Dự án cụm công nghiệp Phong Phú: Giá trị bồi thường hơn 13 tỷ đồng, mới chuyển 1 tỷ đồng để chi trả?!

Phạm Hoài - Tuệ Linh Thứ hai, ngày 16/10/2023 09:08 AM (GMT+7)
Dự án cụm công nghiệp Phong Phú chưa triển khai đầu tư hạng mục hạ tầng kỹ thuật; chưa có bất cứ bồi thường, hỗ trợ nào cho các hộ dân nhưng lại xin được phê duyệt điều chỉnh tiến độ.
Bình luận 0

Mời dự họp, chủ đầu tư chỉ cử nhân viên

Theo hồ sơ Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Tân Lạc cung cấp, ngày 21/4/2022, UBND huyện Tân Lạc đã có quyết định số 863/QĐ-UBND về việc thu hồi 44.711,0m2 đất các loại của hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng tại xã Phong Phú và xã Mỹ Hòa để thực hiện dự án: Cụm công nghiệp Phong Phú, huyện Tân Lạc (đợt 1).

Cũng trong ngày 21/4/2022, UBND huyện Tân Lạc đã có quyết định số 862/QĐ-UBND về việc phê duyệt Phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi thu hồi đất để thực hiện dự án: Cụm công nghiệp Phong Phú, huyện Tân Lạc (đợt 1). 

Tổng kinh phí phê duyệt hơn 13,8 tỷ đồng; trong đó, tổng kinh phí phê duyệt chi trả trực tiếp cho các hộ dân là hơn 13,5 tỷ đồng.

Quy hoạch treo cụm công nghiệp Phong Phú: Bồi thường hơn 13 tỷ đồng…, chuyển 1 tỷ đồng để chi trả - Ảnh 1.

Ngày 21/4/2022, UBND huyện Tân Lạc đã có quyết định thu hồi 44.711,0m2 đất các loại của hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng tại xã Phong Phú và xã Mỹ Hòa để thực hiện dự án Cụm công nghiệp Phong Phú. Ảnh: Phạm Hoài.

Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Văn Đon – Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Tân Lạc cho biết: Dự án cụm công nghiệp Phong Phú đã được phê duyệt nhưng đến nay chưa triển khai. 

"Giai đoạn đầu dự án, huyện đã tiến hành giải phóng mặt bằng với số tiền chi trả cho các hộ dân là hơn 13 tỷ đồng. Trong khi đó, chủ đầu tư – Công ty Cổ phần đầu tư Lotus (Công ty Lotus) mới chuyển cho Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện Tân Lạc được 1 tỷ đồng. Huyện không biết chi trả tiền cho các hộ dân như thế nào!

UBND huyện đã có một số buổi làm việc với Công ty Lotus, công ty đã có biên bản cam kết chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân nhưng mãi chưa thấy thực hiện", ông Đon cho hay.

Quy hoạch treo cụm công nghiệp Phong Phú: Bồi thường hơn 13 tỷ đồng…, chuyển 1 tỷ đồng để chi trả - Ảnh 2.

Do nằm trong quy hoạch cụm công nghiệp Phong Phú, hộ gia đình anh Bùi Văn Tỉnh không thể bán đi một phần đất của gia đình để có tiền trả nợ ngân hàng, cải tạo ngôi nhà xuống cấp xây dựng từ năm 2009. Ảnh: Phạm Hoài.

Theo ông Đon, huyện Tân Lạc đã tổ chức một số cuộc họp mời lãnh đạo của Công ty Lotus lên làm việc về dự án cụm công nghiệp Phong Phú nhưng Công ty lại cử cán bộ đến tiếp thu nội dung làm việc, xong lập biên bản rồi ký và về báo cáo lãnh đạo Công ty.

"Có hôm, huyện mời cả Phó giám đốc Sở Công thương vào làm việc, Công ty Lotus cũng chỉ cử mỗi cán bộ lên tiếp thu rồi về, không thể cam kết nội dung liên quan đến dự án với Sở Công thương và UBND huyện", ông Đon nói.

Chưa hoàn thành nhiệm vụ như Kết luận của lãnh đạo tỉnh Hòa Bình

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 24/7/2023, chủ đầu tư dự án cụm công nghiệp Phong Phú – Công ty Lotus đã có văn bản số 2407/BCK-Lotus gửi Sở Công Thương tỉnh Hòa Bình và UBND huyện Tân Lạc về việc cam kết triển khai dự án cụm công nghiệp Phong Phú.

Trong nội dung văn bản, Công ty Lotus đã nêu những khó khăn, vướng mắc khi triển khai dự án. Đồng thời, Công ty cam kết tiếp tục triển khai thực hiện dự án; trong thời gian 60 ngày làm việc kể từ ngày được phê duyệt điều chỉnh tiến độ dự án, Công ty sẽ phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Hòa Bình, UBND huyện Tân Lạc thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ của dự án Cụm công nghiệp Phong Phú.

Trong khi đó, ngày 9/6/2023 Văn phòng UBND tỉnh Hòa Bình ban hành thông báo số 4727/TB-VPUBND, về nội dung Kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình - ông Quách Tất Liêm - Trưởng Ban chỉ đạo đầu tư phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Quy hoạch treo cụm công nghiệp Phong Phú: Bồi thường hơn 13 tỷ đồng…, chuyển 1 tỷ đồng để chi trả - Ảnh 3.

Bản đồ quy hoạch sử dụng đất quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 cụm công nghiệp Phong Phú, huyện Tân Lạc. Ảnh: Phạm Hoài.

Theo đó, việc ban hành Quyết định điều chỉnh Quyết định số 599/QĐ-UBND ngày 26/3/2020 của UBND tỉnh về việc thành lập cụm công nghiệp Phong Phú, huyện Tân Lạc (điều chỉnh tiến độ hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp) sẽ được xem xét sau khi Nhà đầu tư hoàn thành các nhiệm vụ.

Trong đó có nhiệm vụ là yêu cầu nhà đầu tư hạ tầng khẩn trương bố trí kinh phí để chi trả đối với phần diện tích đã phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng Dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.

Nhưng thực tế, chủ đầu tư - Công ty Lotus chưa bố trí đủ kinh phí chi trả đối với phần diện tích đã phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng theo như nhiệm vụ tại kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã nêu. 


Trước đó, Báo Dân Việt đã có bài phản ánh Hòa Bình: Nỗi lòng người dân sống "treo" cùng quy hoạch cụm công nghiệp Phong Phú, theo Quyết định số 599/QĐ-UBND ngày 26/3/2020 của UBND tỉnh Hòa Bình về việc thành lập cụm công nghiệp Phong Phú, huyện Tân Lạc tiến độ hoàn thành đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp là 24 tháng.

Thế nhưng, đã mấy năm trôi qua, việc thực hiện dự án vẫn "giẫm chân tại chỗ" khiến nhiều hộ dân nằm trong quy hoạch rất bức xúc; do nằm trong quy hoạch, nhiều hộ dân hai xã Phong Phú và Mỹ Hòa không thể chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sang trồng cây lâu năm nhằm phát triển kinh tế.

Nhà ở hư hỏng, xuống cấp không thể sửa chữa, xây mới. Hơn nữa, dù có sổ đỏ không thể thế chấp để vay vốn phát triển kinh tế; không thể sang tên, chuyển nhượng được...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem