Đồng Nai: Hết dịch tả lợn nhưng... "hết tiền" tái đàn

Nguyễn Vy Thứ tư, ngày 08/04/2020 07:55 AM (GMT+7)
Việc cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai công bố hết dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) trên địa bàn tỉnh đã tạo ra nhiều tâm lý phấn khởi trong khâu sản xuất, lưu thông thịt lợn. Nhưng với các hộ chăn nuôi, họ chưa thể tận dụng ngay thời cơ này để tái đàn vì thiếu vốn.
Bình luận 0

Tỷ lệ hao hụt cao

Đầu tháng 3/2020, giá lợn hơi ở Đồng Nai có thời điểm tăng lên tới 75.000-80.000 đồng/kg, sau đó đến giữa tháng 3, giá lợn hơi đồng loạt giảm khoảng 1.000 đồng/kg. Nhưng từ đó đến nay, giá hầu như không giảm, thậm chí ở các huyện Thống Nhất, Xuân Lộc giá vẫn từ 77.000 - 80.000 đồng/kg khiến giá thịt lợn ở các chợ dân sinh vẫn duy trì ở mức cao.

img

Giá con giống và tỷ lệ hao hụt tăng cao khiến giá thành lợn hơi tăng. (Ảnh chụp tại huyện Thống Nhất, Đồng Nai).  Ảnh: N.V

"Hiện Hội vẫn giữ quan điểm đề nghị Chính phủ, thay vì dùng kinh phí hỗ trợ thiệt hại thì chyển qua hỗ trợ lãi suất cho trại có điều kiện khả thi và tâm huyết để họ đầu tư lại vào chuồng trại, con giống”.

Ông Nguyễn Trí Công Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai

Cùng với việc kêu gọi doanh nghiệp chăn nuôi kéo giảm giá thành, thời gian qua các bộ ngành cũng thực hiện giải pháp nhập khẩu thịt đông lạnh. Hiện đã có khoảng 15 doanh nghiệp ký hợp đồng nhập khẩu gần 3.500 tấn thịt lợn của Tập đoàn Miratorrg (Liên bang Nga).

Ông Trần Hữu Trung -  hộ chăn nuôi ở xã Gia Tân 2 (huyện Thống Nhất) đánh giá, việc nhập khẩu thịt lợn là giải pháp cần thiết để góp phần hạ giá thịt trong nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy thịt lợn đông lạnh chưa bán phổ biến ra thị trường, bởi thịt tươi nóng vẫn là lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng.

Còn nhớ, từ cuối năm 2019 đến Tết Nguyên đán, nguồn cung thịt lợn dự báo thiếu hụt khoảng 200.000 tấn. Khi đó, Chính phủ đã giao cho Bộ NNPTNT đến hết quý I/2020 phối hợp nhập khẩu 100.000 tấn thịt lợn. Nhưng thống kê đến giữa tháng 3/2020, cả nước mới nhập được khoảng 25.300 tấn thịt lợn các loại.

“Lượng thịt đông lạnh nhập từ Nga về dường như chưa đủ thấm tháp để giới chăn nuôi lớn e ngại hoặc tự động giảm giá lợn hơi. Còn với nông hộ, việc kêu gọi giảm giá thành sản xuất xuống 60.000 đồng/kg cũng không dễ thực hiện vì hiện nay, mọi chi phí đầu vào đều đã tăng cao hơn so với trước” - ông Trung nói.

Trước khi xảy ra DTLCP, quy trình chăn nuôi lợn theo Dự án Lifsap giúp ông Trung sản xuất lợn với giá thành 35.000-40.000 đồng/kg là chuyện bình thường. Nhưng nay giá con giống tăng cao và tỷ lệ hao hụt đàn lớn, cộng với giá thức ăn tăng cao, chi phí thuốc sát trùng chuồng trại cũng tăng lên, khiến giá thành tăng.

Bà Trần Thị Mộng Tuyền (ở xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất) cho biết, con giống loại 20kg hiện có giá 3,2 triệu đồng/con. Cộng với chi phí điện nước, nhân công phải thêm 3 triệu/con. Như vậy giá thành sản xuất hiện lên tới 6,2 triệu đồng/con (100kg), nên nếu giảm giá bán lợn hơi còn 60.000 đồng/kg thì coi như người chăn nuôi không có lãi. 

Một con lợn hậu bị hiện nay có giá khoảng 10 triệu đồng, cộng thêm các chi phí nuôi trong 6 tháng mới có được 1 lứa lợn giống. Chưa kể trong tình hình dịch bệnh hiện nay, tỷ lệ lợn hao hụt trong đàn tăng cao, từ 30-50%. “Với mức giá lợn hơi hơn 75.000 đồng/kg, lợi nhuận nông dân hưởng cũng không còn cao như mọi người vẫn tưởng” - bà Tuyền nhận xét.

Theo ông Nguyễn Trí Công – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, khi chưa có DTLCP thì mức hao hụt trung bình cho phép khoảng 5%. Hiện nay, vì chưa có vaccine mà chỉ áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, tỷ lệ hao hụt trung bình dao động từ 10-30%. Yếu tố hao hụt này đã làm giá thành tăng cao thêm.

Thiếu vốn tái đàn

Vừa qua, Đồng Nai công bố hết DTLCP đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển, kinh doanh, giết mổ, tiêu thụ lợn và sản phẩm từ lợn trên địa bàn Đồng Nai đến các tỉnh, thành. Tuy nhiên, bà Mộng Tuyền đánh giá việc này chỉ bước đầu tạo ra tâm lý thoải mái trong giới kinh doanh thịt lợn, còn việc người chăn nuôi muốn tận dụng dịp này để tái đàn hiện không hề dễ.

Đàn lợn cả nước sụt giảm khá nhiều, giá lợn hơi ở mức cao cũng là động lực cho các hộ tái đàn. Song, khó khăn hiện nay là đàn nái đã bị thiệt hại nặng nề sau dịch, nguy cơ tái phát dịch vì chưa có vaccine. Khó khăn lớn nhất là nguồn vốn để tái đầu tư. Hiện bà Tuyền vẫn còn đang nợ ngân hàng 500 triệu đồng chưa thể trả hết để vực lại nghề chăn nuôi. “May mắn là sau đại dịch, nhà tôi còn duy trì được vài con để tính chuyện hồi phục, chứ rất nhiều người vẫn đang ôm cả đống nợ” - bà Tuyền nói.

Huyện Cẩm Mỹ được đánh giá là một trong những địa phương đang làm tốt công tác tái đàn, nhưng ở đây người chăn nuôi không ai dám chủ quan. Từng là chủ trang trại lớn nhất nhì trong huyện với quy mô 500 con lợn nái, 5.000 con lợn thịt, sau dịch, ông Hà Văn Thẩm giờ mới nhọc nhằn tái đàn thành công với hơn 60 con nái.

Do giá con giống từ công ty cao, giống từ các trang trại thì khó đảm bảo chất lượng nên ông Thẩm tự nhân giống từ số lợn ít ỏi được cách ly. Cách làm này giúp gia đình tiết kiệm chi phí, vừa kiểm soát được số lượng đàn, chất lượng lợn. “Nhưng với các hộ đã trống chuồng, vốn đầu tư thiếu thốn, việc gầy dựng lại đàn không hề dễ”- ông Thẩm chia sẻ.

UBND huyện Cẩm Mỹ cũng cho biết, dù DTLCP đã được khống chế nhưng địa phương vẫn tổ chức ra quân dọn dẹp môi trường để phòng, chống dịch. Bên cạnh tập trung cho công tác tái đàn tại các trang trại lớn, đủ điều kiện an toàn sinh học, ngành nông nghiệp huyện này vẫn khuyến cáo các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong các khu dân cư chuyển đổi sang mô hình vật nuôi khác.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem