việc làm thường xuyên cho 35-40 lao động (cả người lao động trong và ngoài xã Đỗ Xuyên); liên kết với 15-20 hộ nông dân trong xã để đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Người lao động HTX Đỗ Xuyên từ chỗ có thu nhập chỉ từ vài trăm nghìn đồng/tháng, đến nay đã tăng lên ổn định từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Đồng thời, HTX còn tạo việc làm ổn định cho 2 người khuyết tật với thu nhập 4 triệu đồng/tháng/người.
Nông dân giỏi thúc đẩy, tạo việc làm cho lao động nông thôn
Bà Bùi Thị Sở (khu 4, xã Đỗ Xuyên) cho hay: "Ở độ tuổi ngoài 60, đi kiếm việc làm thuê để có thêm thu nhập rất khó khăn. Nhưng nếu chỉ ngồi chơi, sống phụ thuộc con cháu cũng không đành. Công việc đan lát tại HTX Đỗ Xuyên vừa phù hợp với sức khỏe, vừa mang lại thu nhập khá cho lao động dôi dư như tôi".
Ông Đỗ Văn Liên (xã Đỗ Xuyên) chia sẻ, lúc bắt đầu tham gia sản xuất tại HTX, mọi người đều được đào tạo nghề miễn phí và tạo việc làm với thu nhập khá ổn định.
"Công việc ở đây tuy đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo, nhưng không quá áp lực giờ giấc hành chính, di chuyển xa như công nhân lao động làm công ty. Tôi và nhiều lao động khác vào vụ vẫn có thể ban ngày vừa cày, cấy lúa, vừa tranh thủ buổi tối làm nghề đan lát, thu nhập vẫn đều đều khoảng 5 triệu đồng/tháng" - ông Liên nói.
Ông Đỗ Quốc Thuận (khu Đồng Phú, xã Thạch Khoán, huyện Thanh Sơn) là một trong 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022.
Theo ông Thuận, là một nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, ông thấy phải có trách nhiệm chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ bà con, hội viên nông dân về cách thức phát triển kinh tế.
Do đó, ông thường xuyên trao đổi, truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm mô hình kinh tế đồi rừng gắn với chăn nuôi đại gia súc mang lại hiệu quả cao của gia đình cho đông đảo bà con nông dân của các huyện miền núi tỉnh Phú Thọ nói chung và huyện Thanh Sơn nói riêng.
Hằng năm, mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi của ông Thuận đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động thời vụ, 15 lao động thường xuyên với mức thu nhập ổn định từ 7-7,5 triệu đồng/tháng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.