Ông Trịnh Văn Quyết bị bắt: Cú sốc hay cái kết "có hậu"?
Ông Trịnh Văn Quyết bị bắt: Cú sốc hay cái kết "có hậu"?
Minh Huệ
Thứ ba, ngày 29/03/2022 20:20 PM (GMT+7)
Việc ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC bị bắt tạm giam vào tối ngày 29/3 vì tội "thao túng thị trường chứng khoán" được coi là một biện pháp mạnh để răn đe những ai đã và đang có ý định sử dụng thị trường chứng khoán như một canh bạc và mình là "nhà cái".
Mấy ngày qua, thông tin về ông Trịnh Văn Quyết bị bắt đã tác động ít nhiều tới thị trường chứng khoán, nhưng có thể thấy, những cổ phiếu giảm sàn, giảm sâu đều là những cổ phiếu liên quan tới vị đại gia này. Sau khi bình tĩnh trở lại, thị trường chứng khoán ngày 29/3 đã có sự bùng nổ khi VN-Index tăng 14,58 điểm lên 1.497,76 điểm, HNX-Index tăng 6,35 điểm lên 461,24 điểm, UPCoM-Index tăng 1,36 điểm lên 117,37 điểm. Tính chung toàn thị trường, tổng giá trị khớp lệnh đạt 29.171 tỷ đồng; trong đó, riêng giá trị khớp lệnh sàn HoSE đạt 23.486 tỷ đồng.
Diễn biến thị trường chứng khoán ngày 29/3 với thông tin ông Trịnh Văn Quyết bị bắt nói lên điều gì? Đây có phải là thông tin xấu hay là một cái kết "có hậu" cho thị trường chứng khoán với biện pháp đủ mạnh để răn đe những kẻ đã và đang có ý định sử dụng thị trường chứng khoán như một công cụ để thu lợi bất chính?
Hành vi "bán chui" cổ phiếu có tổ chức (chỉ đạo các cá nhân có quan hệ gia đình hoặc thân thiết điều hành nhân viên Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty con, công ty vệ tinh sử dụng 20 tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức để thông đồng mua, bán chứng khoán với tần suất lớn) nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo kích cổ phiếu tăng giá để bán kiếm lời bất chính khoảng 530 tỷ đồng của ông Trịnh Văn Quyết cần phải có một biện pháp răn đe đủ mạnh.
Thực tế, hành vi thao túng thị trường chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết không phải là mới mẻ ở Việt Nam hay đặc biệt là thị trường chứng khoán Mỹ với lịch sử hàng trăm năm. Hành vi này được giới đầu tư gọi là "Trò chơi thao túng". Trong thời kỳ hoàng kim, hành vi này đúng là một trò chơi cờ bạc rủi ro, thuần túy và đơn giản, là một giai đoạn trong cuộc giao tranh không bao giờ có hồi kết của Phố Wall. Khi trò chơi thao túng diễn ra, phương pháp cơ bản của những người đầu cơ giá lên là mua cổ phiếu và những người đầu cơ giá hạ sẽ bán cổ phiếu.
Một "trò chơi thao túng" chấn động nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán Mỹ đó là từ mùa xuân đến mùa hè năm 1958, khi giá mỗi cổ phiếu phổ thông của công ty E. L. Bruce, nhà sản xuất sàn gỗ cứng số một ở nước Mỹ, tăng từ mức dưới 17 USD lên đến 190 USD. Giá cổ phiếu tăng ở mức đáng ngạc nhiên, thậm chí tăng 100 USD một cổ phiếu chỉ trong vòng một ngày.
Đây chỉ là một trong những vụ thao túng kinh điển trong lịch sử Phố Wall. Hành vi thao túng thị trường chứng khoán diễn ra mạnh mẽ nhất vào giai đoạn thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX và đã hơn một lần các vụ thao túng thị trường đe dọa làm sụp đổ nền kinh tế Mỹ. Cái kết của những người tham gia "trò chơi thao túng" này đều vướng vào lao lý, tù tội.
Ở Việt Nam, tội thao túng thị trường chứng khoán nhằm kiếm lời bất chính cũng đã phải chịu hình phạt của pháp luật. Tháng 5/2019, lần đầu tiên TAND TP Hà Nội đưa vụ án thao túng giá chứng khoán ra xét xử. Theo đó, ông Trần Hữu Tiệp, cựu Chủ tịch HDQT Công ty CP Mỏ và xuất khẩu khoáng sản – MTM) và 14 đồng phạm phải hầu toà. Ông Tiệp án tù chung thân vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hai bị cáo khác nhận 30 tháng tù treo vì tội Thao túng giá chứng khoán. Các bị cáo còn lại nhận án từ 20 tháng tù treo đến 12 năm tù giam.
Tháng 5/2020, TAND TP Hà Nội cũng đã mở phiên tòa xét xử vụ thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại công ty CP công nghiệp và khoáng sản Bình Thuận (KSA) với 18 tháng tù cho bà Phạm Thị Hinh, cựu Chủ tịch HĐQT công ty KSA. Một trường hợp khác là bà Nguyễn Vân Giang (cựu Giám đốc Công ty TNHH MTV chứng khoán Ngân hàng Đông Á- Công ty DAS) đã phải nhận 17 năm tù vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và 3 năm tù vì tội Thao túng giá chứng khoán.
Tuy nhiên, quy mô của những vụ án này còn rất nhỏ so với ông Trịnh Văn Quyết.
Với việc sở hữu trực tiếp cổ phiếu của 4 công ty niêm yết trên sàn chứng khoán (FLC, ROS, ART, GAB) quy mô vốn điều lệ hơn chục nghìn tỷ (FLC gần 7.100 tỷ đồng, ROS là 5.676 tỷ đồng, ART là 969.22 tỷ đồng; GAB là 138 tỷ đồng), giá trị tài sản trên thị trường chứng khoán lên tới 4.000 tỷ đồng là không nhỏ. Hành vi thao túng thị trường chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết có thể đe doạ đến thị trường chứng khoán Việt Nam và nền kinh tế nói chung.
Câu hỏi đặt ra ai giúp ông Trịnh Văn Quyết thao túng thị trường chứng khoán? Ai dung túng và động cơ nào để ông Quyết, một người lẽ ra là hiểu luật, không chỉ một lần có hành vi như vậy? Câu trả lời sẽ dần được hé lộ trong vài ngày tới khi mà cơ quan công an phối hợp với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước nhằm củng cố hồ sơ để đưa ra ánh sáng những đối tượng có liên quan.
Việc xử lý nghiêm hành vi thao túng thị trường chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết nói riêng và các trường hợp khác nói chung cho thấy cơ quan quản lý muốn nhấn mạnh thông điệp "thượng tôn pháp luật, thực hiện đúng quy định của pháp luật, sai đến đâu sẽ xử lý nghiêm tới đó, giữ vững kỷ cương, kỷ luật và tính minh bạch của thị trường chứng khoán".
Cũng từ những hành vi thao túng thị trường chứng khoán trên, có thể thấy các quy định pháp luật liên quan đến xử lý vi phạm chứng khoán hiện nay vẫn còn nhiều kẽ hở, dễ làm méo mó thị trường. Đã đến lúc cần phải hoàn thiện hơn nữa những quy định pháp luật liên quan đến xử phạt chứng khoán theo hướng xử lý nghiêm để thị trường chứng khoán Việt Nam thực sự trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế. Từ đó tạo niềm tin cho nhà đầu tư yên tâm, tin tưởng đầu tư và không còn lo sợ mình đang tham gia một cuộc chơi bạc, mà thua hay thắng phụ thuộc vào đạo đức của những kẻ "tay to".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.