Tháng 4 vừa qua, TAND Hà Nội mở phiên phúc thẩm theo kháng cáo đòi nuôi hai con của anh Nam với người vợ. Ngoài anh và chị Lài (vợ cũ), còn hai con trai đang tuổi đến trường có mặt tại phiên tòa.
Anh Nam và chị Lài kết hôn được 15 năm, có hai con trai 14 và 8 tuổi. Tài liệu thể hiện, anh làm nghề tự do, thường xuyên vắng nhà, mọi việc gia đình, chăm sóc con cái chị một mình xoay sở.
Mỗi lần đi làm xa về nhà, anh thường gọi bạn bè tụ tập, uống rượu. Hễ vợ ý kiến, anh lại thượng cẳng chân, hạ cẳng tay khiến cuộc sống trở nên ngột ngạt. Tiền hàng tháng anh đưa không đủ vì các con học hành tốn kém, chị phải làm thêm để trang trải các khoản chi tiêu.
Cuộc sống vất vả, cùng với việc phải chịu đựng thói vũ phu của chồng, chị Lài mệt mòi, tìm cách giải tỏa cùng bạn. Nghe chuyện vợ đi chơi về muộn, anh Nam đón xe về, đánh chị trước mặt hai con, khiến phải nhập viện.
Sau lần hành hung đó, trước mặt hai bên gia đình, anh viết đơn xin lỗi, hứa không tái phạm. Thực tế anh vẫn đánh đập vợ. Không chịu đựng được các trận đòn vô cớ của chồng, chị Lài trốn về nhà bố mẹ đẻ rồi đưa đơn ly hôn.
Nhận được giấy của tòa, anh tức tối vì chị "dám bỏ" mình, tìm cách giữ hai con, không cho gặp mẹ. Mỗi lần nhớ con, chị phải tới trường gặp. Biết chuyện, anh gọi điện dọa nạt chị: "Nếu còn gặp chúng, tôi sẽ chặt chân".
Lo sợ, chị chỉ dám gọi điện thoại cho con nhưng chồng cấm hai đứa trẻ nghe máy. Chị dùng số lạ gọi cho con, anh cũng biết. Mỗi lần như vậy, anh đánh con để chị nghe thấy tiếng kêu khóc. Có lần, con trai lớn thét lên qua điện thoại: "Mẹ đừng gọi nữa, bố đánh con chết mất".
Thương con nhưng không biết làm cách nào, chị âm thầm khóc. Có lần, con trai út gọi điện thoại cho chị, nói "Mẹ nhanh về đón con" khiến chị đau đớn. Song chị quyết tâm ly hôn bằng được với người chồng vũ phu.
Trong phiên tòa sơ thẩm do TAND một huyện ngoại thành Hà Nội mở, chị trình bày nỗi khổ tâm khi bị chồng giày vò cả thể xác lẫn tinh thần, mong muốn được ly hôn. Nguyện vọng của chị được chấp thuận, con trai út về ở với mẹ.
Anh Nam kháng cáo, đòi nuôi cả hai con vì cho rằng thu nhập đủ sức nuôi chúng đến lúc trưởng thành, không cần chị chu cấp thêm. Trình bày trước tòa phúc thẩm, anh nói chị không xứng đáng để làm mẹ; chị không biết nuôi con khi để đứa lớn nghiện Internet, đứa bé suy dinh dưỡng...
Trước cáo buộc của chồng, chị nước mắt lưng tròng cho hay không bỏ bê các con. Thời gian còn là vợ chồng, chỉ mình chị chăm sóc chúng, anh không hề quan tâm tới. Việc đi ra ngoài gặp các bạn để giải tỏa căng thẳng trong cuộc sống, riêng chị vẫn làm tròn trách nhiệm người mẹ.
"Các con đều muốn ở với tôi", anh nói và cho hay sẽ để chúng "đối chất". Lúc đó, tòa cho phép hai bé trai vào phòng xử và hỏi ý nguyện vọng. Hai anh em nhìn mẹ rồi quay sang gặp ánh mắt của bố, nói: "Chúng cháu muốn ở với bố".
Nghe vậy, người mẹ tiếp tục khóc: "Các con đã mong mẹ về đón từng ngày, sao bây giờ lại đổi ý?". Bọn trẻ chỉ biết im lặng.
Sau khi xem xét, tòa phúc thẩm bác đơn kháng cáo của anh, tuyên chị nuôi bé út. Chủ tọa cho hay, nếu có sự cản trở nào trong việc thăm nuôi con hoặc can thiệp thô bạo, ảnh hưởng đến sức khỏe bọn trẻ của bên này thì bên kia có thể thu thập chứng cứ, ghi âm... để đòi thay đổi quyền chăm sóc.
Tòa cũng khuyên anh phải có cách ứng xử đúng đắn, để các con có môi trường phát triển tốt nhất, sau ly hôn của bố mẹ.
*Tên nhân vật đã thay đổi.
XEM THÊM:
Giọt nước mắt ân hận của kẻ đoạt mạng người yêu chỉ vì ghen. Nguồn: Zing
Việt Dũng (VNE)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.