Dự án xử lý rác thải hữu cơ mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho nông dân Đà Nẵng
Dự án xử lý rác thải hữu cơ mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho nông dân Đà Nẵng
Tuyết Nhung - Trần Hậu
Thứ sáu, ngày 01/11/2024 09:00 AM (GMT+7)
Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng vừa tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” tại xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang.
Đồng chủ trì Hội thảo có ông Nguyễn Hữu Thiết – Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng, Trưởng Ban quản lý Dự án và ông Nguyễn Kim Dũng – Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố, Phó Trưởng Ban quản lý Dự án.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Hữu Thiết – Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng cho biết: "Sau gần 2 năm triển khai tập huấn, thực hiện các mô hình thuộc Dự án "Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế" tại 5 xã thuộc huyện Hòa Vang đã đem lại những kết quả ấn tượng.
Tôi mong rằng qua Hội thảo hôm nay, các cán bộ, hội viên nông dân xã Hòa Sơn sẽ tích cực tham gia chia sẻ kinh nghiệm thực hiện các mô hình, chỉ ra những lợi ích, cũng như trở ngại trong quá trình ứng dụng, để Hội có những giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, hướng đến nhân rộng tính hiệu quả của Dự án trong cộng đồng".
Theo chia sẻ của các hộ nông dân xã Hòa Sơn, Dự án đã mang lại hiệu quả kinh tế và nhiều lợi ích về môi trường. Khi thực hiện mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học dày, đàn gà của người nông dân khỏe mạnh, phát triển đồng đều, ít bị bệnh, hạn chế tỷ lệ chết, gà sạch, thịt chắc và thơm ngon. Từ đó giúp giảm công chăm sóc, tăng lợi nhuận.
Thêm vào đó, đệm lót sinh học giúp tiêu hủy phân và nước tiểu của gà nên không còn mùi hôi thối, cải thiện môi trường sống cho vật nuôi và không gây ảnh hưởng đến khu dân cư.
Áp dụng mô hình lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi, nhiều nông dân xã Hòa Sơn đã chủ động được nguồn thức ăn dinh dưỡng cho gia súc vào mùa đông, giảm chi phí đầu vào, vật nuôi khỏe hơn, hạn chế được dịch bệnh, phân thải ra môi trường không còn mùi hôi như trước.
Ông Nguyễn Văn Hải – Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Sơn cho hay: "Do điều kiện thực tế của địa phương đang diễn ra đô thị hóa mạnh mẽ, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp nên việc ứng dụng và nhân rộng các mô hình Dự án cũng gặp nhiều khó khăn. Song, thông qua công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân, người dân xử lý rác thải hữu cơ đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, giảm lượng rác thải.
Nổi bật trong đó là mô hình nuôi sâu canxi đã được Hội nhân rộng ra 50 hộ thực hiện rất hiệu quả và cho đẻ trứng, nhân rộng ra các hộ chăn nuôi gà vườn trong và ngoài địa phương. Hội chủ động thực hiện công tác tuyên truyền ở 5 thôn trên địa bàn với hơn 100 lượt người tham dự, đồng thời phối hợp với UBND xã hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ sinh phẩm nuôi sâu canxi cho các hộ nuôi gà".
Trồng vườn hoa cây cảnh hơn 100 chậu, anh Nguyễn Văn Trường – Chi hội phó nông dân thôn Xuân Phú cho hay, từ khi thực hiện kỹ thuật ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng thì anh nhận thấy mô hình có nhiều ưu điểm như giúp giảm chi phí phân bón, cải tạo đất, tăng năng suất cây trồng, tháo gỡ khó khăn cho nông dân trong việc xử lý phụ phẩm cây trồng, góp phần bảo vệ môi trường.
Là hội viên nông dân đang thực hiện rất hiệu quả mô hình nuôi sâu canxi, anh Nguyễn Quang Phú chia sẻ: "Sau 2 tháng thử nghiệm nuôi sâu canxi thì tôi thấy mô hình này cho rất nhiều lợi ích như: giảm 80% chi phí mua thức ăn cho vật nuôi; giúp vật nuôi khỏe mạnh, mau lớn; tiết kiệm công chăm sóc; tăng thu nhập nhờ bán sâu và bán trứng; tạo ra phân hữu cơ để trồng trọt cho năng suất cao; giảm bớt chất thải hữu cơ vứt ra môi trường; giảm được mùi hôi thối, ruồi, gián... và giúp môi trường xung quanh được sạch sẽ hơn trước.
Từ lợi ích đó, tôi tích cực chia sẻ kinh nghiệm, tuyên truyền, vận động nhiều nông dân, người dân địa phương áp dụng mô hình nuôi sâu canxi. Đặc biệt là thông qua các trang mạng xã hội như facebook, youtube, zalo, tôi đã vận động được hơn 500 hội viên khác tham gia nuôi sâu canxi".
Đánh giá cao hiệu quả tích cực mà Dự án mang lại, ông Hồ Văn Y – Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn bày tỏ: "Trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được, tôi mong rằng Hội Nông dân thành phố và Trung tâm Khuyến ngư nông lâm thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục đồng hành cùng địa phương hỗ trợ nông dân nhân rộng mô hình, góp phần giảm được một phần chi phí trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả, năng suất và chất lượng sản phẩm nông sản, hướng đến sản xuất, chăn nuôi theo hướng hữu cơ, đặc biệt là góp phần giảm thiểu chất thải và khí thải ra môi trường".
Kết thúc Hội thảo, ông Nguyễn Kim Dũng – Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng chia sẻ: "Sau khi thực hiện và thấy được hiệu quả từ các mô hình xử lý rác thải hữu cơ của Dự án, mỗi cán bộ, hội viên nông dân xã Hòa Sơn phải phát huy vai trò là một tuyên truyền viên tích cực để bà con nông dân học hỏi, nhân rộng mô hình, góp phần giảm chi phí trong chăn nuôi, tăng lợi nhuận. Đặc biệt là giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường từ nguồn phân chăn nuôi gia súc, gia cầm chưa qua xử lý, tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường, đảm bảo sức khỏe con người".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.