Dự báo bão: Có ít xít ra nhiều rất nguy

Thứ ba, ngày 20/07/2010 05:45 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Với cơn bão số 1, cấp gió và vùng ảnh hưởng, vùng gây mưa, lượng mưa của nó đã được dự báo “quá” lên rất nhiều, khiến nhiều nơi như Hà Nội chuẩn bị rất kỹ để “đón bão” nhưng thực tế không như dự báo.
Bình luận 0

Cơn bão số 1 mang tên Conson vừa qua đã cho thấy sự phức tạp của hướng di chuyển và tốc độ gió, khả năng gây mưa, và cũng cho thấy sự tích cực dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư. Nhưng việc dự báo cũng để lộ ra khả năng dự báo thiếu chính xác của trung tâm này. 

Nói như ông Giám đốc Sở NN&PTNT Nam Định thì dự báo “vống lên” như thế, không chỉ gây tốn kém cho địa phương trong việc phòng chống bão, mà quan trọng hơn, là “qua trận bão hụt này, chính quyền cấp xã và người dân dễ sinh tâm lý chủ quan, coi thường việc dự báo sau này”.

Cái ấy thì đúng là rất đáng lo! Vì thông thường, khi một lần dự báo… hụt, thì lần sau dự báo nữa người dân cũng thường có tâm lý rằng, dự báo vống lên để đề phòng ấy mà! Nếu cái “lần sau” ấy, mà bão lớn thật, nguy hiểm thật, thì với tâm lý ỷ lại, coi thường như thế, coi như người dân đã rơi ngay vào “bẫy” của cơn bão. Và những thiệt hại do chủ quan không tích cực phòng chống là không thể tính được!

Vì thế, không chỉ dự báo thiếu chính xác, mà dự báo “có ít xít ra nhiều” cũng rất nguy. Những cơn bão lớn, sức tàn phá cao, cũng như những trận mưa dữ dội như trận mưa mà Hà Nội mới hứng chịu cách đây một tuần, đều tới một cách bất ngờ, và thường là vượt khỏi tầm dự báo. Dự báo được những biến động thời tiết mang tính bất ngờ như thế là không hề dễ. Nhưng không thể không làm.

Ngành khí tượng Việt Nam hiện nay đã có những thuận lợi rất lớn so với trước đây, khi mọi thông tin dự báo ở cấp độ toàn thế giới luôn được cập nhật, và mối liên kết thông tin giữa các đài khí tượng khu vực và trên thế giới luôn được giữ “nóng”. Đó là thuận lợi từ bên ngoài.

Nhưng nếu những thuận lợi ấy không được “bên trong” tức trong nội bộ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Việt Nam tiếp nhận và xử lý một cách tốt nhất, cộng với năng lực dự báo của chính mình, thì những “độ chênh” trong dự báo so với thực tế là khó khắc phục.

Làm sao để sự thật về việc làm chuyên cần của hàng vạn cán bộ công nhân viên khí tượng Việt Nam đẩy lùi dần tới mức thấp nhất, hạn chế tới mức tối thiểu cái “sự thật” về dự báo “chênh”. Đã nói “dự báo” là đã chấp nhận có “phần trăm… thiếu chính xác” trong đó, nhưng làm sao để “phần trăm” này ở mức thấp nhất có thể chấp nhận được.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem