Dự án “Kết nối mọi người trong cứu hộ và giảm nhẹ thiên tai ở khu vực ĐBSCL”: Kết nối để giảm nhẹ tổn thương

Huỳnh Xây Thứ năm, ngày 13/11/2014 08:01 AM (GMT+7)
Ngày 12.11, Tổ chức ActionAid tại Việt Nam (AAV, một bộ phận của ActionAid quốc tế - AAI), đã phối hợp Công ty Microsoft tại Việt Nam triển khai Dự án “Kết nối mọi người trong cứu hộ và giảm nhẹ thiên tai ở khu vực ĐBSCL” tại huyện Long Phú (Sóc Trăng). 
Bình luận 0

Phóng viên Báo NTNN đã phỏng vấn ông Ramesh Khadka - cố vấn cao cấp của AAV về sự kiện này.

img

Ông Ramesh Khadka.

Ông đánh giá về hậu quả biến đổi khí hậu đối với Việt Nam nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng như thế nào?

- Theo tôi được biết, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia dễ bị tổn thương do tác động xấu của biến đổi khí hậu. Phần lớn dân số thường xuyên đối mặt với những rủi ro vì bão, mưa lớn, lũ lụt, hạn hán, lốc xoáy, sạt lở... Trong đó, ĐBSCL là một vùng đất thấp, đông dân và là 1 trong 3 tam giác châu thổ dễ bị tổn thương nhất thế giới.

Những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất chính là các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người tàn tật, phụ nữ, trẻ em. ĐBSCL là 1 trong 2 vựa lúa lớn nhất Việt Nam, đem lại rất nhiều lợi ích cho người dân. Thế nhưng, theo nhiều chuyên gia nghiên cứu, nếu mực nước biển đang lên ở một mức độ nào đó thì vựa lúa này sẽ trở thành vùng thảm họa, người dân địa phương sẽ di dời đi các vùng khác.

Dự báo, thời gian tới, thiên tai và thời tiết sẽ ngày càng khắc nghiệt và có nhiều bất thường xảy đến gây thiệt hại về người, nhà cửa, ruộng đất, khiến người dân mất phương tiện sinh sống và đẩy họ trở lại cảnh nghèo đói.

AAV cho rằng, thời gian qua, nhiều ngành chức năng đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp ứng phó với thiên tai qua việc đẩy mạnh công tác chuẩn bị, xây dựng kịch bản về tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, việc làm trên chưa được cụ thể, mạnh mẽ và còn nhiều thiếu hụt, nhất là khả năng ứng phó của cộng đồng và năng lực của chính quyền địa phương.

img Người dân tham gia buổi tập huấn Dự án “Kết nối mọi người trong cứu hộ và giảm nhẹ thiên tai ở khu vực ĐBSCL”. 

 

Lợi ích mà Dự án “Kết nối mọi người trong cứu hộ và giảm nhẹ thiên tai ở khu vực ĐBSCL” mang lại cho người dân sở tại được trông đợi ra sao, thưa ông?

- Dự án này trang bị miễn phí 38 điện thoại Nokia Lumia 630 (sử dụng sim 3G) cho 16 ấp, 4 máy tính bàn cho Ban quản lý dự án tại UBND 3 xã và UBND huyện Long Phú. Trong đó, điện thoại Nokia Lumia sẽ được trang bị công cụ nhập liệu của Microsoft, tương tự ở máy tính bàn cũng sẽ được trang bị phần mềm để nhập liệu và gửi thông tin đến các điện thoại mà người quản lý cần gửi.

Nếu có vấn đề gì xảy ra, cần thông báo về ban quản lý, lãnh đạo UBND xã hoặc huyện thì người phụ trách ở ấp sẽ nhập liệu thông tin vào điện thoại gửi đi và nơi nhận sẽ nhanh chóng nhận được thông tin và có chỉ đạo các biện pháp giải quyết ngược lại từ máy tính bàn. Đặc biệt, người phụ trách gửi thông tin từ điện thoại có thể chụp ảnh những gì diễn ra tại ấp để gửi đi trong thời gian rất nhanh. Mặt khác, khi UBND huyện muốn chỉ đạo, gửi thông tin đi nhiều ấp, nhiều xã cũng rất dễ dàng bằng một vài thao tác đơn giản.

Dự án sẽ thành lập tổ phòng ngừa và giảm nhẹ thiên tai tại các ấp (8 người/ấp), sau đó tổ sẽ được hướng dẫn cách sử dụng công cụ nhập liệu trên điện thoại, tập huấn về cách lập kế hoạch phòng ngừa, giảm nhẹ thiên tai, công tác sơ cấp cứu. Đồng thời, dự án cũng xây dựng các cơ chế phối hợp giữa người dân, giữa các ấp, các xã trong phản ứng với các tình huống khẩn cấp và nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác nhân của biến đổi khí hậu. Một ưu điểm khác của dự án là thông tin đi hai chiều, thay vì bằng cách phát loa một chiều ở các địa phương, không được phản hồi từ phía tiếp nhận thông tin. Đây là biện pháp hay, dùng trong trường hợp quan trọng, mang tính chất dự báo sớm.

Cách làm này có khác biệt gì đối với các dự án khác về ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai tại ĐBSCL?

- Đúng là hiện nay có nhiều chương trình, dự án được triển khai ở ĐBSCL về việc ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai, nhưng phần lớn chỉ là các dự án như trồng rừng, xây đê, cứu trợ… Còn dự án mà chúng tôi đang triển khai là giúp người dân biết cách thức để tự ứng phó, tự tổ chức trong trường hợp cần thiết. Tuy chúng tôi làm ở cộng đồng nhưng có hỗ trợ cho cộng đồng kết nối với cấp cao hơn. Mặt khác, chúng tôi cũng liên hệ, trình bày với các các cấp nhà nước để làm sao có những chính sách hỗ trợ liên quan đến việc nâng cao năng lực của cộng đồng.

Đây là một dự án lâu dài và mang tính bền vững chứ không phải trong thời gian ngắn. Hiện AAI có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhờ đó mà chúng tôi có nhiều kinh nghiệm, bài học được chia sẻ từ các nước khác, hoặc chia sẻ kinh nghiệm ở Việt Nam ra nước ngoài. Đội ngũ cán bộ của AAV thường xuyên ra nước ngoài trao đổi thông tin, nâng cao khả năng chuyên môn nghề nghiệp. Đây cũng là lý do chúng tôi tin tưởng dự án “Kết nối mọi người trong cứu hộ và giảm nhẹ thiên tai ở khu vực ĐBSCL” sẽ mang lại nhiều hiệu quả hơn nữa.

Ông mong đợi chính quyền và người dân huyện Long Phú sẽ tham gia như thế nào đối với cách làm mới mẻ này?

- Mong đợi của dự án, không gì khác hơn là người dân có thể sử dụng tốt phần mềm của Microsoft và điện thoại Nokia để hạn chế những rủi ro trong đời sống cũng như trong sản xuất. Thời gian tới, tôi hy vọng, chính quyền địa phương sẽ có hỗ trợ tiếp theo để dự án được mở rộng thêm, không chỉ ở 3 xã mà còn ở nhiều địa phương khác. Chúng tôi cũng mong rằng, phía Công ty Microsoft cũng tiếp tục hỗ trợ về lĩnh vực công nghệ hiện đại hơn, để người dân dễ tiếp cận hơn. Công nghệ là hỗ trợ con người, là bình đẳng, không hạn chế bởi một nhóm người sử dụng nhất định nào cả, mà nó nên được chia sẻ ở vùng sâu vùng xa vùng dân tộc thiểu số như dự án mà chúng tôi đang triển khai.

 28.000 người hưởng lợi trực tiếp

Dự án “Kết nối mọi người trong cứu hộ và giảm nhẹ thiên tai ở khu vực ĐBSCL” được triển khai đầu tiên tại 3 xã: Châu Khánh, Tân Thạnh, Tân Hưng thuộc huyện Long Phú (Sóc Trăng). Theo kế hoạch, có khoảng 28.000 người được hưởng lợi trực tiếp từ dự án (trong đó có 15.000 phụ nữ); 113.000 hưởng lợi gián tiếp. Dự án được thực hiện từ tháng 1.2014 đến tháng 12.2015, tổng kinh phí thực hiện là trên 2,7 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên Microsoft Việt Nam và AAV cùng hợp tác hỗ trợ cộng đồng giảm thiểu trong thiên tai.

Ông Lâm Văn Paul - Phó Chủ tịch UBND huyện Long Phú (Sóc Trăng): Thông tin 2 chiều, nhanh và mới mẻ

Sau 5 tháng triển khai, các ban phòng ngừa và giảm nhẹ thiên tai ở huyện, các xã và ấp đã được thành lập, các hội thảo, buổi tập huấn đã nhiều lần được tổ chức. Dự án này giúp thông tin hai chiều rất nhanh và rất mới mẻ. Bước đầu, đã giúp được người dân thông tin kịp thời về tình trạng xâm nhập mặn, thời tiết, mực nước, thời vụ sản xuất và sâu bệnh… Tôi hy vọng rằng, dự án sẽ đóng góp tích cực cho huyện Long Phú trong việc rút kinh nghiệm nâng cao công tác cứu hộ và giảm thiệt hại cho người dân do thiên tai gây ra, mà theo dự báo của các nhà khoa học, Long Phú là địa phương nằm trong vùng chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu trong thời gian tới”. 

Bà Trần Thanh Hương (ấp Tân Lịch, xã Tân Hưng, Long Phú, Sóc Trăng): Thuận lợi và nhanh chóng

Nhiều năm trước đây, tôi nghĩ thiên tai  xảy ra tới địa phương là mình phải chịu, nhưng khi tham gia dự án, tôi mới biết cách tự mình tìm vạch ra kế hoạch, cách ứng phó, có phối hợp với mọi người, không chỉ có người dân mà còn với chính quyền địa phương. Tổ phòng ngừa và giảm nhẹ thiên tai tại ấp tôi có 8 người, chúng tôi thường xuyên họp tổ, đưa ra phương hướng cho tháng tới về các  công việc ứng phó với thiên tai. Tổ còn vẽ được bản đồ ấp, chỉ ra nơi thường tai xảy ra thiên tai. Việc sử dụng điện thoại thông báo thông tin thông qua chương trình của Microsoft từ ấp đến xã và huyện rất thuận lợi và nhanh chóng nhận được thông báo phản hồi trở lại hoặc ý kiến chỉ đạo.

H.X (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem