Theo tìm hiểu của phóng viên NTNN, trong số rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, có một thực trạng đáng lo ngại là nhiều tỉnh ở miền Trung và miền Nam không thể kiểm soát được quy hoạch trồng dưa hấu.
Bó tay với cân đối cung - cầuLà một trong những địa phương có diện tích trồng dưa lớn, ông Biện Minh Tâm - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Phú Yên cho biết: “Kinh nghiệm trồng dưa của người dân Phú Yên rất kém nên hầu hết diện tích trồng dưa trên địa bàn là do người dân Bình Định thuê đất trồng. Chúng tôi cũng đưa ra quy hoạch diện tích nào dành cho trồng sắn, mía, dưa, nhưng do người dân nơi khác đến thuê đất trồng nên không thể kiểm soát được”.
Cụ thể, trước đây tỉnh Phú Yên chỉ có vài chục ha dưa hấu, năm 2014 tỉnh đưa ra định hướng diện tích trồng cây này khoảng 100ha, sản lượng trung bình 25 tấn/ha nhưng đến nay, diện tích trồng dưa đã tăng đột biến, lên tới 500ha.
Dưa hấu bị ùn ứ tại Lạng Sơn.
Tương tự, ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Định cũng cho biết, hiện diện tích trồng dưa thực chất là dành cho cây sắn, nhưng do người dân ở tỉnh này sang tỉnh khác thuê đất của nhau để trồng dưa nên rất khó quản lý. Hiện, Bình Định có khoảng 700 - 1.000ha dưa hấu, song cũng khó thống kê được con số chính xác.
“Diện tích trồng dưa tăng hay giảm phụ thuộc vào thị trường và quyết định của người dân. Muốn đưa ra những khuyến cáo về cung - cầu của thị trường, phải có số liệu của Bộ Công Thương, còn ở cơ sở như chúng tôi không có đủ thông tin và chỉ lo khâu sản xuất là chính” – ông Hổ cho biết.
Theo ông Phạm Đồng Quảng - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), hàng năm ngành nông nghiệp vẫn có tư vấn cho các địa phương sản xuất theo vụ, gắn sản xuất với tiêu thụ, nhưng việc gắn kết cụ thể thì phải do nông dân với thương lái. Hiện nay Nhà nước mới thực hiện được cân đối cung - cầu cho một số mặt hàng chủ lực như rau, lúa gạo, còn dưa hấu thì chưa làm được.
Làm thế nào để“nắm đằng chuôi”?
Lý giải về hiện tượng ùn ứ dưa hấu, các cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn cho rằng, có rất nhiều yếu tố như dưa được mùa, vận chuyển cùng lúc với số lượng lớn; cơ sở hạ tầng giao thông của nước ta và bến bãi phía TQ chưa đáp ứng được; xuất khẩu nông sản không có hợp đồng, khi sang đến TQ cần phân loại, đóng hàng nên mất rất nhiều thời gian... Nếu không giải quyết dứt điểm tình trạng này, giá dưa sẽ càng xuống thấp và thiệt hại cuối cùng vẫn đổ lên đầu nông dân.
Vẫn còn 1.000 xe tải chở dưa xếp hàng
Theo đại tá Nông Văn Định - Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn, đến ngày 27.3, dọc Quốc lộ 1A đến cửa khẩu Tân Thanh vẫn còn hơn 1.000 xe tải chở dưa. Ngành công an đang căng sức để phân luồng, cứ 3-5km lại cho các xe tải xếp hàng thành tốp khoảng 150 - 200 xe để tránh ùn tắc cục bộ.
|
Câu chuyện ùn ứ dưa hấu tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) cũng như các mặt hàng nông sản khác như vải thiều, thanh long... không phải bây giờ mới xảy ra mà đã thành thông lệ, cứ “đến hẹn lại lên”. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, trong “cuộc chơi” với các tiểu thương Trung Quốc (TQ), chúng ta cần phải “nắm đằng chuôi”.
Ông Phong phân tích: “Hiện nay việc buôn bán dưa hấu và các mặt hàng nông sản khác đều theo quy trình: Đưa hàng lên, làm thủ tục thông quan xong thì chở hàng sang đất của TQ; sau đó tiểu thương TQ xem hàng và trả giá như ở chợ, dẫn tới nhiều khi tiểu thương Việt Nam bị thua thiệt.
Thay vì làm như vậy, nay các tiểu thương Việt Nam cần thoả thuận trước với họ về mẫu mã, lượng hàng, giá bán… rồi mới chở hàng lên cửa khẩu của Việt Nam. Có như thế chúng ta mới nắm được thế chủ động. Cần xuất khẩu nông sản chính ngạch
Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Văn Bộ- Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng: Tình trạng ùn ứ nông sản ở cửa khẩu lâu nay, hoàn toàn là do khâu quản lý Nhà nước. Tôi đã từng nhiều lần nêu ý kiến về việc này, tức là đừng để nông dân chúng ta phải bươn chải theo con đường không chính thức nữa, mà phải có bàn tay can thiệp của Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT, cụ thể là phải có những ký kết với các tỉnh vùng biên giới để tạo thuận lợi cho nông sản xuất sang biên giới”.
Cũng theo ông Bộ, ngoài giải pháp lâu dài là buôn bán chính ngạch, theo nông dân cần trang bị cho mình nhiều kiến thức để chủ động hơn trong khâu tiêu thụ nông sản. “Theo tôi, bà con nên tích cực tham gia HTX, tổ hợp tác, ngành hàng để có sức mạnh, tiếng nói quyết liệt hơn trong khâu đàm phán tiêu thụ nông sản. Việc này phải chủ động thực hiện ngay cả với thị trường trong nước chứ không chỉ xuất khẩu”- ông Bộ nói.
Thanh Xuân - Minh Huệ (Thanh Xuân - Minh Huệ)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.